Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Quy định xử phạt đối với hành vi vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm

07:19 11/10/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thời gian gần đây, tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp đặc biệt là tại các tỉnh miền Trung, miền Nam. Nguy cơ các chủng virus cúm gia cầm, các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xâm nhập vào nước ta là rất cao, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi gia cầm và sức khỏe người dân.
Cơ quan quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn bắt giữ 7 vụ vận chuyển, hơn 37.000 con giống gia cầm nhập lậu qua khu vực cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình chỉ trong tuần đầu tháng 10/2023. Ảnh: QLTT.

Trước đó, ngày 18 tháng 5 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 426/CĐ-TTg yêu cầu ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam. Hiện nay, mặc dù các cơ quan chức năng đã tích cực phát hiện, xử lý nhiều trường hợp, nhưng tình hình vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp.

Vậy hành vi vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm qua biên giới bị xử lý thế nào? Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW đã có những trao đổi về vấn đề này:

Điều 10, Nghị định số: 112/2014/NĐ-CP, ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định:

“Hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua cửa khẩu biên giới phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, thực hiện các nguyên tắc, thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam về xuất khẩu, nhập khẩu và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu.”. Theo quy định này thì: Hàng hóa nhập khẩu phải có giấy tờ hợp lệ và và phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu”.

Bên cạnh đó, Theo điểm 2, Mục I, Phụ lục I, Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch (Ban hành kèm theo Thông tư số số 25/2016/TT – BNNPTNT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thì gia cầm thuộc diện phải kiểm dịch.

Như vậy, việc vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm qua biên giới vào Việt Nam là hành vi vi phạm pháp luật.

 *Vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm bị xử phạt hành chính

Luật sư có thể cho biết, việc vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm qua biên giới vào Việt Nam bị xử lý ra sao?

Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà  người có hành vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm qua biên giới sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử phạt hành chính, tùy theo giá trị của hàng hóa sẽ có mức xử phạt tương ứng:

+ Đối với việc vận chuyển trái phép gia cầm qua biên giới: Người có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 12, Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BQP, ngày 15 tháng 8 năm 2022 của Bộ Quốc phòng về “ Hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới ngoài khu vực cửa khẩu nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”. Mức phạt tiền thấp nhất là 1 triệu đồng, mức phạt cao nhất là 75 triệu đồng. Ví dụ: Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm mà tang vật vi phạm có giá trị dưới 10 triệu đồng; Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 75 triệu đồng đối với tang vật vi phạm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên…Ngoài ra còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung như tịch thu tang vật hoặc buộc tiêu hủy hàng hóa.

+ Đối với việc mua bán, vận chuyển trái phép gia cầm tại khu vực biên giới: Người có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 13, Văn bản hợp nhất số  07/VBHN-BQP, ngày 15 tháng 8 năm 2022 của Bộ Quốc phòng về Vi phạm các quy định về tàng trừ, mua bán, vận chuyển, trao đổi hàng hóa ở khu vực biên giới.

+ Nếu tàng trữ, mua bán, vận chuyển, trao đổi gia cầm ở khu vực biên giới mà tại thời điểm kiểm tra không có giấy tờ, không đầy đủ giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa thì mức phạt tiền thấp nhất là 1 triệu đồng, mức phạt cao nhất là 40 triệu đồng (nếu là giống gia cầm mức phạt sẽ gấp đôi)

Ngoài ra còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung như tịch thu tang vật hoặc buộc tiêu hủy hàng hóa theo quy định tại Khoản 4, khoản 5 Điều luật này.

Cũng phải lưu ý rằng, trong một số trường hợp cụ thể, người vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm qua biên giới có thể bị phạt theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

* Người buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm qua biên giới có thể bị tù

Trường hợp nào, người buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm qua biên giới bị xử lý hình sự? Nếu bị xử lý hình sự thì sẽ bị zử lý vì tội gì , thưa luật sư?

- Người buôn bán trái phép gia cầm qua biên giới có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội buôn lậu” theo quy định tại Điều 188, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017. Mức hình phạt đối với tội này căn cứ vào giá trị hàng hóa, tính chất hành vi phạm tội…

+ Hình phạt thấp nhất là bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 3 năm, trong trường hợp hàng hóa có giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

+ Hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

- Người vận chuyển trái phép gia cầm qua biên giới có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vận chuyển trái phép hanfghoas, tiền tệ qua biên giới theo quy định tại Điều 189, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017. Mức hình phạt đối với tội này căn cứ vào giá trị hàng hóa, tính chất hành vi phạm tội…

 + Hình phạt thấp nhất là bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm trong trường hợp hàng hóa trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

  + Hình phạt cao nhất bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm., phạm tội trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500 triệu đồng trở lên.

Cảm ơn luật sư!

Lê Chiên (thực hiện)

* THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 81/2014/QĐ-TTG