Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân chuyển đổi cây trồng để tăng lợi nhuận

07:10 14/09/2021 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thời gian qua, các hộ dân trên địa bàn xã Ngọc Sơn, Đặng Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) đã mạnh dạn chuyển đổi trồng ngô sang trồng cây dược liệu húng quế. Đây là một hướng đi mới trong việc đưa loại giống mới về trồng tại địa phương của các hội viên và

Thời gian qua, các hộ dân trên địa bàn xã Ngọc Sơn, Đặng Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) đã mạnh dạn chuyển đổi trồng ngô sang trồng cây dược liệu húng quế. Đây là một hướng đi mới trong việc đưa loại giống mới về trồng tại địa phương của các hội viên và hướng đến chiết xuất tinh dầu để xuất khẩu.

Nông dân thu hoạch cây dược liệu húng quế.

Cho thu nhập gấp 3 lần

Đô Lương được biết đến là huyện trung tâm của tỉnh Nghệ An, có diện tích tự nhiên 350,433km2, vị trí giao thương khá thuận lợi khi có các tuyến đường Quốc lộ 15A, 46, 7A. Bên cạnh đó là các tuyến đường liên huyện, tỉnh lộ được xây dựng theo tiêu chuẩn cấp IV nông thôn. Với điều kiện thổ nhưỡng đa dạng phù hợp mọi loại cây trồng ở từng vùng cụ thể nên rất có lợi thế đa dạng hóa cây trồng trong phát triển sản xuất nông nghiệp.

Cùng với đó là sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và Hội Nông dân (ND) các cấp, cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn huyện đã tổ chức thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, chuyển đổi mô hình sản xuất, đặc biệt là chuyển đổi từ diện tích đất trồng cây ngô kém năng suất sang trồng cây dược liệu húng quế để chiết xuất thành tinh dầu. Cây rau húng quế được nông dân huyện Đô Lương trồng trên đất bãi từ tháng 2 âm lịch năm 2021, thời gian đầu thử nghiệm trồng tại xã Đặng Sơn trên diện tích 2ha, xã Ngọc Sơn khoảng 0.5ha.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Sâm – Chủ tịch Hội ND xã Ngọc Sơn, cách đây 2 năm người dân địa phương cũng đã triển khai trồng cây húng quế nhưng làm hơi muộn nên cho năng suất không cao. Sau đó, HTX Giun quế Nghệ An đã đưa mô hình về thí điểm tại Ngọc Sơn, bước đầu xã có 2 vùng quy hoạch để vận động nông dân trồng. Các bên cùng thống nhất thông qua quy trình chăm sóc và sinh lộc, cam kết đầu vào, đầu ra ổn định. Thời gian đó, độ tin tưởng của người dân đối với loại cây trồng mới này chưa cao, sau đó phía HTX đã đặt cọc trên 1 tỷ đồng để cam kết với người dân về đầu ra, hướng dẫn kĩ thuật chăm sóc và cung cấp giống cũng như hỗ trợ phân bón. Ban đầu có 9 hộ tham gia, sau có 2 hộ rút khỏi danh sách trồng cây húng quế thử nghiệm, với diện tích trồng khoảng 0,5ha.

Từ đầu năm đến nay cây húng quế đã thu hoạch 2 lần, nếu thời tiết thuận lợi cho thu hoạch 4 lần, thông thường 3 lần/năm, cho thu nhập khoảng 5.5 đến 6.5 triệu/ sào tùy theo từng hộ chăm sóc tại các vùng. Việc chăm sóc cây húng quế đơn giản và nhẹ nhàng hơn việc trồng ngô rất nhiều, sau thời gian thu hoạch để lại gốc chỉ cần bón khoảng 3kg đạm/sào, không mất công làm cỏ và chờ thời gian cây ra lộc là thu hoạch tiếp.

Gia đình ông Nguyễn Cảnh Sơn ở xóm Phúc Yên (xã Ngọc Sơn, Đô Lương) đã tiên phong trồng hơn 1 sào cây rau húng quế trên đất bãi. Hợp đất nên giống cây này phát triển nhanh, tầm cao gần 3 gang tay. Ông Sơn cho biết: “Trước đây trên thửa đất này tôi trồng ngô, mỗi năm thu nhập khoảng 2 triệu/sào. Nay trồng cây rau húng quế lợi nhuận gấp 3 lần. Chăm sóc cây đơn giản, không phải phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Cây dược liệu húng quế này dễ trồng, dễ chăm sóc. Mỗi đợt trồng 1 vòng đời của cây cho thu hoạch 3 đến 4 lượt, cứ 40 đến 45 ngày là thu hoạch 1 lần. Chỉ thời gian đầu mới trồng cây con là kéo dài thời gian hơn khoảng 2 đến 2,5 tháng mới thu hoạch lần đầu. So với trồng ngô thì năng suất và lợi nhuận cao gấp nhiều lần mà đầu ra lại ổn định…”.

Từ những kinh nghiệm tích lũy và những thành công bước đầu nông dân đã yên tâm khi chuyển đổi cây húng quế. Đặc biệt, có sự cam kết của HTX thu mua, sự hỗ trợ của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với mô hình trồng cây dược liệu húng quế… Đây là những điều kiện tiên quyết để tiếp tục lan tỏa, nhân rộng mô hình chuyển đổi này, không chỉ trong xã mà phát triển ra trên địa bàn toàn huyện Đô Lương.

Ông Nguyễn Công An – Chủ tịch Hội ND huyện Đô Lương (áo trắng) kiểm tra và tham quan mô hình trồng cây húng quế tại xã Ngọc Sơn.

Chiết xuất tinh dầu xuất khẩu

Giống cây húng quế trồng ở Đô Lương được mua từ huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên). Cây húng quế thích nghi với thổ nhưỡng ở Đô Lương nên sinh trưởng nhanh. Trước lúc trồng, mỗi sào các hộ dân tiến hành bón các loại phân như: phân lân, phân chuồng hoai mục, sau khi cây tốt bón thêm đạm. Lứa đầu tiên thu hoạch sau 2,5 tháng, lứa thứ 2 và lứa thứ 3 kế tiếp nhau sau 40 đến 45 ngày. Sau 3 lần thu hoạch, bà con nông dân lại chuyển sang trồng các loại rau màu phù hợp với thời tiết chuyển Đông. Bởi thời điểm này không phù hợp để trồng cây húng quế dù nó vẫn sinh trưởng tốt nhưng mùa Đông húng quế không ra lộc.

Ngay sau khi thu hoạch, cây húng quế được nông dân cho vào thùng hấp bằng hơi nước để chiết xuất tinh dầu húng quế. Trung bình mỗi sào húng quế sau 3 lần thu hoạch sẽ chiết xuất được khoảng 8-9kg dầu, bán với giá 700- 800.000 đồng/kg. Hoa của cây húng quế được người trồng ngắt ra lấy hạt, cất giữ để làm giống trồng cho vụ sau. Tinh dầu húng quế được xuất bán sang thị trường các nước như Pháp, Bỉ, Hàn Quốc…

Chia sẻ về vấn đề mở rộng vùng nguyên liệu, ông Lê Khắc Quỳnh – Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết: “Thời gian tới, xã tiếp tục quy hoạch 7ha đất công ích của xã và đất nông nghiệp 64, đến đầu tháng 9 bắt đầu hội thảo để tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi những diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu húng quế. Dự kiến sang năm 2021, xã Ngọc Sơn triển khai trồng 12ha cây húng quế”.

Với hiệu quả rất rõ của việc trồng cây húng quế chế biến tinh dầu, trong thời gian tới, một số xã trên địa bàn huyện Đô Lương sẽ triển khai trồng cây húng quế, dự tính diện tích sẽ lên đến hàng chục hec-ta. Ngoài cây húng quế sẽ trồng thêm một số loại cây dược liệu phù hợp với thổ nhưỡng như: ngưu tất, bạch hoa xà, địa liền, bạch truật, tràm hương…Việc trồng các loại cây dược liệu này sẽ mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho vùng đất bãi ven sông Lam, các vùng đất kém hiệu quả đối với những loại cây trồng trước đây, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Trung bình mỗi sào húng quế sau 3 lần thu hoạch sẽ chiết xuất được khoảng 8 đến 9kg dầu, bán với giá 700.000 đến 800.000 đồng/kg. Tinh dầu húng quế được xuất bán sang thị trường các nước như Pháp, Bỉ, Hàn Quốc…

Bùi Ánh

TỪ KHÓA #nông dân