Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Quy định mới về đấu giá, chuyển mục đích sử dụng đất

07:24 06/06/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 03 tháng 4 năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2023/NĐ-CP, “Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai”, Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 5 năm 2023. Đây là vấn đề tác động rất lớn đến đời sống xã hội, đến người dân, doanh nghiệp và đặc biệt là nông dân. Nhiều bạn đọc đã gửi thư đề nghị giải đáp một số vấn đề liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung này. Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật

Bạn đọc Nguyễn Văn Thái (Bắc Giang): Được biết mới đây Nhà nước sửa đổi một số quy định của Luật Đất đai, trong đó có vấn đề đấu giá đất. Gia đình tôi muốn tham gia đấu gia đấu giá đất cần  phải có điều kiện gì?
Đúng như bạn đã biết, tại điểm 2, Khoản 3, Điều 1, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai” quy định:  Điều kiện hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất như sau:

Luật sư Nguyễn Thanh Hà.

 

“a) Thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật Đất đai và đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều này;
b) Trường hợp hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì phải bảo đảm các điều kiện quy định tại điểm a khoản này và điểm b, điểm đ khoản 1 Điều này.”
Để rõ hơn, tôi xin phân tích quy định về đối tượng và điều kiện tham gia đấu giá QSDĐ (nêu tại điểm a) như sau:
Thứ nhất, đối tượng được tham gia đấu giá QSDĐ: “đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật Đất đai”.
+ Một trong những đối tượng được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất quy định tại Điều 55 là: “Hộ gia đình, cá nhân được giao đất ở ”
+ Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm hoặc thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê quy định tại Điều 56 có trường hợp sau đây:
a) Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối;
b) Hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức được giao quy định tại Điều 129 của Luật này;
c) Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp;
d) Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh;
Thứ hai, điều kiện được tham gia đấu giá QSDĐ: Theo quy định trên, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải đáp ứng điều kiện sau thì mới được tham gia đấu giá QSDĐ:
+ Phải nộp tiền đặt trước bằng 20% tổng giá trị thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất;
+ Không thuộc đối tượng bị cấm tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật;

Ảnh minh họa, Lê Hiếu

Bạn đọc Hồ Văn Đại (Sóc Trăng): Tôi thấy không ít địa phương tổ chức đấu giá bán đất. Nghị định đất đai mới ban hành có quy định đất thuộc trường hợp nào được bán đấu giá?
Theo quy định tại điểm 3, Khoản 3, Điều 1, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP thì đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất phải có điều kiện sau:
Đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 119 của Luật Đất đai (Khoản 1, Điều 119 quy định: Điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất:
Đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Đất đã được giải phóng mặt bằng, đất có tài sản gắn liền với đất mà tài sản thuộc sở hữu Nhà nước; Có phương án đấu giá quyền sử dụng đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
Đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất;
Việc đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện đối với từng thửa đất;
Đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

Bạn đọc Trần Thiện Phúc (Bình Định): Điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư, pháp luật quy định có gì mới?
Để quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP đã bổ sung Điều 68a quy định về “Điều kiện, tiêu chí cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư”. Cụ thể, điều kiện, tiêu chí đó là:
Có dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư.
Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, dự án đầu tư có trong danh mục kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Có phương án trồng rừng thay thế hoặc văn bản hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác; có phương án sử dụng tầng đất mặt và văn bản hoàn thành trách nhiệm nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định của pháp luật về trồng trọt đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa sang mục đích khác.
Có đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (nếu có).
Cơ quan, người có thẩm quyền thẩm định, chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất trồng lúa sang mục đích khác chỉ chịu trách nhiệm về những nội dung tại khoản 2 và khoản 3 Điều này; không chịu trách nhiệm về những nội dung khác đã được cơ quan, người có thẩm quyền thẩm định, chấp thuận, quyết định, phê duyệt hoặc giải quyết trước đó”.
Cảm ơn luật sư!

Lê Chiên (tổng hợp)