Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tham gia chi, tổ hội nghề nghiệp giúp nông dân thoát nghèo

Hà Anh - 07:37 10/12/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Xác định giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng công tác Hội và phong trào nông dân của Hội Nông dân (ND) tỉnh Thanh Hóa. Trong những năm qua, Hội ND Thanh Hóa đã có nhiều chương trình tuyên truyền, vận động hội viên ND tham gia vào các chi, tổ hội nghề nghiệp để cùng sản xuất, phát triển một ngành nghề tạo ra chuỗi giá trị và cùng nhau làm giàu.
Mô hình trồng dưa của thành viên tổ hội trồng rau, quả hữu cơ công nghệ cao tại xã Đông Tiến (Đông Sơn).

Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

Hiện nay, trên địa bàn huyện Hà Trung đã có trên 1.900 hộ ND sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, nhiều hộ đã có thu nhập từ 200 đến 400 triệu đồng mỗi năm nhờ đổi mới cách làm trong chăn nuôi, trồng trọt. Điển hình mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học của gia đình anh Trịnh Phương Bắc ở xã Hà Châu, huyện Hà Trung, mỗi năm gia đình anh Bắc xuất bán 3 lứa gà, tổng trọng lượng đạt trên 26 tấn và 3 nghìn quả trứng, sau trừ chi phí thu lãi gần 400 triệu đồng.

Anh Bắc cho biết: “Năm 2016, gia đình tôi đầu tư chăn nuôi gà với quy mô 5.000 con/1 lứa, nhưng do chăn nuôi tự phát nên đầu ra không ổn định, dẫn đến hiệu quả không cao. Năm 2019, tôi được Hội ND huyện Hà Trung giúp đỡ, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, đồng thời hỗ trợ kết nối thị trường để tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh, chỉ sau 1 thời gian hiệu quả chăn nuôi được nâng lên rõ rệt”.

Ông Bùi Văn Hiển, tổ trưởng tổ hợp tác trồng cây mít Thái xã Thạch Sơn (Thạch Thành), cho biết: “Trước đây, khi chưa tham gia vào tổ hợp tác, các hộ gia đình sản xuất đơn lẻ, sản phẩm không đạt mong muốn như yêu cầu, sản phẩm tuy nhiều nhưng thị trường tiêu thụ không ổn định. Sau khi tham gia vào tổ hợp tác, các hội viên được chuyển giao khoa học - kỹ thuật, được hỗ trợ vay 500 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ ND để đầu tư cây giống, phân bón, cải tạo đất... sản xuất chuyên canh. Giờ đây, sản phẩm mít Thái của tổ hợp tác trở thành hàng hóa có tính cạnh tranh cao với đầu ra ổn định. Hiện tại, với tổng diện tích 20ha trồng cây mít Thái cho thu nhập bình quân đạt khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Thành công bước đầu là nền móng cơ bản giúp tổ hợp tác tiến tới xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm.

Tham gia tổ hội trồng rau, quả hữu cơ công nghệ cao tại xã Đông Tiến (Đông Sơn) từ ngày đầu mới thành lập, sau gần 3 năm, anh Lê Văn Hùng chia sẻ: “Nhờ là hội viên của tổ hội nghề nghiệp mà tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn trồng, chăm sóc cây và được các chú, các anh đi trước truyền đạt kinh nghiệm, trang bị cho tôi nhiều kiến thức để phát triển”. 

Hiện Tổ hội trồng rau, quả hữu cơ công nghệ cao tại xã Đông Tiến (Đông Sơn) đã mạnh dạn xây dựng nhà màng, nhà lưới để sản xuất các loại rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn hữu cơ. Trên diện tích 1,5ha nhận thầu của địa phương, 40 thành viên của tổ hội đã đầu tư 1.000m2 nhà kính để luân canh trồng dưa Kim Hoàng hậu, dưa chuột, cà chua, các loại rau. Hàng năm, cung ứng cho thị trường khoảng 120 tấn rau, củ, quả các loại, lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt khoảng 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 15 lao động thường xuyên và 25 - 30 lao động thời vụ. Tổ hội đã đầu tư 3 cửa hàng thực phẩm sạch để giới thiệu, trưng bày sản phẩm tại huyện Đông Sơn và liên kết tiêu thụ với khoảng 10 cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn TP. Thanh Hóa.

Từ điểm sáng của các tổ hội, nhiều cơ sở Hội ND trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, động viên hội viên thành lập các tổ, chi hội nghề nghiệp để hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhiều chi, tổ Hội ND nghề nghiệp đang là tâm điểm của việc gắn kết, đem lại thu nhập đáng kể cho người nông dân, tiêu biểu như các tổ Hội ND: “Trồng rau an toàn” tại phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa; “Khai thác đánh bắt thủy, hải sản” tại xã Hải Hà (thị xã Nghi Sơn); “Nuôi cá lồng” tại thị trấn Thường Xuân; “Trồng dưa vàng trong nhà màng” tại thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa); “Chi hội VAC” ở thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn)...

100% cơ sở  Hội triển khai xây dựng chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp

Nhận thức rõ về phát triển kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống đang là nhu cầu bức thiết của ND và là trách nhiệm của cả hệ thống Hội, hằng năm, Hội ND Thanh Hoá tổ chức vận động ND thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng việc chỉ đạo, giúp đỡ và hướng dẫn cho ND biết tổ chức sản xuất, lựa chọn cái gì nên và không nên sản xuất, nhạy bén với thông tin thị trường, sản xuất phải gắn liền với thị trường tiêu thụ sản phẩm; xác định rõ mô hình và quy mô sản xuất hộ phù hợp với gia đình ND, áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, sử dụng nguồn lực có hiệu quả, phát triển ngành nghề nâng cao chất lượng các giống cây trồng vật nuôi, hạ giá thành sản phẩm; từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh có sức cạnh tranh trên thị trường.

Bên cạnh đó, Hội ND Thanh Hóa phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tín chấp cho ND mua gần 30.000 tấn phân bón các loại, hàng trăm tấn giống và hàng vạn giống cây, con các loại, đảm bảo chất lượng cho ND. Trong những năm qua, Hội ND Thanh Hoá tổ chức cho 330.000 lượt hội viên, ND được tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ; tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ ND xây dựng trên 200 mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, các dự án vay vốn từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ ND Trung ương và nguồn tỉnh đều được cho vay theo hình thức nhóm hộ cùng sản xuất một loại sản phẩm, là cơ sở để thành lập các tổ hợp tác, HTX gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm và thành lập các tổ Hội, chi hội nghề nghiệp.

Ông Trần Bình Quân, Chủ tịch Hội ND tỉnh Thanh Hoá cho hay: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04, ngày 5/8/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN (khóa VII) về đẩy mạnh xây dựng chi hội ND nghề nghiệp, tổ hội ND nghề nghiệp, đến nay 27/27 huyện, thị, thành hội, 100% cơ sở Hội trong toàn tỉnh đều có kế hoạch triển khai và xây dựng chương trình hành động với mục tiêu xây dựng chi hội, tổ hội ND nghề nghiệp nhằm mở rộng các hình thức sinh hoạt Hội theo hướng thiết thực, hiệu quả; phát triển và nâng cao chất lượng hội viên; nâng cao năng suất lao động, chất lượng và giá trị nông sản, khả năng tổ chức sự liên kết trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá, phát triển thương hiệu nông sản của hội viên, ND; tạo lập nhanh các yếu tố tiền đề thành lập các tổ hợp tác, HTX sản xuất, dịch vụ nông nghiệp.

Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 61 chi hội ND nghề nghiệp và 693 tổ hội ND nghề nghiệp với 35.870 hội viên tham gia hoạt động trên các lĩnh vực sản xuất như: nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản; sản xuất, chế biến lâm nghiệp; trồng rau an toàn, cây ăn quả; nuôi ong; chăn nuôi trâu, bò sinh sản, dê, gà đồi... 

“Đến nay 27/27 huyện, thị, thành Hội, 100% cơ sở Hội trong toàn tỉnh đều có kế hoạch triển khai và xây dựng chương trình hành động với mục tiêu xây dựng chi hội, tổ hội ND nghề nghiệp nhằm mở rộng các hình thức sinh hoạt Hội theo hướng thiết thực, hiệu quả”.
 Ông Trần Bình Quân, Chủ tịch Hội ND tỉnh Thanh Hoá.