Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân Đắk Lắk đặt nhiều kỳ vọng trước thềm Hội nghị đối thoại với Thủ tướng

17:05 26/09/2020 GMT+7
Ngày 28/9 tới đây, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3 sẽ được tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk. 167 câu hỏi sẽ được gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành tham gia hội nghị. Vào ngày 28/9 tới đây, Hội nghị đối thoại của Thủ tướng
Ngày 28/9 tới đây, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3 sẽ được tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk. 167 câu hỏi sẽ được gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành tham gia hội nghị.
Nhiều nông dân trồng cà phê và tiêu tại Đắk Lắk kỳ vọng, Chính phủ sẽ có thể điều chỉnh lại giá cả để bà con nông dân yên tâm sản xuất. (Ảnh minh họa)

Vào ngày 28/9 tới đây, Hội nghị đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với nông dân Đắk Lắk sẽ diễn ra. Trước thềm hội nghị này, nông dân Đắk Lắk có những kỳ vọng, mong muốn gì đối với hội nghị?

Là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, có kinh nghiệm hơn 20 năm trồng và chăm sóc cà phê, ông Y Mắt Byă, ở buôn Cư Dluê, xã Hòa Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột cho rằng, hiện nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và các ứng dụng công nghệ, người dân có thể dễ dàng tiếp cận và tự học hỏi được các kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề ông quan tâm nhất hiện nay chính là vấn đề giá cả thị trường đối với các nông sản của người dân sản xuất.

Thông qua hội nghị đối thoại với Thủ tướng sắp diễn ra, ông Y Mắt hy vọng, chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm và có cơ chế điều tiết giá cả thị trường, nhất là thị trường nông sản.

“So với giá thuốc bảo vệ thực vật, giá phân bón cũng cao nhưng giá cà phê, tiêu do bà con sản xuất thì lại bấp bênh, xuống giá. Được mùa mất giá mà được giá thì lại mất mùa. Nên mong thông qua Thủ tướng Chính phủ có thể điều chỉnh lại giá cả để bà con nông dân yên tâm sản xuất” – ông Y Mắt bày tỏ.

Cùng trăn trở với ông Y Mắt, bà Hoàng Thị Hương, thôn Tam Hà, xã Cư Klông, huyện Krông Năng cho rằng, trước đây, trồng cây cà phê được xem là bền vững nhất, thu nhập ổn định, có thương lái vào tận nhà thu mua. Tuy nhiên, những năm gần đây, giá cà phê giảm mạnh. Cùng với đó, giá phân bón, giá thuốc bảo vệ thực vật tăng cao khiến nông dân trồng cây cà phê không có lãi. Để ổn định và tăng thu nhập, nhiều nông dân đã chuyển sang đa canh các loại cây trồng khác.

Tuy vậy, do chưa có quy hoạch cụ thể, nông dân canh tác tự phát dẫn tới “vỡ trận”, cung vượt cầu, nông sản làm ra không có thị trường tiêu thụ nên đầu ra bấp bênh, không ổn định. Bà Hương cho biết, bà rất háo hức chờ đợi hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân tại Đắk Lắk và kỳ vọng giá nông sản, đặc biệt là giá cà phê sẽ tăng sau hội nghị này.

Bà Hoàng Thị Hương kỳ vọng: “Tôi rất muốn kiến nghị lên Chính phủ và Nhà nước quan tâm hơn nữa về vấn đề tiêu thụ nông sản cho người nông dân để người dân có đầu ra ổn định và kết nối được với doanh nghiệp lớn để xuất khẩu những mặt hàng chủ lực của địa phương để đưa ra thị trường, ví dụ như Hiệp định EVFTA của châu Âu vừa được ký kết”.

Với ông Hoàng Mạnh Cường, Giám đốc một đơn vị kinh doanh trong ngành cà phê với dòng sản phẩm cao cấp là cà phê chồn, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là thị trường không phân định được hàng thật và hàng giả. Thực tế cho thấy, sản phẩm càng cao cấp thì nguy cơ bị hàng giả, hàng nhái càng nhiều.

Theo ông Cường, hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng và nông dân diễn ra tại Đắk Lắk là một tín hiệu tốt, cho thấy Thủ tướng và Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề nông nghiệp tại các tỉnh vùng sâu vùng xa như Tây Nguyên.

Nhân dân trong tỉnh Đắk Lắk rất quan tâm tới hội nghị này với 167 câu hỏi được gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành tham gia hội nghị. (Ảnh minh họa)

Ông Cường kỳ vọng hội nghị này sẽ góp phần làm nổi bật tiềm năng và lợi thế của cà phê Đắk Lắk và giúp tỉnh nâng tầm mặt hàng này trên thị trường.

“Riêng đối với ngành cà phê của Đắk Lắk thì tôi kỳ vọng vào cuộc đối thoại này. Bởi vì theo tôi nhận định thì chính cuộc đối thoại đó sẽ giúp cho Thủ tướng và qua Thủ tướng thì Chính phủ sẽ thấy được tiềm năng của Đắk Lắk. Và qua đó sẽ thấy được những điểm yếu để từ đó khắc phục và để làm như thế nào đó để hạt cà phê của Việt Nam và của Đắk Lắk nói riêng có thể vươn ra thế giới và xứng đáng với giá trị thực của nó” – ông Cường cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Tư, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk, đến thời điểm này, tỉnh Đắk Lắk đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân. Nhân dân trong tỉnh rất quan tâm tới hội nghị này với 167 câu hỏi được gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành tham gia hội nghị.

Đắk Lắk hiện có hơn 1 triệu héc ta đất nông nghiệp với nhiều loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu. Cùng với đó, những năm gần đây, diện tích các loại ăn trái ngày càng tăng, trong đó nhiều loại cây ăn trái như bơ, sầu riêng đang dần định hình thương hiệu trái cây Đắk Lắk trên thị trường.

Do đó, ông Nguyễn Văn Tư cho rằng, cùng với cà phê và hồ tiêu, trái cây Đắk Lắk cần được chú trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị và tăng thu nhập cho nông dân.

“Qua đối thoại thì mong Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, các đơn vị doanh nghiệp lớn tiếp tục quan tâm, dành cho nông dân Đắk Lắk và sản phẩm của Đắk Lắk, đặc biệt là để tiêu thụ các sản phẩm đó, làm tăng giá trị thu nhập của nông dân bằng chính tiêu thụ sản phẩm. Thứ hai là Chính phủ tiếp tục tạo cơ chế, hành lang tốt nhất cho nông dân Đắk Lắk trong sản xuất về vấn đề vốn, vấn đề công nhận, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, đặc biệt là nông nghiệp trong thời kỳ mới, thời kỳ hội nhập.

Chúng tôi mong rằng sau hội nghị đối thoại này sẽ có các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, chế biến. Điều quan tâm nhất hiện nay là các loại trái cây của Đắk Lắk rất phong phú và số lượng nhiều. Mong rằng các sản phẩm này phải được Thủ tướng chỉ đạo các ngành, các doanh nghiệp lớn đầu tư vào Đắk Lắk để giải quyết đầu ra cho nông dân” – ông Tư cho biết.

Ngày 28/9 tới đây, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3 sẽ được tổ chức tại Đắk Lắk. Với những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, khí hậu, nguồn lao động, nông dân Đắk Lắk đang đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả hội nghị sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương để đạt được mục tiêu mà hội nghị đặt ra là “cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”./.

(Theo VOV)