Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hỗ trợ lợn bị tiêu hủy do dịch bệnh theo quy định mới

Lê Chiên (ghi) - 14:30 21/06/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Theo thông tin mới nhất, từ đầu năm đến 13.6.2024, cả nước đã xuất hiện gần 470 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu ở 41 tỉnh, thành phố. Số lợn bị tiêu hủy trên 22 nghìn con, cao hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái và dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng. Nhà nước đã những quy định mới hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại.

Dưới góc nhìn pháp lý, phải làm gì để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi? Khi lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi thì người chăn nuôi được Nhà nước hỗ trợ thế nào?… Liên quan đến những nội dung này, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mai (giảng viên Học viện Tư pháp) đã có những giải đáp cụ thể như sau:

Ảnh minh họa

Làm thế nào để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Bạn đọc Hồ Văn Cư (Lạng Sơn): Để ngăn chặn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi cần thực hiện những quy định gì?

Nhằm chủ động giám sát phát hiện sớm, cảnh báo, áp dụng kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi;… ngày 7.7.2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số: 972/QĐ-TTg, “Phê duyệt kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi, giai đoạn 2020 -2025”. Nội dung của kế hoạch này gồm 13 phần như: Chăn nuôi lợn an toàn sinh học; Tổ chức nuôi tái đàn lợn; Giám sát dịch bệnh; Tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi; Chính sách hỗ trợ...

Kế hoạch trên vừa nêu ra các giải pháp về kỹ thuật, vừa nêu ra các giải pháp quản lý; đặc biệt còn phân công trách nhiệm rất cụ thể đối với các bộ, ngành và UBND các cấp trong việc việc phòng, chống bệnh dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Thực hiện tốt kế hoạch này sẽ đảm bảo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đạt hiệu quả.

Trong phạm vi bài viết, tôi không thể nói chi tiết nội dung Kế hoạch. Để biết thông tin, các bạn tham khảo hai văn bản này.

Chính sách hỗ trợ cũ hết hiệu lực, người chăn nuôi có được hỗ trợ không?

Bạn đọc Lâm Văn Thái (Bắc Kạn): Tôi được biết từ cuối năm 2020 không còn thực hiện việc hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Nhưng thời gian qua,  bệnh dịch này đã làm rất nhiều lợn bị tiêu hủy, người chăn nuôi, nhất là các chủ trang trại chăn nuôi lợn lâm vào tình cảnh rất khó khăn. Vậy, Nhà nước có chính sách gì mới để hỗ trợ người chăn nuôi không?

Trước đây, việc hỗ trợ lợn bị tiêu hủy do bệnh DTLCP được thực hiện theo Quyết định số 2254/QĐ-TTg. Tuy nhiên Quyết định này chỉ được áp dụng  từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020. Để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, ngày 18 tháng 10 năm 2023, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn nêu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, nêu rõ “thực hiện việc hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh Dịch tả lợn châu Phi và bệnh Viêm da nổi cục theo đúng quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ cho đến khi Nghị định quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật được ban hành và có hiệu lực thi hành;”. Như vậy việc hỗ trợ lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ thực hiện theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP.

Đối tượng được hỗ trợ, mức hỗ trợ

Bạn đọc Lò Thị Muôn (Sơn La): Được biết Nhà nước mới có chính sách  hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi; đề nghị cho biết ai thuộc diện được hỗ trợ? Mức hỗ trợ bao nhiêu?

- Theo quy định tại Điều 2, Nghị định02/2017/NĐ-CP thì những người thuộc diện sau đây được hỗ trợ khi lợn của mình bị tiêu hủy do bệnh DTLCP: Hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi bị thiệt hại trực tiếp do dịch bệnh theo quy định tại Điều 1 Nghị định này.

- Về mức hỗ trợ: Theo quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 5, Nghị định 02/2017/NĐ-CP thì hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất có lợn, phải tiêu hủy là 38.000 đồng/kg hơi.

Điều kiện được hỗ trợ

Bạn đọc Nguyễn Văn Tài (Cao Bằng): Gia đình tôi vừa bị tiêu hủy một số lợn do bệnh dịch tả lợn châu Phi, để được Nhà nước hỗ trợ, tôi cần có có điều kiện gì?

Để được xem xét hỗ trợ, gia đình bạn phải đáp ứng tất cả các điều kiện được quy định tại Điều 4, Nghị định 02/2017/NĐ-CP. Cụ thể là:

- Chăn nuôi không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương.

- Có đăng ký kê khai ban đầu được UBND cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung (trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã) hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có). Các hộ chăn nuôi tập trung kê khai trong thời gian 15 ngày kể từ khi bắt đầu chăn nuôi; trong thời gian 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được bản kê khai, UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận vào kê khai.

- Thiệt hại xảy ra khi đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.

- Thời điểm xảy ra thiệt hại: Trong khoảng thời gian từ khi công bố dịch đến khi công bố hết dịch. Trường hợp đặc biệt, ngay từ khi phát sinh ổ dịch đầu tiên (chưa đủ điều kiện công bố dịch) cần phải tiêu hủy gia súc, gia cầm theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch để hạn chế dịch lây lan thì thời điểm xảy ra thiệt hại là khoảng thời gian từ khi phát sinh ổ dịch đến khi kết thúc ổ dịch.

Trình tự, thủ tục hỗ trợ

 Bạn đọc Thái Văn Đông (Lâm Đồng): Khi có lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi, để được hỗ trợ tôi phải làm thủ tục ra sao?

Để được hỗ trợ, bạn phải thực hiện các bước sau:

1- Lập hồ sơ xin hỗ trợ: Khi bị thiệt hại, bạn phải phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn, tiến hành thống kê, đánh giá thiệt hại, hoàn thiện hồ sơ gửi trực tiếp lên UBND cấp xã để giải quyết theo quy định;

2. Hồ sơ xin hỗ trợ gồm:

- Đơn đề nghị hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai theo các Mẫu số 1, 2, 3, 4, 5 tại Phụ lục I ; kèm theo Bản kê khai sản xuất ban đầu theo Mẫu số 6 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này hoặc Giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có);

- Bảng thống kê thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai có xác nhận của thôn, bản, khu dân cư.

Trách nhiệm của UBND các cấp

Bạn đọc Lại Bá Dũng (Nghệ An): UBND các cấp, trong đó UBND cấp  xã là cấp chính quyền sát dân nhất, nên cũng nắm chắc nhất tình hình của người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Vậy pháp luật quy định thế nào về trách nhiệm của UBND các cấp, đặc biệt là UBND cấp xã trong việc giúp người dân sớm nhận được tiền hỗ trợ?

Đúng như bạn nói, UBND các cấp, nhất là UBND cấp xã có vai trò rất quan trọng giúp cho người chăn nuôi bị thiệt hại nhận được hỗ trợ của Nhà nước kịp thời, công khai, minh bạch, đúng mức và đúng đối tượng Vì vậy, điểm a, khoản 3, Điều 6  Nghị định 02/2017/NĐ-CP đã quy định rất cụ thể về trách nhiệm của UBND các cấp trong việc thực hiện các trình tự, thủ tục hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại. Cụ thể như sau:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập hội đồng kiểm tra bao gồm: UBND cấp xã, cán bộ chuyên môn của huyện, đại diện các tổ chức xã hội, đại diện thôn, bản, tổ dân phố để lập biên bản kiểm tra, xác minh mức độ thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ cụ thể của từng hộ sản xuất; tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện. Căn cứ báo cáo của UBND cấp xã, UBND cấp huyện tổ chức thẩm định và quyết định hỗ trợ theo thẩm quyền hoặc tổng hợp báo cáo UBND cấp tỉnh;

- Căn cứ báo cáo của UBND cấp huyện, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm định, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt và bố trí ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để đáp ứng kịp thời nhu cầu hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định tại Nghị đinh này.

* THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 81/2014/QĐ-TTG

Những quy định của Nhà nước để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi
(Tapchinongthonmoi.vn) - Dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp ở một số địa phương, khiến giá lợn liên tục giảm sâu trong thời gian gần đây. Dưới góc độ pháp luật, cần phải thực hiện những quy định như nào để ngăn chặn dịch. Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW đã có những trao đổi xunh quanh vấn đề này: