Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân đồng bằng sông Cửu Long phấn khởi đón Tết vì giá lúa tăng cao

07:30 18/01/2024 GMT+7
Nông dân tỉnh Trà Vinh hiện đang thu hoạch tập trung vụ Thu Đông 2023. Điều nông dân Trà Vinh rất phấn khởi là ở vụ lúa này năng suất tăng cao và lúa tươi đạt chuẩn xuất khẩu đang được thương lái thu mua tại ruộng vào ngày 17/1 ở mức 9.800 đồng/kg, tăng bình quân 500 đồng/kg so với tuần trước.

Chú thích ảnh

Thu hoạch lúa tại xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN

Nông dân Trà Vinh lợi nhuận bình quân 35 triệu đồng/ha lúa

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, đến nay nông dân trong tỉnh đã thu hoạch vụ Thu Đông 2023, được hơn 66.500 ha, đạt hơn 93% diện tích xuống giống, năng suất bình quân ước đạt gần 5,5 tấn/ha, tăng hơn 0,39 tấn/ ha so cùng kỳ năm 2022. Nhờ giá phân bón, vật tư nông nghiệp vụ Thu Đông này giảm và ổn định ở mức khoảng 11.200 đồng/phân đạm, 12.000 đồng/kg phân kali nên mỗi ha lúa Thu Đông năm nay, nông dân lợi nhuận bình quân 35 triệu đồng/ha.

Ông Trần Văn Tùng, ở xã Phong Phú, huyện Cầu Kè cho biết, gia đình vừa thu hoạch 1 ha lúa OM 5451, đạt năng suất khoảng 5,8 tấn/ha. Giá lúa tươi được thương lái thu mua tại ruộng ngày 16/1, ở mức 9.800 đồng/kg, ước lợi nhuận gia đình thu có được khoảng hơn 37 triệu đồng.

Theo ông Trần Văn Tùng, vụ lúa Thu Đông năm nay nông dân được lợi “kép” là giá phân bón ổn định ở mức vừa phải, cây lúa được mùa, lúa bán được giá cao, nên lợi nhuận tăng hơn khoảng 15 triệu đồng/ha so những năm trước. Hầu hết nông dân tại huyện Cầu Kè năm nay đều sử dụng các giống lúa chất lượng cao lúa thơm như: OM 5451, OM 18, Ðài thơm 8, IR50404... Nhờ giống lúa chất lượng đạt chuẩn xuất khẩu, thời tiết thuận lợi cây lúa năng suất cao, hạt lúa sáng đẹp nên được thương lái tranh mua.

Ông Nguyễn Đức Vũ, ở ấp Vĩnh Bảo, xã Hòa Thuận huyện Châu Thành phấn khởi cho biết, gia đình vừa bán xong 0,5 ha lúa Tài Nguyên, với mức giá 10.300 đồng/kg, đạt lợi nhuận ròng gần 30 triệu đồng, cao nhất từ trước đến nay. Giống lúa Tài Nguyên tuy cho năng suất đạt khoảng 5,5 tấn/ha, thấp hơn một số giồng lúa chất lượng cao. Tuy nhiên, lúa Tài Nguyên luôn được thương lái chuộng thu mua với giá cao hơn các giống lúa khác.

Ông Vũ lý giải việc chọn giống lúa Tài Nguyên để sản xuất vụ Thu Đông do điều kiện đất canh tác thấp, ngập nước và nhu cầu về lượng phân bón của giống lúa này thấp hơn khoảng 20% so các giống lúa khác. Bên cạnh đó, cây lúa Tài Nguyên có thân cao, khi thu hoạch cho lượng rơm nhiều dành để làm thức ăn cho bò. Bình quân, 1.000 m2 lúa Tài Nguyên cho khoảng 120 kg rơm khô; giá bán rơm khô cho người chăn nuôi bình quân 5.000 đồng/kg.

Hiện tại, nông dân trong tỉnh Trà Vinh cũng đã đẩy nhanh tiến độ gieo sạ vụ lúa Đông Xuân 2023 – 2024, được hơn 49.000 ha, đạt gần 87 % kế hoạch. Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh khuyến cáo bà con nông dân nên liên kết với các hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp từ đầu vào đến đầu ra, mạnh dạn trồng lúa phương thức sản xuất nông nghiệp tốt đạt tiêu chuẩn SRP, GlobalGAP, VietGAP…, đảm bảo chất lượng hạt gạo Việt Nam, phục vụ nhu cầu xuất khẩu, tăng lợi nhuận cho nông dân trồng lúa.

Nông dân vùng lúa – tôm Bạc Liêu vui đón Tết vì giá lúa tăng cao kỷ lục

Thời điểm này, nông dân vùng sản xuất theo mô hình lúa – tôm tỉnh Bạc Liêu đang bước vào vụ thu hoạch lúa cùng với tôm càng xanh. Mặc dù giá tôm có giảm đôi chút so với năm trước, nhưng bù lại lúa trúng mùa, giá tăng cao kỷ lục. Điều này giúp nông dân có thêm thu nhập, hứa hẹn đón Tết Giáp Thìn 2024 sung túc.

Chú thích ảnh

Mô hình tôm - lúa tỉnh Bạc Liêu mang lại hiệu quả cao và bền vững. 

Trên những cánh đồng sản xuất lúa – tôm của tỉnh Bạc Liêu những ngày này, đâu đâu cũng bắt gặp không khí thu hoạch lúa rộn ràng. Nhìn lúa chín vàng óng ả, trĩu hạt, nông dân ai nấy cũng vui cười, phấn khởi về một vụ mùa bội thu.

Ông Lê Văn Liêm, ở ấp Long Hải, (thị trấn Phước Long, huyện Phước Long) cho biết, gia đình gieo sạ hơn 1 ha giống lúa BL9. Đây là giống lúa được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công nhận lưu hành đặc cách vào tháng 8/2023.

Nhờ thời tiết thuận lợi cộng với nắm vững kỹ thuật sản xuất nên lúa trúng mùa. Với năng suất lúa 1.000 kg/1.000 m², lợi nhuận mà ông Liêm thu được trên 9 triệu đồng. Cùng với thu hoạch lúa, ông Liêm còn thu hoạch tôm càng xanh và cá đồng. Lợi nhuận mà gia đình thu được trong vụ  lúa trên đất tôm năm nay trên 150 triệu đồng. Với số tiền này, gia đình không chỉ có cái Tết đủ đầy mà còn có vốn để tái đầu từ sản xuất vụ tôm chính của năm 2024.

Cùng chung tâm trạng phấn khởi như ông Lê Văn Liêm, ông Nguyễn Văn Vẹn, ở ấp 1A, (xã Phong Thạnh Tây, huyện Phước Long) dự kiến sẽ có thu nhập trên 100 triệu đồng ăn Tết. Ông Ven cho biết, năm nay, lúa không những trúng mà mà còn trúng giá. Dù còn nửa tháng mới đến thời điểm thu hoạch nhưng thương lái đến tận nhà đặt cọc với giá 11.500 đồng/kg. Đây là giá cao kỷ lục đối với nông dân vùng này từ trước đến nay.

Ông Trần Văn Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long, cho biết, huyện Phước Long có hơn 15.000 ha lúa - tôm. Thời điểm này, nông dân thu hoạch trên 3.000 ha, năng suất đạt 8 -10 tấn/ha. Riêng tôm càng xanh năng suất hơn 250 - 300 kg/ha. Theo ông Liêm, mô hình lúa – tôm năm nay đạt hiệu quả cao trong sản xuất, ngoài các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” còn có vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp trong việc chủ động bố trí khung lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa thích nghi và làm tốt việc dự báo, thông báo tình hình liên quan đến sản xuất.

Cùng với huyện Phước Long, hai địa phương có vùng sản xuất lúa – tôm trọng điểm của tỉnh Bạc Liêu là huyện Hồng Dân và thị xã Giá Rai, thời điểm này đang bước vào thu hoạch lúa. Ông Đỗ Minh Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai cho biết, địa phương có hơn 7.000 ha lúa trên đất tôm. Thời điểm này, nông dân thu hoạch gần 3.000 ha. Bà con phấn khởi vì lúa vừa trúng mùa lại được giá.

Vừa thu hoạch xong lúa trên đất tôm, ông Huỳnh Văn Bé, xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai hồ hởi cho biết, chưa bao giờ nông dân làm vùng sản xuất lúa – tôm đạt lợi nhuận cao như năm nay. Chi phí đầu tư 1 ha lúa trên đất nuôi tôm từ 15 – 18 triệu đồng, trừ đi các khoản, trung bình lợi nhuận 100 triệu đồng/ha. Đấy là mới chỉ riêng lúa, nông dân còn có thu nhập khác từ nuôi thủy sản kết hợp như tôm, cua, cá, ông Bé chia sẻ.

Hiện, giá lúa tươi được thu mua tại ruộng dao động từ 9.000 – 11.500 đồng/kg tùy loại giống. Riêng đối với lúa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ được thu mua với giá cao hơn. Đồng thời với thu hoạch lúa, nông dân cũng đang thu hoạch tôm càng xanh nuôi xen canh trên ruộng lúa. Năm nay, dù giá tôm càng xanh có sụt giảm đôi chút so với năm trước, nhưng bù lại tôm nuôi đạt sản lượng nên bù đắp về giá. Tôm càng xanh loại 30 con/kg hiện có giá từ 80.000 - 900.000 đồng/kg.

Tỉnh Bạc Liêu hiện có gần 40.000 ha sản xuất theo mô hình lúa - tôm. Đây được xem là mô hình sản xuất “thuận thiên” thích ứng biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả bền vững. Việc luân canh kết hợp giữa "cây lúa - con tôm" không chỉ giúp nông dân nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác mà còn tạo môi trường thuận lợi cho tôm nuôi phát triển tốt.

Để nâng cao giá trị lúa mô hình lúa – tôm, tỉnh Bạc Liêu đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp theo hướng sản xuất hữu cơ. Cùng với đó, đẩy mạnh liên kết sản xuất chuỗi; trong đó, phát huy vai trò của hợp tác xã nông nghiệp là đầu mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp tiêu thụ.

Tỉnh đã thành lập Liên hiệp hợp tác xã lúa – tôm với 21 hợp tác xã thành viên nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất cũng như tăng thu nhập cho người dân.

Bạc Liêu cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã tham gia hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường. Đồng thời, củng cố hoạt động của các Tổ kết nối, tiêu thụ sản phẩm; nắm thông tin sản phẩm hợp tác xã để quảng bá hình ảnh, kết nối tiêu thụ sản phẩm “lúa thơm – tôm sạch” trên các nền tảng số.

Theo TTXVN/Vietnam+