Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thu tiền tỷ từ nuôi cá lóc bông và ba ba

Vân Nguyễn - 07:21 13/04/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Với diện tích sản xuất 3,7ha có 54 ao nuôi cá lóc bông và ba ba, mỗi năm ông Phạm Văn Toại, xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh có thể thu được 400 tấn cá, 50 tấn baba, tổng thu nhập sau khi trừ các khoảng chi phí lãi ước đạt khoảng 4 tỷ đồng.

Người tiên phong chuyển đổi sang nuôi cá lóc bông và ba ba
Ông Trần Nhật Đông - Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội, Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh cho biết: Huyện Dương Minh Châu có hệ thống kênh mương thủy lợi dày đặc, tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện gần 400ha, tập trung tại các xã Lộc Ninh, Chà Là, Phước Ninh và Phước Minh. Lợi nhuận từ nuôi trồng thuỷ sản cao gấp 2,5 đến 4 lần so với trồng lúa đã giúp nhiều hộ dân ổn định cuộc sống. Những năm gần đây, nhận thấy mô hình nuôi trồng thuỷ sản phát huy hiệu quả kinh tế, nhiều người dân mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản.

Ông Phạm Văn Toại thu tiền tỷ từ mô hình nuôi ba ba, cá lóc bông.
 Ông Phạm Văn Toại là môt trong những người tiên phong trong việc chuyển đổi sang nuôi cá lóc bông và ba ba. Có được lợi nhuận từ mô hình trên, ông tiếp tục đầu tư xây dựng mở rộng diện tích nuôi ba ba, cá lóc bông. Đến nay, có được 54 ao với diện tích trên 3,7ha, nuôi 100.000 con ba ba/50 ao, 100.000 con cá lóc bông/4 ao. Hàng năm bình quân thu hoạch sau khi trừ các khoảng chi phí lãi khoảng 4 tỷ đồng/năm.
Chia sẻ về những kết quả đã đạt được, ông Toại cho biết: Khởi nghiệp tôi làm nghề nuôi cá lóc và cá diêu hồng bằng lồng bè dưới kênh Tây để làm kế sinh nhai. Năm 2005, chính quyền địa phương và ngành chức năng không cho phép nuôi cá dưới kênh Tây nữa, vì những lồng bè nuôi cá gây cản trở dòng chảy kênh chính. Tôi đã chuyển lồng bè vào trong hồ Dầu Tiếng được một thời gian, lồng bè này có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, chính quyền địa phương và ngành chức năng lại thông báo giải tán nghề nuôi cá trong hồ. Năm 2007, tôi bán hết các đàn gia súc sang tỉnh Ðồng Nai tìm học nghề nuôi ba ba. Sau khi học hỏi kiến thức, mua 2.000 con ba ba giống về nuôi và tận dụng nguồn thức ăn dồi dào từ hồ Dầu Tiếng làm thức ăn cho ba ba. Nhờ giá thành chăn nuôi thấp, nên ngay sau đợt thu hoạch đầu tiên, đã lãi một khoản tiền tương đối khá.
Từ đó, ông Toại quyết tâm theo nghề nuôi ba ba. “Mỗi năm, tôi tích cóp tiền bạc, mở rộng quy mô chăn nuôi ngày càng lớn. Trước đây, mỗi vụ ba ba nuôi từ 14-18 tháng mới thu hoạch. Thấy thời gian nuôi loại thuỷ sản này hơi lâu, nên tôi đầu tư 1ha đất, xây ao nuôi cá lóc bông, vì thời gian nuôi cá lóc bông ngắn hơn, chỉ 7 tháng/vụ giúp tăng thêm thu nhập”- ông Toại kể. 
Ông Toại sử dụng thành thạo loại kính hiển vi rất hiện đại để phân tích mẫu nước trong các ao nuôi ba ba và cá lóc bông. Hàng ngày, ông thường xuyên lấy mẫu nước của các ao cá, ao ba ba để kiểm tra, nếu thấy trong nước có vi khuẩn lạ là phải lập tức gửi mẫu đến những kỹ thuật viên của công ty cung cấp cá giống, ba ba giống để nhờ tư vấn xử lý nước trong ao. Nếu nước ô nhiễm hoặc mang mầm bệnh mà mình không biết, để lâu ngày sẽ dẫn đến gây bệnh cho các ao. Chính nhờ những kinh nghiệm quý báu đó trong quá trình nuôi cá, ba ba mà ông Toại đã gặt hái được thành công lớn.
Nghiên cứu thành công máy phân luồng thức ăn tự động 
Ông Phạm Văn Toại cho biết: Trong quá trình lao động sản xuất, để nuôi ba ba hiệu quả, tôi đã tìm hiểu những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ sản xuất mới có hiệu quả qua sách, báo, đài, internet, tích cực học hỏi kinh nghiệm thông qua các buổi hội thảo, được các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh chuyển giao, các nông dân có kinh nghiệm chia sẻ nên trong quá trình chăn nuôi ba ba, cá lóc bông, hàng năm luôn đạt hiệu quả và năng suất cao. Đồng thời, tôi cũng tìm hiểu học hỏi áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế. 
Đặc biệt, ông Toại luôn tìm tòi, cải tiến lại các máy móc thiết bị, công nghệ để phục vụ cho sản xuất của gia đình, đã nghiên cứu làm thành công máy phân lường thức ăn tự động cho ba ba, cá lóc qua đó góp phần giảm bớt lao động thủ công. Cách vận hành máy cho cá ăn rất đơn giản, có cài đặt chế độ hẹn giờ, máy sẽ tự động phun thức ăn cho cá theo thời gian đã được cài sẵn.

Ao nuôi cá lóc bông của ông Phạm Văn Toại.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Toại thường xuyên phổ biến những kinh nghiệm cho bà con nông dân tại địa phương. Ngoài việc giúp đỡ, ông còn hỗ trợ vốn, con giống, thuốc, thức ăn không tính lãi... với tổng trị giá quy thành tiền trong 5 năm gần 300 triệu đồng. Trong phong trào thi đua, có 5 năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã; cấp huyện và đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh cấp tỉnh và Trung ương giai đoạn 2017-2021. 
Ngoài ra, ông Phạm Văn Toại còn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương và của Hội như xây dựng nông thôn mới, đảm bảo quốc phòng, an ninh…. Hàng năm, đóng góp bằng tiền và vật chất trên 50 triệu đồng để nâng cấp, sửa chữa đường giao thông nông thôn, tham gia nhiều hoạt động từ thiện, an sinh xã hội… Bản thân ông và gia đình luôn chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, thực hiện tốt các phong trào của địa phương, làm tốt bổn phận của người công dân, tích cực lao động sản xuất góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.
Theo ông Trần Nhật Đông, hội viên nông dân Phạm Văn Toại là tấm gương sáng thể hiện ý chí, nghị lực vươn lên làm giàu chính đáng cho nông dân làm theo, là một trong những động lực giúp người dân xoá đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Ông Toại luôn gắn bó với Hội Nông dân và tham gia các phong trào ở địa phương, ông thường xuyên phổ biến những kinh nghiệm sản xuất cho nông dân, tạo việc làm cho gần 20 lao động địa phương, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ kinh nghiệm chăn nuôi và nguồn vốn cho 5 hộ đã thoát nghèo. Khi bà con nông dân khó khăn, ông Toại hỗ trợ vốn không tính lãi, thường xuyên giúp đỡ học sinh nghèo, ủng hộ quỹ chất độc da cam...