Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thu phí giao thông đường bộ: Đường tới minh bạch còn xa

23:50 25/02/2019 GMT+7
Sau vụ cướp tại trạm thu phí Dầu Giây, vụ lãnh đạo CTCP tập đoàn Yên Khánh bị khởi tố vì dùng phần mềm giấu doanh thu thu phí trên cao tốc TPHCM-Trung Lương… câu chuyện minh bạch thu phí tiếp tục được đặt ra: Làm thế nào để quản lý được việc thu phí

Sau vụ cướp tại trạm thu phí Dầu Giây, vụ lãnh đạo CTCP tập đoàn Yên Khánh bị khởi tố vì dùng phần mềm giấu doanh thu thu phí trên cao tốc TPHCM-Trung Lương… câu chuyện minh bạch thu phí tiếp tục được đặt ra: Làm thế nào để quản lý được việc thu phí ở các trạm thu phí giao thông?

Những vụ việc nổi cộm

Năm 2016, sau tố cáo của một nhà đầu tư trong liên danh là Cienco1 tại BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã vào giám sát 10 ngày tại dự án này, kết quả cho thấy số thu trung bình/ngày giám sát chênh lệch so với số thu bình quân theo báo cáo của CTCP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ là gần 600 triệu đồng. Một ngày trạm BOT này thu được hơn 1,9 tỷ đồng, nhưng trong báo cáo gửi Tổng cục ĐBVN và các cổ đông, chỉ khai ở mức 1,2 – 1,4 tỷ đồng.

Vụ cướp 2,2 tỷ đồng tại trạm thu phí cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây cũng để lại nhiều dấu hỏi về số tiền thu phí thực tế mỗi ngày tại cao tốc này là bao nhiêu, liệu có chênh lệch với con số báo cáo của chủ đầu tư VEC? Dù đại diện VEC khẳng định việc tổ chức thu phí, giám sát, hậu kiểm và giám sát hậu kiểm được thực hiện đúng quy định, có giám sát của Tổng cục ĐBVN, Bộ GTVT.

Hàng loạt lãnh đạo Công ty Yên Khánh bị bắt vì hành vi thuê chuyên gia thiết kế phần mềm nhằm ăn gian doanh số thu phí giao thông đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Việc sử dụng phần mềm gian lận tại trạm thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương kéo dài từ 2015, đến nay cơ quan điều tra mới có thể phát hiện, xử lý. Hàng loạt lãnh đạo Công ty Yên Khánh bị bắt vì hành vi thuê chuyên gia thiết kế phần mềm nhằm ăn gian doanh số thu phí sử dụng đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Theo kết quả điều tra bước đầu, phần mềm này được cài đặt vào hệ thống máy theo dõi thu phí tại các trạm, có chức năng giúp xóa dữ liệu thu phí. Cơ quan điều tra vào cuộc, ghi nhận lượng phương tiện hàng ngày di chuyển qua tuyến đường huyết mạch này, số tiền Công ty Yên Khánh gian lận được trong gần 4 năm qua phải là con số khổng lồ.

Giám sát thủ công

Ông Nguyễn Văn Huyện -Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, cho biết: Đối với các dự án BOT hiện nay, Tổng cục ĐBVN vẫn đang giám sát định kỳ và đột xuất bằng cách tổ chức các đoàn giám sát để so sánh doanh thu trong những ngày giám sát so với trước đó, hoặc kiểm tra xác suất thông qua dữ liệu lưu trữ của trạm thu phí.

Ông Tô Nam Toàn -Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Tổng cục ĐBVN, nêu rõ: Tổng cục ĐBVN tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát so sánh doanh thu trong thời gian giám sát và doanh thu do nhà đầu tư báo cáo, định kỳ 5 năm/lần, vì không đủ nhân lực để thực hiện thường xuyên hơn 70 trạm trên cả nước. Vụ Tài chính chỉ có 13 người, kiểm tra việc sao chép dữ liệu thì Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế cũng chỉ có 5 người làm không xuể.

Việc kiểm tra chỉ thực hiện bề ngoài như kiểm tra ổ cứng, dữ liệu lưu trữ, kiểm tra xác suất số liệu báo cáo so với số liệu lưu trữ…. Nếu DN sử dụng công nghệ cao, cài phần mềm thì chúng tôi cũng không biết được. Phía công an có nhiều nghiệp vụ công nghệ thông tin mới phát hiện ra được, ví dụ như gian lận thu phí ở cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Những nghi vấn chủ đầu tư khai man doanh thu thực tế trên tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây sau vụ cướp đang được đặt ra.

Đường minh bạch còn xa

Thu phí giao thông tự động có thể giúp minh bạch doanh thu của các trạm thu phí, rút ngắn thời gian dừng xe, và sẽ không xảy ra tình trạng tài xế dùng tiền lẻ trả phí… Nhiều lợi ích, nhưng hiện tại tiến độ triển khai chậm do gặp nhiều vướng mắc, một số nhà đầu tư BOT đường bộ không hợp tác.

Chính phủ đặt lộ trình hết năm 2018 tất cả trạm thu phí trên QL1 và đường Hồ Chí Minh sẽ thu phí tự động. Hết năm 2019, áp dụng cho tất cả các trạm thu phí còn lại. Tuy nhiên, thực tế triển khai không như kỳ vọng.

Hiện tại, cả nước có 26/44 trạm thu phí trên QL1 và đường Hồ Chí Minh vận hành thu phí tự động, 7 trạm thu phí đang vận hành thử. Tính tới cuối năm 2018, chỉ mới có 680.000 ôtô dán thẻ thu phí tự động, trong khi cả nước hiện có khoảng 2,8 triệu ôtô đang lưu hành.

PGS-TS Ngô Trí Long -nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài chính, cho rằng: Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các trạm thu phí đều viện mọi lý do để chậm trễ việc triển khai thu phí tự động, doanh nghiệp vẫn tìm đủ cách này đến cách khác để gian lận, tạo quỹ đen, lợi ích nhóm và trốn thuế. Nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước là tìm hiểu nguyên nhân, nắm bắt mánh khóe, từ đó đề ra các biện pháp cụ thể nhằm xử lý tình trạng này.

Còn luật sư Trương Thanh Đức -Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, thì thẳng thắn: Bản chất vẫn là câu chuyện lợi ích nhóm, càng trì hoãn càng tốt cho họ. Giai đoạn đầu khi triển khai sẽ lộ ra nhiều bất cập, gian lận trong thu phí trước đây. Do đó, nhiều chủ đầu tư BOT sẽ tìm cách chống đối, chây ỳ chưa chịu triển khai thu phí tự động.

Thu phí giao thông tự động giúp minh bạch doanh thu tại các trạm thu phí, nhưng nhiều nhà đầu tư BOT tránh né vì sợ lộ ra nhiều khuất tất.

Ông Tô Nam Toàn thông tin: Hiện dự án triển khai thu phí tự động chậm do gặp một số vướng mắc như năng lực tài chính, nhân sự của nhà cung cấp dịch vụ thu phí chưa đáp ứng yêu cầu. Đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không có đủ kinh phí để nhập vật tư, thiết bị và thuê nhân lực.

Sự phối hợp của nhà đầu tư BOT đường bộ trong triển khai thu phí tự động chưa tốt. Có nhiều nhà đầu tư BOT bằng nhiều cách, gián tiếp cản trở triển khai thu phí tự động. Điều này do một số nhà đầu tư BOT ngại minh bạch, một số lại lo không kiểm soát được nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động, giấu doanh thu.

Ngoài ra, do mức phí trả cho đơn vị thu phí tự động không đảm bảo, Bộ GTVT phải báo cáo Thủ tướng điều chỉnh lại, mất thêm nhiều thời gian, dẫn tới chậm tiến độ triển khai giai đoạn 1, và đấu thầu tìm nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động cho giai đoạn 2. Hy vọng trong tháng 3/2019, tiến độ triển khai thu phí tự động sẽ được đẩy nhanh, khi một số vướng mắc được giải quyết.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong ngày thanh tra đầu tiên (18/2), Đoàn thanh tra của Tổng cục Đường bộ đã ghi nhận lượt phương tiện qua cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây trên là 39.000 lượt, doanh thu 01 ngày của toàn tuyến là 3,3 tỷ đồng

Phước Vinh