Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hải Dương:

Nông dân tăng thu nhập nhờ chi, tổ hội nghề nghiệp

Bùi Hải Hưng - 07:05 03/05/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thời gian qua, nhờ sự trợ giúp tích cực của Hội Nông dân các cấp, mô hình Chi hội Nông dân nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ cà chua an toàn xã Nhân Huệ (thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hội viên nông dân.
Hội Nông dân tỉnh tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cà chua an toàn cho mô hình chi hội ND nghề nghiệp.  

Xây dựng mô hình chi hội sản xuất nông sản VietGAP

Được sự trợ giúp của Hội Nông dân (ND) các cấp trong tỉnh Hải Dương, tháng 7/2019, mô hình Tổ hội Nông dân nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ cà chua an toàn xã Nhân Huệ chính thức được thành lập với 35 thành viên tham gia, quy mô sản xuất của mô hình là 5ha. 

Để chi hội từng bước đi vào hoạt động hiệu quả, Hội ND tỉnh Hải Dương đã tổ chức 2 lớp tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất cà chua theo hướng an toàn; kỹ thuật thu hoạch, bảo quản, đóng gói; kiến thức tham gia truy xuất nguồn gốc sản phẩm cà chua cho trên 120 hội viên nông dân, trong đó có các thành viên tổ hội tham dự. 

Bên cạnh đó, để động viên, thu hút hội viên tham gia thực hiện tốt quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn, Hội ND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí sản xuất, biển tên mô hình, túi lưới và tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm cà chua. Hội còn cử cán bộ kỹ thuật cùng với Hội ND xã, tổ trưởng, tổ phó thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để khuyến cáo nông dân bón phân, tưới nước đúng kỹ thuật; phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách; thu hoạch sản phẩm đảm bảo đủ thời gian cách ly đối với phân bón và thuốc BVTV.

Sau hơn 4 năm hoạt động, mô hình tổ hội mang lại hiệu quả tích cực, đã xuất hiện một số gương nông dân tiêu biểu trong thực hiện mô hình như: Hộ ông Nguyễn Văn Chua trồng trên 7 sào có lợi nhuận trên 120 triệu đồng; bà Nguyễn Thị Liên trồng trên 5 sào, lợi nhuận trên 90 triệu đồng…   

Hội ND tỉnh Hải Dương gắn biển Khu sản xuất cà chua theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình chi Hội ND nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ cà chua an toàn xã Nhân Huệ. 

Hướng tới những sản phẩm OCOP  

Việc xây dựng mô hình cánh đồng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Nhân Huệ được Thành uỷ, UBND TP. Chí Linh quan tâm. Thành phố đã đầu tư vào vùng rau hàng chục tỷ đồng để làm đường bê tông 8m mặt đường kết nối từ đường trung tâm đến vùng rau; hệ thống tưới hiện đại, tiết kiệm; các trạm biến áp đã được xây dựng mới và nâng cấp; hệ thống mương và đường nội đồng các trục chính cơ bản được cứng hoá… 

Bà Nguyễn Thị Thuỷ - Chủ tịch Hội ND xã Nhân Huệ cho biết: “Đây là những điều kiện thuận lợi để mô hình tạo đà phát triển hiệu quả hơn, từ năm 2020, Tổ hội ND nghề nghiệp đã được nâng lên thành Chi hội ND nghề nghiệp và được sự quan tâm của Hội ND tỉnh, Hội ND thành phố đã hướng dẫn, hỗ trợ kinh phí, thủ tục hồ sơ để Chi hội sản xuất và tiêu thụ cà chua an toàn được chứng nhận tiêu chuẩn sản xuất VietGAP; hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, bao bì sản phẩm Cà chua, Cà rốt và Tương. Hội ND xã đã thành lập được 3 tổ liên kết sản xuất, tiêu thụ rau màu. Hàng năm, Hội đều phối hợp tổ chức cho hội viên nông dân giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh; một số sản phẩm như cà chua, cà rốt đã được đưa vào hệ thống siêu thị nên giá các sản phẩm tăng 15 - 20% so với các sản phẩm cùng loại của địa phương khác, lợi nhuận (đã trừ chi phí sản xuất) đạt từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm; từ đó đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân được nâng lên”. 

Xác định sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, phát triển sản phẩm OCOP, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho nông dân là một nội dung quan trọng, trong những năm qua, Hội ND xã đã phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn như: Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức 8 lớp dạy nghề trồng trọt cho 280 học viên. Tổ chức 25 buổi tập huấn chuyển giao KHKT cho 1.250 lượt hội viên tham gia, viết trên 30 tin bài  tuyên truyền về sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, phát triển sản phẩm OCOP… 

Sản phẩm cà chua an toàn xã Nhân Huệ trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ xúc tiến thương mại.  

Để tăng hiệu quả, thúc đẩy nguồn lực hỗ trợ hội viên nông dân sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản phẩm OCOP có giá trị, trong 5 năm qua, Hội ND xã đã tiếp cận từ nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương là 500 triệu đồng cho 13 hộ vay; nguồn Quỹ HTND tỉnh là 400 triệu đồng cho 14 hộ vay... Ngoài ra, Hội ND xã đã tích cực triển khai nhiều giải pháp thiết thực để giúp nông dân đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Thông qua các lớp tập huấn của Hội, hội viên nông dân đã biết cách thức đăng ký tài khoản bán hàng, tài khoản gian hàng, hoạt động tác nghiệp trên sàn thương mại điện tử; hướng dẫn quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận để hộ sản xuất tác nghiệp trong quá trình mua bán trên sàn thương mại điện tử như Voso, Postmart… giúp hỗ trợ người dân tiêu thụ tốt sản phẩm.

Với sự quyết tâm của nông dân và sự quan tâm của các cấp, các ngành đến nay đã có 35ha diện tích sản xuất cây rau màu được cơ quan chức năng cấp đạt tiêu chuẩn VietGAP, được cấp mã số vùng trồng. Bước đầu đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hoá gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tập trung vào một số cây trồng chủ lực như cà chua, cà rốt. 

Ông Nguyễn Như Nguyện - Chủ tịch Hội ND TP. Chí Linh cho biết: “Mô hình Chi hội ND nghề nghiệp tiêu thụ và sản xuất Cà chua an toàn xã Nhân Huệ là một điểm sáng trong xây dựng mô hình kinh tế tập thể, hiện nay, thành phố Chí Linh có 41 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên trong đó có 3 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, xã Nhân Huệ có 2 sản phẩm là Cà chua và cà rốt. Hội ND xã tiếp tục tham mưu, hướng dẫn thành lập Tổ hợp tác Tương Nhân Huệ, đăng ký sản phẩm OCOP; hỗ trợ, hướng dẫn thành lập Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ chả cá Bạch Đằng. Trong thời gian tới, Hội ND TP. Chí Linh sẽ tiếp tục duy trì và phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả, xây dựng và nâng cấp các sản phẩm OCOP, tạo sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân một cách thuận lợi hơn, hiệu quả hơn”.