Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Quảng Ninh nỗ lực kết nối hành trình du lịch Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long

Minh Tú - 07:14 20/06/2024 GMT+7
Thiên nhiên đã ban tặng cho tỉnh Quảng Ninh một đường bờ biển dài và đặc biệt cặp Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long đẹp mê hoặc liền kề nhau. Nhưng nếu Vịnh Hạ Long đã được công nhận là kỳ quan thiên nhiên thế giới, đang dần quá tải du lịch thì Vịnh Bái Tử Long vẫn chỉ dừng ở dạng tiềm năng. Kết nối hai vịnh biển, mở rộng tiềm năng du lịch, giảm tải cho Vịnh Hạ Long đã và đang trở thành nhiệm vụ bắt buộc của Quảng Ninh.

Vịnh Bái Tử Long, kho báu tiềm ẩn

Bái Tử Long là một vịnh biển của Quảng Ninh - Việt Nam, gồm hàng trăm đảo lớn nhỏ, nằm trong vịnh Bắc Bộ, thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Vịnh Bái Tử Long bao gồm một vùng biển của thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả và huyện đảo Vân Đồn. Phía Tây Nam của vịnh giáp vịnh Hạ Long, phía Tây giáp đất liền thành phố Cẩm Phả, phía Đông giáp biển và phía Đông Bắc giáp huyện đảo Cô Tô. 

Vịnh Bái Tử Long đã trở thành một thương hiệu quốc tế từ cách đây gần 1.000 năm

Lịch sử đã chứng minh qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Vân Đồn được xác định là thương cảng đầu tiên của Việt Nam, mở ra thời kỳ giao thương bằng đường biển cực kỳ thịnh vượng, kết nối với nhiều quốc gia trên thế giới như: Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia... Cách đây gần 900 năm, đây là nơi tấp nập thương nhân từ Xiêm La, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ,... tới trao đổi hàng hóa.
Có thể nói, từ gần một nghìn năm trước, cái tên vịnh Bái Tử Long đã trở thành một thương hiệu quốc tế, một con đường các thương nhân nước ngoài phải qua nếu muốn đến giao thương tại Vân Đồn.

Tượng Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng sừng sững tại đền Cửa Ông, một điểm đến tâm linh hàng đầu trong hành trình về Vịnh Bái Tử Long.

Vịnh Bái Tử Long cũng là nơi Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư đánh tan đoàn thuyền lương thảo của tướng giặc Nguyên Mông Trương Văn Hổ vào năm 1288. Chiến công này đã góp phần cùng quân dân Đại Việt lần thứ 3 đánh bại quân Nguyên Mông xâm lược, khiến Đại Việt trở thành một “vết sẹo đau đớn” trong cuộc đời chinh chiến lẫy lừng của Hốt Tất Liệt. Các cụm di tích lịch sử, văn hóa tâm linh như đền Cửa Ông, đền Cái Bầu… cũng tạo nên một nét đặc sắc của du lịch vịnh Bái Tử Long. 

Cũng như Vịnh Hạ Long, vịnh Bái tử Long được tạo thành từ hàng trăm hòn đảo lớn - nhỏ: được kiến tạo từ hàng nghìn năm trước, mỗi hòn đảo đều có nét đẹp kỳ vĩ, cổ xưa, tạo nên một bức tranh thủy mặc hút hồn du khách. Một vài năm gần đây, ít nhiều du khách cũng đã biết tới những đảo Quan Lạn, đảo Minh Châu hay động Mê Cung, động Thiên Cảnh, Hòn Con Cò, núi Bài Thơ .. Đặc biệt, bãi biển đẹp nguyên sơ như một bức tranh ở đảo Minh Châu, Cô Tô, bãi biển Vân Đồn, Quan Lạn,... đã khiến nhiều du khách choáng ngợp trước biển cả mênh mông cùng những bãi cát dài trắng mịn trải dọc bờ biển, nước biển sạch, trong như pha lê.

Kết nối hành trình du lịch

Ngày 07/02/2024, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch về phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Quảng Ninh năm 2024. Trong đó, yêu cầu tập trung phát triển sản phẩm du lịch mới đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao, nhất là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với phát huy giá trị thiên nhiên con người, văn hóa Quảng Ninh, Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và các tài nguyên du lịch nổi bật của tỉnh. Trọng tâm mở rộng không gian du lịch tại khu vực Vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn, Cô Tô và một số đảo trên địa bàn tỉnh.

Quảng Ninh quyết tâm xây dựng sản phẩm du lịch mới là tập trung phát triển sản phẩm đa dạng, độc đáo, nhất là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với tăng khả năng tiếp cận đa dạng các dòng khách, xây dựng thương hiệu điểm đến “Kỳ quan 4 mùa”. Theo kế hoạch, trong năm 2024, Quảng Ninh đưa vào khai thác 62 sản phẩm mới phục vụ khách du lịch. Trong đó có 11 sản phẩm khai thác lợi thế khu vực Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long. Điển hình như một ngày làm ngư dân tại làng chài Vung Viêng, đua thuyền rồng truyền thống trên Vịnh Hạ Long, du thuyền nhà hàng kết hợp đám cưới trên Vịnh Hạ Long, các sản phẩm du lịch tham quan, lưu trú kết nối Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long...

Nằm trong kế hoạch tổng thể, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng đề xuất 10 sản phẩm dịch vụ, du lịch. Sở Du lịch đề xuất 2 hành trình mới tham quan, du lịch trên Vịnh Hạ Long, 6 hành trình mới kết nối Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long và riêng Vịnh Bái Tử Long. Đồng thời, Sở cũng đề xuất 6 hành trình tham quan, du lịch có tính định hướng trên địa bàn huyện Vân Đồn, Vườn Quốc gia Bái Tử Long.

Hy vọng, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, một kế hoạch bài bản, nhiều sáng tạo, hành trình mới kết nối Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long sẽ thành công, tiếp tục đưa Quảng Ninh trở thành điểm đến hàng đầu của du lịch Việt Nam và thế giới.

Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới
Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã công nhận quần thể Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) là Di sản Thiên nhiên Thế giới.