Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi

14:33 04/11/2020 GMT+7
Đây cũng là tên của Diễn đàn do Cục Bảo trợ xã hội phối hợp với Tạp chí Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 3/11 tại Hà Nội. Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao

Đây cũng là tên của Diễn đàn do Cục Bảo trợ xã hội phối hợp với Tạp chí Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 3/11 tại Hà Nội.

Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: Anh Tuấn.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động Xã hội cho biết: Mục đích của Diễn đàn “Sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi” nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các cơ quan truyền thông về phát huy vai trò của người cao tuổi, nhất là tạo việc làm, trợ giúp người cao tuổi phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; đánh giá khái quát về chính sách, pháp luật trong tạo sinh kế và khởi nghiệp của người cao tuổi; chia sẻ các mô hình, kinh nghiệm; khuyến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải pháp phát huy và tạo sinh kế phù hợp cho người cao tuổi.

Và đây cũng là dịp để các nhà quản lý, các chuyên gia có thể chia sẻ, trao đổi, cung cấp thông tin cho các nhà báo về các vấn đề bức thiết trong quá trình già hóa dân số hiện nay cũng như các biện pháp ứng phó hiệu quả, nhất là trong việc tạo sinh kế, khởi nghiệp và việc làm đối với người cao tuổi.

Theo số liệu của cuộc Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019: Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn của quá trình già hóa dân số nhanh chóng, tính đến năm 2019, cả nước có gần 12,22 triệu người cao tuổi, chiếm  khoảng 12,7% dân số. Trong đó, tỉ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 7,7% (năm 2019) với gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 17,75% tổng số người cao tuổi). Thực tế có rất nhiều người còn sức khỏe, nhất là từ tuổi 60 đến 75, họ vẫn muốn tiếp tục cống hiến, vẫn muốn được tạo điều kiện nhưng chưa được đáp ứng. Vì vậy, người cao tuổi không chỉ là vấn đề cần giải quyết mà còn là cơ hội, nguồn lực cho sự phát triển, cần quan tâm tạo cơ chế, chính sách để thu hút, khai thác nguồn lực đó một cách hiệu quả. Theo số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, có tới 60% người cao tuổi trong độ tuổi 60-69 vẫn đang tiếp tục làm việc.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tổ chức và triển khai thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thì vấn đề quan trọng là cần tạo điều kiện cho người cao tuổi lao động trong khả năng, để vừa tạo ra thu nhập cho bản thân, vừa góp phần giảm tác động bất lợi đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội do sự biến động của cơ cấu dân số gây ra. Vì vậy, khi bước vào giai đoạn già hóa dân số thì việc sử dụng lao động người cao tuổi là rất cần thiết.

Ông Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội điều hành Diễn đàn. Ảnh: Anh Tuấn

Trình bày tham luận “Người cao tuổi và quốc gia khởi nghiệp”, TS. Nguyễn Lê Minh khẳng định, ngoài hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với người cao tuổi ở nông thôn, nhiều người cao tuổi ở khu vực thành thị tiếp tục làm việc trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng, khoa học và công nghệ. Hiện cả nước có gần 400.000 người cao tuổi đang làm kinh tế giỏi.

Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến an sinh xã hội, chăm sóc và trợ giúp người cao tuổi đã được luật hóa cụ thể trong Luật Người cao tuổi; đã thành lập Quỹ Chăm sóc người cao tuổi; ban hành và thực hiện các mức trợ cấp xã hội hàng tháng cho người cao tuổi có trọng tâm với người cao tuổi thuộc hộ nghèo hoặc không có người nuôi dưỡng, các chính sách ưu đãi người cao tuổi khi tham gia các phương tiện giao thông hoặc tham quan, du lịch… Gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung còn giao cho Cục Bảo trợ xã hội nghiên cứu vấn đề “Khởi nghiệp cho người cao tuổi”.

“Đây là một quyết định hoàn toàn đúng đắn. Lâu nay khi nói đến khởi nghiệp thường nhiều người chỉ nghĩ đến thanh niên hoặc người trung tuổi. Thật ra, kinh nghiệm của nhiều quốc gia trong lĩnh vực này họ đều rất quan tâm đến người cao tuổi. Bởi vì họ đã nhận thức rất rõ đây là một nguồn lực quý báu của quốc gia. Người cao tuổi có lợi thế về kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệm nghề nghiệp, có nhiều mối quan hệ trong xã hội. Đặc biệt với đội ngũ trí thức là người cao tuổi, với trình độ học vấn và chuyên môn đã tích lũy nhiều năm, họ vẫn muốn tiếp tục làm việc và cống hiến cho sự phát triển của đất nước. Sẽ là một thiếu sót – nếu không nói là một thiệt thòi và lãng phí rất lớn, nếu chúng ta để người cao tuổi đứng bên lề của quá trình quốc gia khởi nghiệp” – TS. Nguyễn Lê Minh phát biểu.

Cũng tại Diễn đàn, ông Phạm Đại Đồng, Trưởng phòng Chính sách, Cục Bảo trợ xã hội cũng thông tin về những chính sách, pháp luật về sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi. Trong đó phải kể đến các quyền được quy định trong Luật Người cao tuổi như: Được tạo điều kiện làm việc phù hợp với sức khoẻ, nghề nghiệp và các điều kiện khác để phát huy vai trò người cao tuổi; được tham gia Hội Người cao tuổi Việt Nam theo quy định của Điều lệ Hội Người cao tuổi; các quyền khác theo quy định của pháp luật. Luật cũng quy định các hành vi bị cấm, trong đó: “Ép buộc người cao tuổi lao động hoặc làm những việc trái với quy định của pháp luật”.

Luật cũng quy định Nhà nước đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần và rèn luyện sức khoẻ của người cao tuổi. Nhà nước và xã hội tạo điều kiện thuận lợi để người cao tuổi được học tập, nghiên cứu và tham gia hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch.

TS. Nguyễn Lê Minh (82 tuổi) phát biểu tại Diễn đàn về vấn đề khởi nghiệp cho người cao tuổi. Ảnh: Anh Tuấn.

Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện để người cao tuổi được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị với cơ quan, tổ chức về những vấn đề mà người cao tuổi quan tâm; tạo điều kiện để người cao tuổi là nhà khoa học, nghệ nhân và những người cao tuổi khác có kỹ năng, kinh nghiệm đặc biệt, có nguyện vọng được tiếp tục cống hiến…

Điều hành Diễn đàn, ông Trần Ngọc Diễn chia sẻ: Một xu hướng khá phổ biến gần đây trên thị trường lao động số người cao tuổi ngày càng chiếm tỷ lệ cao hơn. Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cứ 10 lao động lớn tuổi tại các đô thị thì có 7 lao động làm việc trong khu vực phi chính thức. Với tuổi nghỉ hưu như hiện nay thì rất nhiều người cao tuổi vẫn còn sức khỏe và khả năng để làm những công việc phù hợp mang lại thu nhập cho bản thân, gia đình.

Chính vì vậy, việc phát huy sinh kế và khởi nghiệp cho người cao tuổi, đặc biệt là trong bối cảnh khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số và tác động của đại dịch Covid -19 hiện nay được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách, vừa bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi, vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội của đất nước.

“Từ đó, để đẩy mạnh truyền thông về sinh kế đối với người cao tuổi, Cục Bảo trợ Xã hội và các tổ chức có liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong việc đẩy mạnh truyền thông về phát huy vai trò của người cao tuổi; về công tác chăm sóc và thực hiện các chính sách đối với người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số”, ông Trần Ngọc Diễn kiến nghị.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác truyền thông, giáo dục để mọi người dân nhận thức được già hóa dân số vừa là kết quả của phát triển kinh tế – xã hội; đồng thời là thách thức đối với phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới. Tuyên truyền về các chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế – xã hội. Tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi nhằm thích ứng với một xã hội già hóa dân số, đáp ứng tốt nhất nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.

Phát biểu kết thúc Diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Toản – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết: Chính phủ cũng như các nhà quản lý, các chuyên gia quốc tế khuyến cáo người cao tuổi cần phải tiếp tục lao động trong bối cảnh già hóa dân số. Điều này cần được nghiên cứu kỹ các yếu tố về đặc trưng của người cao tuổi như nữ hóa, sức khỏe… Cùng với những rào cản khác như về trình độ chuyên môn, tính năng động… pháp luật hiện nay thừa nhận quyền làm việc của người cao tuổi, tuy nhiên, để người cao tuổi được tham gia thị trường lao động, cần tính đến các yếu tố về văn hóa, xã hội. Thực tiễn đã cho thấy việc tạo việc làm cho người cao tuổi đã rất thành công ở nhiều nơi.

“Để vấn đề này được đẩy mạnh và thành công, cần có hệ thống chính sách trợ giúp người cao tuổi, hướng tới hỗ trợ trực tiếp, cung cấp việc làm cho người cao tuổi. Cùng với đó, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức xã hội về việc làm cho người cao tuổi; rà soát, nghiên cứu các vấn đề an sinh xã hội đối với người cao tuổi; hỗ trợ chính sách như vay vốn, đào tạo, kỹ năng mềm; hỗ trợ họ tìm kiếm việc làm; cũng như hoàn thiện pháp luật có liên quan…” ông Toản nhấn mạnh.

Hải Quỳnh