Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Những quy định về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Lê Chiên (ghi) - 07:36 29/06/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 28 /11/2023, Quốc hội đã ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Và mới đây, ngày 16/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2024/NĐ-CP, trong đó có quy định chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Hai văn bản này đều có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

Liên quan đến những quy định trong hai văn bản trên, Tiến sĩ Nguyến Thanh Mai (giảng viên Học viện Tư pháp) đã có những trao đổi cụ thể về vấn đề này.

Lực lượng bảo vệ dân phố thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương  tuyên truyền pháp luật cho người dân trên địa bàn thông qua hình thức phát tờ rơi. Ảnh minh họa

Chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Bạn đọc Phạm Văn Huế (Nam Định): Được biết Nhà nước mới có quy định về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh cơ sở. Đề nghị cho biết lực lượng này có phải như công an không? Và có chức năng gì?

Theo quy định tại Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024 thì: “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ Công an xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Công an cấp xã) giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.”

Cũng theo quy định tại Luật này, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ Công an cấp xã giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Như vậy lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở không phải là công an, nhưng có vai trò rất quan trọng trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Bạn đọc Hà Dũng (Đắk Lắk): Theo tôi  những vụ việc mâu thuẫn, vi phạm… thường xảy ra trong khu dân cư, nên chỉ có người ở trong khu dân cư mới kịp thời phát hiện, nắm bắt. Do vậy, tôi cho rằng, việc thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là rất đúng đắn. Nhưng tôi có băn khoăn  lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có chức năng xử lý những mâu thuẫn, vi phạm…không? Theo quy định thì họ có nhiệm vụ gì?

 Tôi ủng hộ quan điểm của bạn về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Những băn khoăn về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm… của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở của bạn cũng là băn khoăn của một số người. Tuy nhiên, nếu lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ của mình theo quy định thì đây sẽ thực sự là “tai, mắt”, là cánh tay nối dài của UBND xã và Công an xã trong bảo vệ an ninh, trật tự có hiệu quả.

Về nhiệm vụ của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được quy định rất rõ tại Chương II, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Nhiệm vụ đó gồm:

- Hỗ trợ nắm tình hình về an ninh, trật tự

- Hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

- Hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

- Hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội

- Hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở

- Hỗ trợ tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động.

Như vậy nhiệm vụ của họ chủ yếu là “Hỗ trợ” công an cấp xã thực hiện những nhiệm vụ trên. Tuy nhiên, bạn không cần phải lo lắng cho rằng khi có mâu thuẫn, vi phạm… họ không có thẩm quyền giải quyết thì vụ việc sẽ không được ngăn chặn, xử lý. Bởi lẽ, khoản 2, Điều 7 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định: “Khi phát hiện, tiếp nhận thông tin vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình trên địa bàn phụ trách phải báo ngay cho Công an cấp xã; có mặt tại nơi xảy ra vụ việc để thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu, hướng dẫn của Công an cấp xã; kịp thời ngăn chặn hành vi xâm phạm, đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tài sản của cơ quan, tổ chức trong điều kiện, khả năng cho phép và theo quy định của pháp luật”.

Để biết thông tin chi tiết về nghiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bạn nghiên cứu Luật trên

Hội viên nông dân tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở của tỉnh Điện Biên. Ảnh Nguyễn Tuyết

Tiêu chuẩn, điều kiện tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Bạn đọc Đoàn Văn Bình (Quảng Trị): Tôi muốn tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cần có tiêu chuẩn gì? Cơ quan nào xét duyệt tuyển chọn?

- Tiêu chuẩn, điều kiện tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quy định tại Điều 13, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Để biết thông tin chi tiết bạn nghiên cứu điều Luật này.

- Công an cấp xã sẽ tổ chức việc tuyển chọn tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự

Chế độ chính sách của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Bạn đọc Hồ Sĩ Thái (Bến Tre): Đề nghị cho biết chế độ chính sách của Nhà nước đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở?

Chế độ chính sách của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quy định tại các điều 22, 23, 24 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và cụ thể hóa tại Nghị định số 40/2024/NĐ-CP. Bao gồm: Trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận, trang bị phương tiện, thiết bị cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Chế độ, chính sách đối với người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ.

- Về hỗ trợ, bồi dưỡng đối với người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quy định như sau:

+ Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

+ Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng hỗ trợ, bồi dưỡng khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ. Mức hỗ trợ, bồi dưỡng được quy định như sau:

+ Khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện được hưởng bồi dưỡng bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân;

+ Khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động được hưởng mức tiền bồi dưỡng do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;

+ Khi làm nhiệm vụ tại những nơi thuộc khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc tại đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm về quốc phòng được hưởng mức tiền bồi dưỡng ngày công lao động tăng thêm do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;

+ Khi được điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ ngoài địa bàn phụ trách thì được cơ quan điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phương tiện đi lại, hỗ trợ ăn, nghỉ trong thời gian làm nhiệm vụ.

* THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 81/2014/QĐ-TTG

Quốc hội thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Với 386 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 78,14 %), chiều nay, 28/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.