Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại cách đây khoảng 1 năm, ngày 30/6/2019, Việt Nam và EU đã ký chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU, thể hiện tư duy chiến lược, mở ra không gian rộng lớn giữa hai bên.
Thủ tướng cho biết từ đầu năm 2020 liên tục điện đàm với lãnh đạo nhiều quốc gia, trong đó có điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC). Hai bên cùng tự hào hướng tới một mốc son quan hệ mới, đó là từ ngày 1 tháng 8 năm 2020, những điều khoản của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU chuyển mình mạnh mẽ bước vào thực tiễn cuộc sống, đáp ứng sự mong đợi của doanh nghiệp của người dân hai bên. Điều này càng có ý nghĩa khi cả hai bên đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế xã hội do tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích cho cả hai bên. Riêng đối với Việt Nam, nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trong điều kiện bình thường thì Hiệp định có thể góp phần giúp GDP tăng thêm bình quân lên đến 3,2 % trong giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, bình quân lên đến 5,3% cho 5 năm tiếp theo và lên đến 7,72 % cho 5 năm sau đó.
Một nghiên cứu khác của Ngân hàng Thế giới cho thấy, nếu thực hiện đồng thời cả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương thì GDP của Việt Nam có thể của Việt Nam có thể tăng thêm tới 3,2% trong thập kỷ 2021-2030.
Với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế của EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU dự kiến sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu sang EU tăng thêm khoảng 42 % vào năm 2025 và gần 45% vào năm 2030 so với kịch bản không có hiệp định và tăng thu hút đầu tư Fdi vào Việt Nam.
Không chỉ thế, Hiệp định còn giúp tăng thêm gần 150.000 việc làm mỗi năm. Theo Ngân hàng Thế giới, Hiệp định có thể giúp cho 800 nghìn đến 1 triệu người thoát nghèo vào năm 2030.
Cần phải làm gì?
“EU luôn là một thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng và tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa, dịch vụ, nơi không có chỗ cho những doanh nghiệp thiếu kiên trì, không sáng tạo, hàng hóa kém chất lượng” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Do đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU mở ra cơ hội để Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tự nâng cấp chính mình, chấp nhận những luật chơi mới khó hơn để tiến sâu hơn, vươn lên những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối của EU và toàn cầu.
Điều này còn có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam trong bối cảnh nhiều tập đoàn doanh nghiệp lớn của EU đang có dịch chuyển đầu tư, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa.
Cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang phải chịu “cơn gió ngược” dữ dội của đại dịch Covid-19, trong đó EU cũng suy giảm kinh tế, Thủ tướng cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU có hiệu lực hứa hẹn mang lại những con số dự báo lạc quan về tăng trưởng xuất khẩu.
Tuy vậy, để đạt được các dự báo lạc quan đó, Thủ tướng đặt vấn đề, ngay lúc này, câu hỏi lớn hơn, quan trọng hơn là chúng ta phải làm gì, làm như thế nào, nỗ lực ra sao để đạt được ước tính tính kết quả tốt đẹp đó, nhất là để nâng mình lên trong hợp tác của các đối tác EU, khối kinh tế phát triển hùng mạnh hàng đầu của thế giới.
Với 13 Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, Thủ tướng cho rằng, chúng ta đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm về cách làm, trong đó có cả các vấp váp, thua thiệt để rồi tự đứng lên tiếp tục tiến bước. Trong thực tế đó, Thủ tướng nhận định, một trong những tồn tại lớn nhất là nhận thức của các doanh nghiệp còn hạn chế và việc tận dụng cơ hội cũng khiêm tốn. Nhiều cơ quan còn chậm xây dựng văn bản pháp luật liên quan; hướng dẫn thực thi còn thiếu thống nhất gây khó cho doanh nghiệp; còn nhiều hạn chế về hạ tầng cơ sở nguồn nhân lực, chất lượng quy mô sản xuất còn nhỏ.
Cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU có hiệu lực chỉ là bước đầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải thảo luận về những nội dung quan trọng.
Một câu hỏi là tại sao hoạt động truyền thông về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và FTA nói riêng chưa hiệu quả? Nhận thức hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và ngay cả trong các cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn hạn chế. Phải làm gì để khắc phục được tình trạng này?
Thứ hai, tại sao việc tận dụng cơ hội từ FTA chưa được như mong đợi. Có phải là do cơ chế chính sách của chúng ta còn chưa thông thoáng, còn tạo ra những rào cản vô hình đối với doanh nghiệp hay một phần do chính các doanh nghiệp của chúng ta đang còn thụ động, chưa thay đổi tư duy kinh doanh.
“Chính phủ, chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp, người dân cần làm gì để tận dụng cơ hội tốt hơn? Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, các hiệp hội cần chủ động triển khai tốt đến mọi doanh nghiệp về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU. Doanh nghiệp và người dân cần hiểu cặn kẽ hiệp định để triển khai có hiệu quả hơn” – Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng đặt vấn đề là làm thế nào để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bởi đây là yếu tố sống còn trong kinh doanh. Trong đó, doanh nghiệp cần làm gì, Chính phủ và chính quyền địa phương trong cả nước cần làm gì để hỗ trợ hiệu quả. Theo đó Thủ tướng lưu ý cán bộ trong cơ quan quản lý nhà nước cần học hỏi nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm, chung tay cùng doanh nghiệp để cam kết để các hiệp định thương mại tự do đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp và người dân ta.
Đối với phát triển kết cấu hạ tầng, Thủ tướng đặt cầu hỏi cần làm gì để thực hiện, vì là một yêu cầu hàng đầu để sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Chính phủ tiếp tục nỗ lực ban hành nhiều quy định thuận lợi và tăng cường đầu tư trung ương thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân, FDI. Nhu cầu lớn về đầu tư hạ tầng của Việt Nam về giao thông, năng lượng, viễn thông, logistic… cũng là cơ hội cho doanh nghiệp EU.
Nhắc đến yêu cầu phát triển bền vững là nội dung quan trọng trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, Thủ tướng lưu ý về những tiêu chuẩn cao không chỉ về nâng cao hiệu quả kinh tế mà đi đôi với các yêu cầu khắt khe về làm tốt hơn nhiệm vụ, trách nhiệm xã hội, lao động, việc làm và bảo vệ môi trường. Không thể bán hải sản tươi ngon, giá rẻ tại thị trường EU nếu là hải sản đánh bắt trái phép. Nêu yêu cầu đó, Thủ tướng đặt câu hỏi, chúng ta phải làm gì để tất cả người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý quan tâm cùng hành động.
Khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU có hiệu lực, nhiều sản phẩm của Việt Nam phải cạnh tranh trên thị trường nội địa với các sản phẩm của EU không thể đóng cửa dựng hàng rào bảo hộ mà chúng ta phải thực hiện đúng cam kết, quản lý tốt thị trường, tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh. Thủ tướng đặt vấn đề, Chính phủ và doanh nghiệp cần phải làm gì trước thực tế đó. Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng, do có khác biệt về địa lý, trình độ phát triển nên hàng hóa EU và Việt Nam chủ yếu mang tính bổ sung cho nhau. Đây là điều chúng ta cần chú ý phát huy./.