Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Liên Chung: Tập trung phát triển kinh tế nông thôn tạo chuyển biến tích cực

Đỗ Tuấn - 08:56 26/12/2024 GMT+7
Trong hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao năm 2024, xã Liên Chung (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) đã có những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế nông thôn, tạo chuyển biến tích cực đóng góp vào sự tăng trưởng chung của kinh tế - xã hội, đồng thời nâng cao thu nhập, đời sống của người dân.

Quyết liệt triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng các tiêu chí để đạt chuẩn NTM nâng cao 2024

Liên Chung là xã nằm phía Đông huyện Tân Yên cách trung tâm huyện 7km. Tổng toàn xã có 1.993 hộ, 8.273 nhân khẩu được phân bổ ở 10 thôn trong xã gồm: thôn Hương, Nguộn, Xuân Tiến, Hậu, Sấu, Bến, Lãn Tranh 1, Lãn Tranh 2, Lãn Tranh 3, và thôn Liên Bộ. Với tổng diện tích tự nhiên là 1206.94ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 999.12ha, chiếm 82,7%, diện tích đất phi nông nghiệp là 207.82ha chiếm 17,3% tổng diện tích đất tự nhiên cùng vị trí địa lý thuận lợi, hệ thống giao thông phát triển, có đường 397 chạy qua địa phận, xã có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông thôn gắn với du lịch và giao lưu, giao thương giữa các khu vực.

Năm 2019, xã Liên Chung được UBND tỉnh Bắc Giang công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Xác định Chương trình xây dựng NTM là chương trình lớn, tổng thể, toàn diện, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho cư dân nông thôn, do đó trong quá trình triển khai thực hiện xã Liên Chung đã chọn những giải pháp sáng tạo mang lại hiệu quả cao và phù hợp với đặc điểm của địa phương, quyết liệt triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí Nông thôn mới, quyết tâm phấn đấu xã Liên Chung đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024.

Diện tích trồng cây sâm nam núi Dành tại xã Liên Chung ngày càng tăng, chủ yếu là các vùng trồng tập trung.

Dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của huyện Tân Yên, sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị cấp huyện, xã và sự đồng thuận, thống nhất cao của Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội và các tầng lớp Nhân dân trong xã, hành trình vươn lên NTM nâng cao trong năm nay của Liên Chung đạt kết quả khá toàn diện, đặc biệt trong phát triển kinh tế nông thôn.

Xã đã nghiêm túc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của huyện về xây dựng nông thôn mới và hưởng ứng Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025”, tiếp tục nhất quán quan điểm “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Bộ máy tổ chức hoạt động xây dựng NTM ở xã, thôn được kiện toàn và hoàn thiện, hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc hơn; kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá… được quan tâm đầu tư từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh, sản xuất phát triển theo hướng hàng hóa, theo nhu cầu của thị trường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng được củng cố; cảnh quan, môi trường nông thôn dần được cải thiện; đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày càng được nâng cao.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã Liên Chung, nổi bật lên giữa các tiêu chí là tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Thời gian qua, xã đã chỉ đạo hoạt động sản xuất nông nghiệp theo xu hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đồng thời từng bước đầu tư áp dụng công nghệ cao, cơ giới hóa các khâu và liên kết theo chuỗi giá trị gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm. Hiện, trên địa bàn xã đang có 3 mô hình áp dụng công nghệ cao và liên kết tiên tiến, bao gồm: 1 mô hình trang trại chăn nuôi lợn hộ ông Dương Văn Sang, thôn Hậu có liên kết theo chuỗi giá trị và gắn với đảm bảo ATTP; 1 mô hình sản xuất sâm nam núi Dành đạt tiêu chuẩn VietGap, 1 mô hình sản xuất sâm nam núi Dành áp dụng hệ thống tưới tiêu tiên tiến tiết kiệm nước.

Đối với thế mạnh cũng là đặc trưng của vùng, các hoạt động trồng và phát triển sâm nam núi Dành xã Liên Chung đang ngày càng mở rộng và nâng cao. Diện tích cây sâm nam núi Dành tăng lên đáng kể từ 2,5ha năm 2020 đến nay toàn xã Liên Chung đã có trên 60ha cây sâm nam núi Dành, chủ yếu là diện tích trồng tập trung từ 0,5 - 2 ha/vùng chiếm 70%. Sản lượng thu hoạch tăng, năm 2023, sản lượng đạt 10 tấn củ tươi/năm; 15 tấn hoa khô/năm. Năm 2024 dự kiến sản phẩm sâm nam núi Dành đạt sản lượng đạt 20 tấn củ tươi/năm, 25 tấn hoa khô/năm. Giá trị hàng hóa ước đạt 35 tỷ đồng. Có 2 vùng nguyên liệu sâm nam núi Dành được Sở NN&PTNT tỉnh cấp mã số vùng trồng gồm: Mã vùng trồng VN-24-216-07357-32-23; mã vùng trồng VN-24-216-07357-33-23; đồng thời việc phát triển mở rộng diện tích và kinh doanh đa dạng hóa các sản phẩm từ sâm nam núi Dành đã tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 100 lao động thường xuyên tại địa phương với mức thu nhập từ 7 triệu đồng/người/tháng và trên 350 lao động thời vụ với mức thu nhập từ 300.000 đồng/người/ngày.

Măng Lục trúc đang có nhiều tiềm năng phát triển tại Liên Chung.

Cùng với đó là mô hình trồng măng Lục trúc. Năm 2022, có một mô hình trồng thử nghiệm loại cây măng lục trúc tại xã Liên Chung đã mang lại hiệu quả, từ 200 gốc, sau đó nhân lên và hiện nay trên địa bàn xã đã có trên 3,5ha, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ trồng măng. Trên đất chiêm trũng, đất bèo lấn, xã Liên Chung thực hiện mô hình trồng sen cũng đem lại hiệu quả cao. Năm 2022 UBND xã Liên Chung thực hiện mô hình“Trồng cây sen trên đất trũng tại xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang” với diện tích 2,5ha. Tiếp tục năm 2023 trên địa bàn xã nhân rộng thêm 2,5ha, nâng tổng diện tích cây Sen lên 5ha. Hiệu quả từ thu bông, bát, hoa, lá đạt 7 triệu đồng/sào. Đồng thời trồng sen cũng tạo cảnh quan đẹp phục vụ cho du lịch xã nhà. 

Trồng sen trên đất trũng bước đầu cho hiệu quả cao.

Về chăn nuôi, trên địa bàn xã Liên Chung có mô hình chăn nuôi lợn áp dụng cơ giới hóa khép kín, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với đảm bảo ATTP. Tiêu biểu như trang trại nuôi lợn của các hộ gia đình như hộ ông Dương Văn Sang, thôn Hậu với quy mô nuôi 700 con/lứa, mang lại lợi nhuận khoảng 802 triệu đồng/năm hay trang trại nhà ông Hoàng Văn Bay quy mô 400 con/lứa, ông Nguyễn Văn Thành quy mô 350 con/lứa đã kết với Công ty Dabaco cung ứng giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm đầu ra....

Các HTX trên địa bàn cũng hoạt động rất tích cực và sôi nổi, hiện tại, xã có 12 HTX hoạt động theo luật HTX năm 2023, trong đó sản phẩm sâm nam núi Dành đã được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý “núi Dành” cho sản phẩm sâm Nam và HTX sản xuất và tiêu thụ sâm nam núi Dành Liên Chung đã được UBND huyện cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý này. Có 07 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên: Nem nướng Liên Chung OCOP 4 sao năm 2021, Nụ hoa sâm nam núi Dành OCOP 4 sao năm 2022, Tương Liên Chung OCOP 3 sao năm 2023, Trà hoa sâm núi Dành, Trà túi lọc hoa sâm nam núi Dành, Rượu sâm núi Dành,Trà hoa sâm nam núi Dành OCOP 3 sao năm 2024 và một số sản phẩm tiềm năng khác.

Cùng với phát triển OCOP, Liên Chung tập trung kết hợp du lịch sinh thái nhằm quảng bá sản vật địa phương.

Tận dụng mọi tiềm năng, lợi thế, tập trung duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM nâng cao để xây dựng xã NTM kiểu mẫu

Với tiềm năng lợi thế phát triển du lịch, xã đã tập trung phát triển du lịch tâm linh sinh thái kết hợp với trải nghiệm vùng nguyên liệu, phát triển sản phẩm OCOP. Cụ thể, trong những năm qua xã Liên Chung đã liên kết các tour, tuyến kết nối các khu, điểm du lịch trong huyện: du lịch tâm linh sinh thái núi Dành - sinh thái ven Sông Thương kết nối vùng cây ăn quả xã Hợp Đức, Phúc Hòa, TT Cao Thượng; mô hình sản xuất măng Lục trúc (Ngọc Châu) - khu di tích 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân… Tổ chức lễ hội đền Dành vào ngày 19 - 21 tháng Giêng hàng năm và các lễ hội truyền thống, lễ hội đầu Xuân. Đồng thời, UBND xã cũng phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên tuyên truyền, chia sẻ các hình ảnh về du lịch tỉnh Bắc Giang, các điểm du lịch của huyện Tân Yên như: Đình Hả, khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy Công an Nhân dân….và các điểm di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn xã: điểm du lịch tâm linh sinh thái Núi Dành (là điểm du lịch đầu tiên của huyện Tân Yên được công nhận), di tích lịch sử cấp Quốc gia Đình Vường, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh: đình chùa Liên Bộ, đình chùa Lãn Tranh, chùa Cống Phường (chùa không Bụt) di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, nghệ thuật hát ví - hát ống, đặc biệt mô hình tham quan du lịch tâm linh kết hợp với trải nghiệm vùng nguyên liệu sâm nam núi Dành, làng nghề làm nem, làm tương… thông qua zalo, facebook của cá nhân cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên trên địa bàn xã.

Qua đó, hàng năm xã Liên Chung tiếp đón 45 - 60 đoàn du khách tới thăm quan trải nghiệm vùng nguyên liệu sâm nam núi Dành kết hợp du lịch tâm linh sinh thái với số lượng khoảng 2000 người. Đây là tín hiệu vui, là hướng đi đúng đắn trong phát triển du lịch tâm linh sinh thái kết hợp với phát triển sản phẩm OCOP địa phương.

Phát huy, kế thừa những kết quả đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, tận dụng mọi tiềm năng, lợi thế, thời gian tới, xã Liên Chung sẽ tập trung duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao tiến tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm khai thác tiềm năng lợi thế phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng của xã, ứng dụng KHKT, công nghệ cao vào sản xuất nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, có thêm ít nhất 2-3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Xã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, TTCN, dịch vụ, thương mại; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa; Tăng cường mời gọi các doanh nghiệp vào địa bàn đầu tư vào nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng lao động nông thôn...

Với quyết tâm cao xã Liên Chung tiếp tục duy trì và nâng cao tiêu chí xã NTM nâng cao, tiến tới NTM kiểu mẫu.

Cùng với đó, xã phát triển nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng đường giao thông, trường, trạm, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã; ưu tiên những dự án quan trọng, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quản lý, khai thác, bảo trì tốt hệ thống hạ tầng; Tập trung thu hút các nguồn vốn đầu tư để phát triển hạ tầng giao thông; tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Nhà nước, các nguồn vốn trong xã hội để xây dựng cơ sở hạ tầng; Tiếp tục huy động nhân dân đóng góp kinh phí để bảo trì, nâng cấp các tuyến đường trên địa bàn.

Tạo sự chuyển biến trong giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng thành công mô hình “chính quyền thân thiện” tiến tới chính quyền điện tử; Giữ vững ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đưa xã Liên Chung phát triển theo hướng toàn diện và bền vững.

 Bắc Giang: Yên Dũng quyết tâm nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới
Tháng 10/2021, huyện Yên Dũng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới (NTM). Hiện Yên Dũng đang quyết tâm nâng cao chất lượng các tiêu chí, với phương châm làm đến đâu chắc đến đó.