Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tháng 3 về Thái Bình ngắm hoa gạo “sơn” đỏ một góc trời

Việt Tùng - 13:12 18/03/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Cứ mỗi độ tháng 3 về, hoa gạo lại khoe sắc thắm “sơn” đỏ cả một góc trời, gợi nhớ bao kỷ niệm, khiến lòng người xốn xang. Cây hoa gạo có ở nhiều nơi, nhưng hoa gạo ở Thái Bình - quê hương “Chị Hai năm tấn” lại có nét đặc trưng riêng, trở thành điểm “check in” lý tưởng vào mỗi độ hoa gạo nở…

Độc đáo cây gạo “Ông” – “Bà” có thể đổi… màu hoa

Những ngày này về xã Quang Bình (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), nhiều người không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp “rực lửa” của màu đỏ hoa gạo, của 2 cây gạo “Ông” – “Bà” đứng hiên ngang hai bên đình Ngái. Vẻ đẹp đó toát lên một không gian mang đậm nét yên bình chốn thôn quê, khi có hình ảnh của những cây hoa gạo đã điểm tô thêm vẻ đẹp mộc mạc, bình dị vốn có của vùng quê này.

2 cây hoa gạo đặc biệt "Ông" - "Bà" tại đình Ngái, xã Quang Bình (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) có màu hoa đỏ tươi - (ảnh TL)

Nếu như bạn là “tín đồ” yêu sắc thắm của hoa gạo, thì trong những ngày tháng 3 này có thể tìm về đình Ngái, xã Quang Bình, huyện Kiến Xương để ghi lại những bức hình yêu thích của mình.

Với người dân nơi đây, cây hoa gạo đã in bao nhiêu kỷ niệm, nhất là những người xa quê, thì những ngày tháng 3, mùa hoa gạo nở này sẽ xốn xang, gợi nhớ bao kỷ niệm về một vùng quê, những hình ảnh tuổi thơ bỗng ùa về tràn đầy trong ký ức.

Mùa hoa đỏ tươi, đỏ là màu sắc của 2 cây hoa gạo "Ông" - "Bà" tại đình Ngái -  (ảnh TL)

Theo ông Vũ Văn Phướng - Trưởng Ban Quản lý di tích đình Ngái (xã Quang Bình, huyện Kiến Xương), thì 2 cây hoa gạo này có tuổi đời khoảng hơn 200 năm, cây hoa gạo đã chứng kiến và gắn liền với nhiều thế hệ người dân nơi đây. Chính những nét mộc mạc, đặc biệt đó đã níu chân nhiều du khách thập phương đến đây tham quan, vãn cảnh, lưu lại khoảnh khắc đẹp trong mùa hoa gạo tháng 3. Và có một điều rất đặc biệt khi đến đây, du khách sẽ được tìm hiểu và lắng nghe những câu chuyện thú vị về 2 cây hoa gạo này.

“2 cây hoa gạo này được trồng 2 bên hông của đình Ngái, từ lâu các cụ gọi 2 cây này là 1 cây ông và 1 cây bà. Điều khác biệt là, bao giờ 2 cây này cũng ra hoa chênh lệch nhau. Thường thì cây “Bà” sẽ ra hoa trước và nhiều hoa hơn, cây “Ông” sẽ ra hoa sau và ít hoa hơn. Đây là 2 cây hoa gạo thực sự quý hiếm, dân làng chúng tôi rất tôn thờ” – ông Phướng cho biết.

Hình ảnh màu hoa gạo đỏ tươi và đình Ngái cũ trước khi được sửa chữa vào năm 2023  -  (ảnh Lê Xuân)

Theo người dân nơi đây, những năm trước 2 cây hoa gạo “Ông” – “Bà” có màu hoa đỏ tươi. Nhưng năm nay, cây “Bà” đang nở hoa có màu vàng cam. Đây là điều kỳ lạ chưa từng xảy ra, khiến nhiều người rất tỏ mò và thích thú”.

Bạn trẻ Lê Xuân, một người dân làng Ngái bày tỏ sự thích thú trước sự “độc, lạ” của hoa gạo “Bà” năm nay. “Lâu lắm rồi em mới về quê, hôm vừa rồi hội đình làng Ngái em về thì thấy hoa gạo năm nay được “sơn” màu vàng cam, thay vì màu đỏ rực như mọi năm. Hay năm nay đình Ngái vừa sửa xong “Ông” – “Bà” phấn khởi nên “đổi màu” báo hiệu cho con cháu không?” – bạn Lê Xuân cho biết.

Điểm đặc biển của mùa hoa gạo năm nay là màu sắc của cây hoa gạo "Bà" lại có màu vàng cam, khác hẳn với màu tỏ tươi hàng năm của nó. Đây là "hiện tượng lạ" chưa từng xảy ra ở 2 cây gạo "Ông" - "Bà" này (ảnh Lê Xuân)

Mê mẩn vẻ đẹp “cặp” hoa gạo ở đình Quán

Nếu 2 cây gạo “Ông” – “Bà” ở đình Ngái được “xếp” đứng tạo dáng hai bên đình, thì 2 cây gạo ở đình Quán, xã Quang Bình (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) lại được trồng ở cạnh đình, tại vị trí ngã tư đường, hai cây đứng hai bên đường, tỏa bóng cho cả một ngã tư.

2 cây hoa gạo ở đình Quán, xã Quang Bình (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) có tuổi đời hơn 300 năm tuổi, gốc to, cổ thụ, u sần cổ kính (ảnh TL)

Theo người dân nơi đây, 2 cây gạo này cũng có tuổi đời khoảng 300 năm. Minh chứng cho tuổi đời là những cục u sần, thân hình cổ thụ già nua, rêu phong cổ kính, vươn mình tỏa bóng hàng chục mét.

Hoa gạo là loài cây ở vùng nhiệt đới với thân cây cao và thẳng, lá rụng vào mùa Đông. Hoa gạo màu đỏ với 5 cánh hoa dày, thời gian nở tuy không quá dài nhưng cũng đủ làm cho nhiều người mê mẩn. Hoa gạo không chỉ làm rực đỏ cả một góc trời khi ở trên cây, mà khi rụng xuống, loài hoa này vẫn giữ được màu đặc trưng, tạo vẻ đẹp rất riêng trong không gian các ngôi đình cổ kính.

Hoa gạo được gọi à hoa của làng quê, nhưng không vì thế mà loài hoa này lại bị lãng quên. Chính sự mộc mạc của hoa gạo đã khiến cho bất cứ ai dù ở thành thị hay nông thôn mỗi lần nhìn ngắm sẽ đều muốn lưu giữ lại những ký ức về loài hoa này.

Đặc sắc cây hoa gạo “gù” ở Thái Thịnh

Không ngoa nói cây gạo “gù” ở xã Thái Thịnh (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) là cây hoa gạo “độc nhất vô nhị Việt Nam”, bởi hiếm có cây gạo nào lại có được kiểu dáng, thân hình mềm mại, cuốn hút như cây gạo này.

Vẻ đẹp đặc biệt của cây hoa gạo "gù" (ảnh TL)

Đặc đính của cây gạo là cây gỗ lớn, thân hình thẳng, cành mọc đối theo từng cấp. Tuy nhiên, cây hoa gạo “gù” ở Thái Thịnh lại có thân hình khá đặc biệt, giống tự như hình chữ “S” nằm ngang, hoặc chữ “Z” vậy.

Cây hoa gạo "gù" trở thành điểm "check in" lý tưởng cho những người thích chụp ảnh với hoa gạo (ảnh TL)

Cây hoa gạo “gù” này án ngự ngay ven đường, trải qua bao tháng năm và chứng kiến biết bao cuộc hẹn hò trai gái nơi đây, vào những đêm trăng sáng. Nơi đây, cũng lưu giữ bao kỷ niệm tuổi thơ, nơi đuổi nhau trốn tìm, nơi đánh trận giả của những cu cậu học trò láu lỉnh.

Nơi đây gắn với tuổi thơ của biết bao thế hệ (ảnh TL)

Những năm gần đây, cây hoa gạo “gù” đã trở thành điểm chekin của người dân và du khách, thậm chí nhiều đôi uyên ương còn chọn làm nơi chụp ảnh cưới.

Để bảo vệ cây khỏi gió bão giật đổ, chính quyền và người dân nơi đây đã xây trụ đỡ thân cây. Mặc dù vậy, nhưng vẻ đẹp của cây vẫn rất cuốn hút.

Cây gạo đỏ, điểm nhấn chùa Linh Sơn

Sẽ thiếu sót, nếu du khách về Thái Bình vào dịp tháng 3 này mà không đến chùa Linh Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình - một ngôi chùa cổ kính vùng đồng bằng, nơi có cây gạo hàng trăm năm tuổi, hàng trăm năm nay vẫn đứng bên cổng chùa, vươn mình tỏa bóng sân chùa, càng tô đẹp, tạo nên vẻ thanh tĩnh, trầm mặc nơi của Phật.

Cây hoa gạo bên cổng chùa Linh Sơn, càng tô thêm nét đẹp cổ kính của ngôi chùa (ảnh TL)

Vẻ đẹp của cây hoa gạo này càng trở nên đẹp hơn, khi mùa hoa đến. Hoa của cây hoa gạo ở chùa Linh Sơn có màu đỏ tươi, đỏ nhung rất bắt mắt. Cứ mỗi độ chiều tàn, hình ảnh chú tiểu quét lá, nhặt hoa dưới sân chùa, khiến ai nấy chứng kiến dường như quên đi những “tham – sân – si”, thả hồn thanh tịnh nơi cửa Phật.

Hình ảnh chú tiểu quét lá dưới gốc cây hoa gạo, một hình ảnh đẹp nơi của Phật (ảnh TL)
Chiêm ngưỡng Pu Ta Leng "nàng tiên" của núi rừng Tây Bắc
(Tapchinongthonmoi.vn) - Đỉnh Pu Ta Leng có độ cao 3.049m, nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn, thuộc bản Hồ Thầu, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu), cách thành phố Lai Châu khoảng 20km và được mệnh danh là một trong những nóc nhà của Đông Dương. Đây được xem là cung đường đẹp, hiểm trở mà các tín đồ leo núi rất thích khám phá.