Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Phải trả lời vì sao dừng thanh tra Thủ Thiêm?

11:59 30/05/2018 GMT+7

Ngày 30.5, ông Lê Hồng Lĩnh – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tổng hợp, Người phát ngôn của Thanh tra Chính phủ cho biết, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái sáng nay vừa chỉ đạo các bộ phận liên quan tổng hợp tài liệu, báo cáo vụ Thủ Thiêm để ông Khái trả lời Đại biểu Quốc hội.

Theo đó, ngày 24.5, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh có phiếu chuyển chất vấn số 1780/TTKQH-GS gửi ông Khái về chất vấn của Đại biểu Đặng Thuần Phong – Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Bến Tre. Nội dung: Vì sao dừng việc thanh tra Thủ Thiêm trước đây; Vì sao công tác tiếp công dân nhiều năm liền không phản ánh gì về vấn đề Thủ Thiêm. Dân khiếu nại tố cáo thành làng Thủ Thiêm ở Hà Nội mà báo cáo công tác khiếu nại tố cáo hàng năm của Chính phủ hàng năm hoàn toàn không đề cập.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ có văn bản trả lời (chậm nhất là 20 ngày).

Như Làng Mới đã thông tin, dự án Khu đô thị Thủ Thiêm đã khiến dư luận xôn xao khi bản đồ quy hoạch thì bị mất, còn Thanh tra Chính phủ thì đột ngột dừng thanh tra khi phát hiện hàng loạt sai phạm tại đây. Cụ thể, tháng 11.2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc với TPHCM xung quanh khiếu nại của dân Thủ Thiêm. Tại cuộc họp, địa phương này báo cáo: các sở ngành liên quan đều không tìm thấy bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm. Và đến cuộc họp báo tình hình kinh tế xã hội ngày 2.5 một lần nữa TPHCM khẳng định “không tìm thấy” dù bản đồ này liên quan trực tiếp đến ít nhất 15.000 hộ dân. Trả lời câu hỏi “Bản đồ đi kèm Quyết định 367 về quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT) năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt hiện nay đang ở đâu?”. Người chuyên quản lý việc vẽ bản đồ – Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết… đến giờ vẫn tìm chưa ra. “TP đã chỉ đạo các sở – ngành rà soát lại từng nguồn, đơn vị tư vấn trước đây và cũng có văn bản hỏi các bộ – ngành trung ương nhưng đến giờ vẫn chưa tìm thấy” – ông Nhã nói. Theo ông Nhã, từ năm 1996 đến nay đã hơn 20 năm, nhiều đơn vị đã chuyển địa điểm nên không lưu trữ bản đồ này. Ông Nhã cho biết tài liệu hồ sơ thì có lưu nhưng bản đồ đi kèm lại không có, đồng thời khẳng định TP đã báo cáo Chính phủ và Bộ Tư pháp để xin ý kiến.

Trụ sở thanh tra Chính phủ

Bản đồ đi kèm Quyết định 367 được xem là “chìa khóa” giải quyết chuyện khiếu nại, khiếu kiện của người dân ở Thủ Thiêm kéo dài nhiều năm qua – bởi mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ người dân cho rằng TPHCM đã cố tình thu hồi đất sai so với bản đồ. Để đầu tư xây dựng “siêu dự án” này, TP HCM đã mất nhiều năm giải tỏa gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, khoảng 15.000 hộ dân đã di dời. TP HCM cũng đã huy động gần 30.000 tỉ đồng để chi trả bồi thường, tái định cư. Cũng từ đó, chuyện khiếu nại của người dân ở khu vực này phát sinh. Vấn đề khiếu nại kéo dài, mấu chốt nằm ở việc xác định ranh quy hoạch. Theo “bản đồ gốc”, phần thu hồi tập trung đất nông nghiệp, ít dân cư và các cơ sở tôn giáo, trường học. Nhưng sau đó, hàng loạt hộ dân cũng bị thu hồi vì không hiểu sao nằm ngoài quy hoạch cũng bị thu hồi. Những công dân ở đây chua xót khi có nhiều ngôi trường đạt chuẩn quốc gia vừa xây xong đã bị đập phá nhường đất cho dự án… Nhà cửa nằm ngoài quy hoạch cũng bị cưỡng chế di dời.

Có một thực tế, là Quyết định 367/TTg ngày 4.6.1996 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ tồn tại trong hơn 9 năm, vì đến ngày 27.12.2005, UBNDTPHCM đã ban hành Quyết định 6565/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch UBNDTPHCM Nguyễn Văn Đua ký “Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000”. Điều 2 của Quyết định 6565 nêu rõ: “Quyết định này thay thế Quyết định 367/TTg ngày 4.6.1996 của Thủ tướng Chính phủ”.

Việc cấp dưới (TPHCM) ban hành quyết định thay thế cấp trên (Chính phủ) hiện cũng gây xôn xao, vì Quyết định 6565 không căn cứ vào một quyết định nào của Thủ tướng về việc địa phương được phép “thay thế” quyết định của Thủ tướng.

Ngay sau khi ban hành Quyết định 6565 tỷ lệ 1/5.000 “khai tử” Quyết định 367, ngay cùng ngày 27.12.2005, ông Nguyễn Văn Đua ban hành ngay Quyết định 6566 “Phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/2.000”. Thế nhưng, quyết định này lại căn cứ vào Quyết định 367 đã bị hết hiệu lực vừa mới tức thì!

Chưa hết, không biết do lỗi đánh máy hay lý do gì khác, ngay trong Quyết định 6566, ngoài căn cứ vào Quyết định 367 còn căn cứ vào Quyết định 6565 (ban hành ngày 27.12.2005 – nhưng lại ghi là 27.02.2005, tức là tháng 12 bị lùi về tháng 2, xem như 2 quyết định ban hành cách nhau 10 tháng (thực chất Quyết định 6565 và 6566 ban hành cùng ngày).

Mấy năm qua, xung quanh Trụ sở Tiếp Công dân của Thanh tra Chính phủ tại Hà Đông (Hà Nội) bỗng dưng xuất hiện “làng Thủ Thiêm” khi cả trăm người dân Thủ Thiêm kéo ra đây sống vạ vật kế bên để khiếu nại kéo dài. Người dân chỉ đồng tình với Quyết định của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và không chấp nhận các quyết định của thành phố.

Năm 2015, Thanh tra Chính phủ ra quyết định thanh tra Dự án đô thị mới Thủ Thiêm. Nhưng, đoàn thanh tra sau vài ngày làm việc, phát hiện hàng loạt sai phạm thì Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh bất ngờ có văn bản “Mật” cho hoãn thanh tra toàn bộ dự án.

Sau 3 năm dừng thanh tra khu đô thị Thủ Thiêm bằng văn bản mật, sáng nay 30.5 Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã giao các bộ phận liên quan làm báo cáo để trả lời Đại biểu quốc hội…

Điều đáng nói là, sau khi ông Khánh cho dừng thanh tra Thủ Thiêm, thì các tổ thanh tra vẫn nộp đầy đủ các tài liệu thể hiện sai phạm của dự án này. Tuy nhiên, dự thảo kết luận các sai phạm này bị lờ đi nên Vụ Giám sát Thẩm định và Xử lý sau thanh tra (Thanh tra Chính phủ) đã có báo cáo 136/BCTĐ-P.1 ngày 9.8.2016 dài 16 trang nêu rõ sai phạm: “Tại dự thảo kết luận không nêu ra nội dung thanh tra liên quan đến Tiểu dự án Khu dân cư phúa bắc trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, báo cáo kết quả thanh tra do tổ trưởng tổ 2 và trưởng đoàn thanh tra có nêu đến một số nội dung vi phạm. Nội dung những vi phạm được nêu tại báo cáo đã rõ vì vậy cần được đưa vào kết luận thanh tra. Đồng thời nêu rõ phạm vi để xem xét kiến nghị xử lý với kết quả thanh tra đã thực hiện. Đối với nội dung chưa kiểm tra thì cần kiến nghị và đưa vào kế hoạch để tiếp tục thanh tra trong thời gian tiếp theo. Nêu văn bản tạm dừng của Thanh tra Chính phủ và nêu lý do tạm dừng thanh tra dự án”.

Dù Vụ Giám sát Thẩm định và Kiểm tra sau thanh tra đã nêu ra rất rõ ràng sai phạm nhưng mãi 10 tháng sau, trong kết luận thanh tra 1423/KL-TTCP ngày 6.6.2017 do chính ông Ngô Văn Khánh ký không có bất kỳ nội dung sai phạm nào của Thủ Thiêm được đưa vào(!).

Hữu Danh