Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thái Nguyên: Hơn 590 hợp tác xã nông nghiệp khẳng định sức mạnh của kinh tế tập thể

07:20 02/12/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Với hơn 590 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, tỉnh Thái Nguyên khẳng định sức mạnh của kinh tế tập thể trong phát triển nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và thúc đẩy kinh tế địa phương.

Trong năm 2024, tỉnh Thái Nguyên đã thành lập mới 34 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 590 HTX, trong đó có 257 HTX dịch vụ tổng hợp, 240 HTX trồng trọt, 79 HTX chăn nuôi. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 5 liên hiệp HTX với 32 HTX thành viên và 297 tổ hợp tác nông nghiệp với gần 6.000 thành viên tham gia.

Không chỉ dừng lại ở số lượng, các HTX tại tỉnh Thái Nguyên còn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến đạt chuẩn OCOP. Hiện nay, tỉnh có 129 hợp tác xã với sản phẩm đạt OCOP. Tính đến cuối tháng 11 vừa qua, toàn tỉnh có thêm 33 sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao trở lên, nâng tổng số sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh lên 273 sản phẩm.

Các HTX tại Thái Nguyên đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng chung, hoạt động của các HTX còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội ở nông thôn.

Các hợp tác xã tại Thái Nguyên còn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến đạt chuẩn OCOP.
Các hợp tác xã tại Thái Nguyên còn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến đạt chuẩn OCOP.

Điển hình cho sự năng động và sáng tạo của các HTX tại Thái Nguyên là HTX Trà an toàn Phú Đô, huyện Phú Lương. HTX này đã vinh dự được Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Việt Nam trao tặng danh hiệu “Vua chuyển đổi số nông nghiệp lần thứ nhất năm 2024". Danh hiệu này là sự ghi nhận cho những nỗ lực tiên phong của anh Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc HTX, trong việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất chè.

Với 15ha chè, trong đó 10ha đạt chuẩn VietGAP, HTX đã mạnh dạn ứng dụng nhật ký sản xuất điện tử Facefarm ngay từ những ngày đầu thành lập. Ứng dụng này cho phép quản lý, truy xuất nguồn gốc, quy trình và chất lượng sản phẩm một cách nhanh chóng và chính xác thông qua mã QR code.

Chia sẻ về kế hoạch phát triển trong tương lai, anh Tuấn cho biết HTX sẽ tiếp tục đầu tư lắp đặt camera giám sát tại các vườn chè để nâng cao hiệu quả quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Bà Đào Thanh Hảo ở xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên đã khởi nghiệp từ một hộ sản xuất kinh doanh chè nhỏ lẻ. Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm và vốn, bà từng bước mở rộng quy mô và thành lập tổ hợp tác sản xuất chè vào năm 2010. Nhận thấy nhu cầu ngày càng cao của thị trường về sản phẩm chè chất lượng, đến năm 2017, bà quyết định thành lập HTX Chè Hảo Đạt với 20 thành viên.

Ngay từ đầu, HTX Chè Hảo Đạt đã tập trung vào sản xuất chè chất lượng cao, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong tất cả các công đoạn, từ trồng trọt, chế biến đến đóng gói. Sản phẩm chè Hảo Đạt không chỉ đa dạng về chủng loại mà còn được đầu tư về mẫu mã, nhanh chóng tạo dựng được thương hiệu và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.

Năm 2023, HTX sản xuất hơn 130 tấn chè búp các loại, trong đó nổi bật là chè tôm nõn với sản lượng 80 tấn. Đặc biệt, chè tôm nõn Hảo Đạt đã được chứng nhận OCOP 5 sao, là sản phẩm chè duy nhất của tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn này cho đến nay.

HTX Chè Hảo Đạt ở Tân Cương là một trong những mô hình kinh tế tập tiêu biểu ở Thái Nguyên.
HTX Chè Hảo Đạt ở Tân Cương là một trong những mô hình kinh tế tập tiêu biểu ở Thái Nguyên.

Không ngừng phát triển, HTX Chè Hảo Đạt hiện có 50 thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động với thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, HTX còn tạo việc làm thời vụ cho khoảng 100 lao động và bao tiêu sản phẩm chè búp tươi cho hàng trăm hộ gia đình trong xã.

Ngoài ra, nhiều HTX khác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chè, cây ăn quả, chăn nuôi, chế biến nông sản cũng đạt được những bước tiến đáng kể. Có thể kể đến HTX Miến Việt Cường ở thị trấn Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ với sản phẩm xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính và doanh thu tăng trưởng đều đặn 10-15% mỗi năm. Hay HTX Chè La Bằng ở xã La Bằng, huyện Đại Từ đã kết hợp sản xuất chè với phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng không gian tham quan, thưởng trà, góp phần khai thác đa giá trị từ cây chè.

Tỉnh Thái Nguyên hiện đang nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các HTX với mục tiêu mỗi năm thành lập mới từ 30 HTX trở lên và thu nhập bình quân của thành viên, người lao động trong HTX tăng từ 10% trở lên. Để đạt được những mục tiêu này, bên cạnh việc triển khai Đề án phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên tập trung đầu tư nguồn lực hỗ trợ các mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, HTX sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Ngay khi các HTX mới thành lập, chúng tôi tổ chức các lớp tập huấn để hướng dẫn về phương án sản xuất kinh doanh, định hướng phát triển phù hợp với đề án của tỉnh. Đặc biệt, chúng tôi rất chú trọng đến việc chuyển đổi số. Hiện nay, bất kỳ HTX nào không áp dụng chuyển đổi số sẽ bị tụt hậu, cúng tôi cũng hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi".

Thái Nguyên: Hội hỗ trợ nông dân thành lập Tổ hợp tác trồng cây ăn quả Na Tranh
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 12/8, tại Nhà Văn hóa xóm Na Tranh (xã Nam Hoà, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên), Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ, Hội Nông dân xã Nam Hoà để tổ chức ra mắt Tổ hợp tác Trồng cây ăn quả Na Tranh.