Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tăng cường quản lý Nhà nước với các quỹ xã hội, quỹ từ thiện

07:09 08/10/2022 GMT+7
Sáng 7/10, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý nhà nước về hội, quỹ xã hội và quỹ từ thiện, với sự tham gia của các ban, bộ, ngành Trung ương và đại diện cho 355 hội, 45 quỹ xã hội, quỹ từ thiện hoạt động trong phạm vi cả nước.

Hội nghị nhằm quán triệt một số chủ trương, quy định mới của Đảng liên quan đến hội quần chúng; trao đổi thảo luận một số nội dung về phòng chống rửa tiền; về độ tuổi; hội nghị, hội thảo quốc tế; quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại và khai trương trang thông tin điện tử, cơ sở dữ liệu về hội, quỹ. Trên cơ sở đó đề xuất giải pháp và khuyến nghị để hội, quỹ hoạt động tuân thủ pháp luật, điều lệ và phát huy vai trò, vị trí của hội, quỹ ngày càng tích cực tham gia vào phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hội, quỹ trong thời gian tới.

Cả nước có 93.425 hội, 2.965 quỹ xã hội, quỹ từ thiện

Theo bà Thang Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ (Bộ Nội vụ), tính đến tháng 12/2021 cả nước có 93.425 hội, gồm 571 hội (trong đó có 28 hội có tính chất đặc thù) hoạt động phạm vi cả nước hoặc liên tỉnh và 92.854 hội hoạt động phạm vi địa phương (trong đó có 28.940 hội có tính chất đặc thù). Về quỹ, cả nước có 2.950 quỹ, gồm 85 quỹ có phạm vi hoạt động toàn quốc hoặc liên tỉnh và 2.865 quỹ hoạt động trong phạm vi địa phương.

Bên cạnh những kết quả mà các hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện đạt được trong thời gian qua, hiện đã bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý, có nơi còn xảy ra mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ.

Theo đó, sau hơn 12 năm thực hiện Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, đến nay đã phát sinh bất cập về cơ chế, chính sách đối với các hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; còn thiếu các chế tài xử lý khi các hội vi phạm pháp luật và điều lệ trong quá trình hoạt động; chưa có quy định đình chỉ hoạt động của hội khi hội có mâu thuẫn nội bộ và vi phạm pháp luật.

Sau gần 3 năm thực hiện Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện đã thấy một số quy định còn chưa đồng bộ, chưa có quy định cụ thể việc quỹ thực hiện kiểm toán độc lập về tài chính, tài sản của quỹ khi hội đồng quản lý quỹ hết nhiệm kỳ để đảm bảo hoạt động công khai, minh bạch…

Bộ Nội vụ: Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện công khai các khoản đóng góp trên phương tiện thông tin - Ảnh 2.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện 355 hội, 45 quỹ xã hội, quỹ từ thiện hoạt động trong phạm vi cả nước - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Sửa đổi quy định tiếp nhận, quản lý, sử dụng tài sản, tài chính từ nguồn viện trợ trong và ngoài nước

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP. Năm 2023, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với cơ quan liên quan rà soát việc thực hiện Nghị định số 93/2019/NĐ-CP, tham mưu sửa đổi một số quy định pháp luật phát sinh khó khăn, vướng mắc và tiếp tục thực hiện phân cấp trong lĩnh vực hội, quỹ theo sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hội, quỹ. Đồng thời, xem xét, cải cách thủ tục hành chính về hội, quỹ nhằm tạo điều kiện cho hội, quỹ hoạt động; phát huy vai trò của hội, quỹ trong việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng đề nghị các bộ, ngành, địa phương và các hội, quỹ thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện hoạt động thuộc lĩnh vực do bộ, ngành quản lý trong phạm vi cả nước được Chính phủ giao tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP và Nghị định số 93/2019/NĐ-CP, đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay; Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về hội quần chúng; Thông báo số 158-TB/TW ngày 02/01/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về hội quần chúng trong tình hình mới.

Theo đó, sớm ban hành cơ chế, chính sách để hội tham gia chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội, cung cấp dịch vụ công, đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề các hoạt động thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của bộ, ngành. Hướng dẫn, tạo điều kiện cho hội, quỹ tham gia các hoạt động thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật. Phối hợp với các cơ quan liên quan sửa đổi quy định tiếp nhận, quản lý, sử dụng tài sản, tài chính từ nguồn viện trợ trong và ngoài nước phù hợp với tình hình mới; hướng dẫn việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính, chế độ kế toán đối với hội, quỹ.

Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đối với hội, quỹ. Kịp thời xử lý hoặc kiến nghị với Bộ Nội vụ hoặc các bộ, ngành liên quan xử lý các vi phạm của hội, quỹ theo quy định của pháp luật.

Bộ Nội vụ: Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện công khai các khoản đóng góp trên phương tiện thông tin - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng: Tăng cường quản lý nhà nước, giám sát về tài chính hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện theo đúng quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn các hoạt động rửa tiền, trốn thuế - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Tránh tình trạng các hội, quỹ xin phép thành lập pháp nhân một cách tràn lan như thời gian qua

Đặc biệt, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng nhấn mạnh: Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát kỹ điều kiện, tiêu chuẩn trước khi cho phép thành lập pháp nhân thuộc hội, quỹ, đảm bảo đúng lĩnh vực hoạt động theo điều lệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tránh tình trạng các hội, quỹ xin phép thành lập pháp nhân một cách tràn lan như thời gian vừa qua.

Đối với các hội, quỹ, Bộ Nội vụ yêu cầu tuân thủ các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội, quỹ theo chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật; chấp hành nghiêm quy định của pháp luật và điều lệ có liên quan đến tổ chức, hoạt động, quyền, nghĩa vụ của hội, quỹ đã được phê duyệt, đảm bảo hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích. Không được lợi dụng hoạt động của hội, quỹ để làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống của dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, không vi phạm các quy định về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện cần thực hiện nghiêm trách nhiệm công khai các khoản đóng góp trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo định kỳ, đột xuất với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật.

Tăng cường giám sát, quản lý về quỹ tài chính của Hội

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác quản lý hội, quỹ xã hội và quỹ từ từ thiện, Bộ Nội vụ cho biết: Nghiêm túc quán triệt thực hiện chủ trương của Đảng về hội, quỹ ngăn ngừa dấu hiệu "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trong tổ chức, hoạt động của hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Thể chế hóa chủ trương về hội quần chúng, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về hội giải quyết các vướng mắc và đảm bảo thống nhất, đồng bộ.

Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hội và quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân về vị trí, vai trò, bản chất, đặc điểm, tính chất của các hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

Thường xuyên, định kỳ tổng kết công tác quản lý nhà nước về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, qua đó kịp thời phát hiện những mặt đã làm được và những hạn chế, khó khăn để có giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước cũng như tổ chức, hoạt động của các hội, quỹ.

Bộ Nội vụ yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước, giám sát về tài chính hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện theo đúng quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn các hoạt động rửa tiền, trốn thuế, ngăn chặn sự lợi dụng, can thiệp, chi phối của các thế lực thù địch, khủng bố. Việc tiếp nhận viện trợ nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật; phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng tài trợ để tác động, nhằm mục đích xâm hại an ninh quốc gia, trật tự an toàn của xã hội. Quản lý chặt chẽ hoạt động hợp tác quốc tế, việc liên kết, tham gia thành viên các tổ chức quốc tế.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của hội và quỹ xã hội, quỹ từ thiện; xử lý vi phạm và đề xuất, kiến nghị giải thể đối với hội, thu hồi giấy phép hoạt động đối với quỹ.

Theo Chinhphu.vn