Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tuyên Quang:

Tuyên Quang: 60 hộ hội viên nông dân được hỗ trợ bò giống để phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị

Hoàng Tính - 15:45 04/07/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong 2 ngày, ngày 03-04/7/2024, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức bàn giao 120 con bò giống H’Mông cho 60 hộ hội viên nông dân 2 xã Xuân Quang, Bình Phú, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang.

Xã Xuân Quang và Bình Phú là 2 xã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lựa chọn triển khai Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm bò H’Mông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Thời gian thực hiện dự án 5 năm (2024 - 2028), tổng kinh phí hỗ trợ 3 tỷ đồng.

Phát triển sản xuất chuỗi liên kết với chăn nuôi bò H’Mông (Ảnh Phương Thảo)

Đàn bò được trao có độ tuổi từ 12-18 tháng tuổi, trọng lượng trung bình khoảng 198kg/con, trong đó có 4 cặp bò mẹ con và nhiều bò mẹ đang mang thai.

Để đảm bảo cho công tác quản lý, theo dõi quá trình phát triển của đàn, tất cả các con bò đều được bàn giao, kiểm tra, nghiệm thu, bấm số tai, tạo mã QR code vào hồ sơ theo dõi.

Các hộ tham gia Dự án đã đối ứng bằng hệ thống chuồng trại, công lao động, cỏ tươi làm thức ăn chăn nuôi cho đàn bò.

Cùng với đó các hộ tham gia Dự án cũng đã được tập huấn kỹ thuật trồng cỏ, kỹ thuật trồng một số cây dược liệu dùng cho chăn nuôi bò, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng đàn bò, quy trình liên kết sản xuất, tìm hiểu về thị trường và tiêu thụ sản phẩm…

Dự án triển khai nhằm bảo tồn nguồn gen, cải tạo tầm vóc, phát triển đàn bò H’Mông bản địa, hình thành vùng sản xuất tập trung, xây dựng thương hiệu thịt bò H’Mông, phát triển mô hình Tổ hội nông dân nghề nghiệp từ đó giúp các hộ dân tham gia chuỗi liên kết nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình ổn định, bền vững.

Những con bò H’Mông khỏe, đẹp đã được trao đến tận tay người dân (Ảnh Phương Thảo)

Bò H’Mông là một giống bò vàng ở Việt Nam, bò H’Mông được nuôi nhiều nhất ở vùng Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang… Bò H’Mông đang nằm trong danh sách bảo tồn nguồn gen quý.

Thức ăn chính của bò H’Mông là những cây cỏ tự nhiên, uống nguồn nước từ khe suối rừng, không ăn thức ăn tăng trọng hay hoocmon sinh trưởng nên thịt bò sạch nguyên chất.

Người dân rất phấn khởi khi nhận được bò H’Mông giống về để chăn nuôi (Ảnh Phương Thảo)

Bò H’Mông dễ thuần hóa, chịu được khắc nghiệt thời tiết đặc biệt là giá rét, chịu kham khổ, rất phù hợp với điều kiện sống ở các vùng cao, núi đá, khả năng sản xuất cao, thể trạng khỏe, giỏi cày kéo, chất lượng thịt ngon, sản lượng thịt cao, tầm vóc khá lớn, thích nghi tốt, mắn đẻ… rất phù hợp với việc xây dựng phát triển chuỗi giá trị và thương hiệu.