Dự hội nghị tại trụ sở Chính phủ cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính còn có các Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp. Dự hội nghị tại đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp tại các địa phương.
Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, lây lan ảnh hưởng đến doanh nghiệp, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó có Nghị quyết số 86/NQ-CP và Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Ngoài ra còn có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo các Nghị quyết khác của Chính phủ như chính sách về thực hiện linh hoạt các quy định về phòng, chống dịch COVID-19; về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động; chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và các chính sách tài khóa khác; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn đến doanh nghiệp Việt Nam đã luôn đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong công cuộc chống dịch và phát triển kinh tế, xã hội.
Cuộc họp này xoay quanh vấn đề thích ứng thế nào để cho chúng ta vừa phải chống dịch thành công và vừa phải khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Nếu chỉ tập trung chống dịch không thì chúng ta hết nguồn lực và ngược lại. Vì vậy, càng khó khăn, càng phức tạp, càng nhạy cảm thì càng phải đoàn kết, càng dân chủ, phát huy trí tuệ sáng tạo của nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhau để vượt qua khó khăn, thách thức.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta phải tìm cách để thích ứng với đại dịch này, tiếp tục có những cuộc trao đổi. Tôi tin rằng một cuộc trao đổi thì không thể giải quyết hết mọi vấn đề. Ví dụ như các cuộc trao đổi lần trước. Ví dụ như các cuộc trao đổi của Chính phủ với các cộng đồng doanh nghiệp và vừa qua thì cứ từng bước tháo gỡ, rồi từng bước chúng ta lắng nghe ý kiến của nhau, và tôn trọng để cùng nhau tìm ra giải pháp, trên cơ sở kinh nghiệm chúng ta đã có hoạt động phát triển kinh tế, kinh doanh của các doanh nghiệp, kinh nghiệm chúng ta có được trong phòng chống dịch 2 năm vừa qua, kinh nghiệm tham khảo được ở quốc tế, kinh nghiệm của các quý vị đại biểu, chúng ta cùng nhau bàn bạc để cùng nhau tìm ra một giải pháp vừa chống dịch tốt, vừa phát triển kinh tế”.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra những nhận định chung về việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao, góp phần giảm bớt những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu, giúp doanh nghiệp có thể duy trì, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.
Theo Báo cáo khảo sát của VCCI về NQ 105: 91,5% doanh nghiệp được khảo sát đã biết đến Nghị quyết 105/NQ-CP; 81% DN cho biết chính sách tại NQ 105 là kịp thời; 89% nhận thấy các mục tiêu của NQ là phù hợp; 81,4% cho biết các nhiệm vụ giải pháp sẽ giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của DN, HTX hiệu quả.
Tuy nhiên, qua theo dõi và tổng hợp các kiến nghị phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Việc triển khai của một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ.
Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được với một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp. Đặc biệt, vấn đề các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị nhiều nhất là việc khẩn trương có hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương để doanh nghiệp có thể chủ động phương án sản xuất kinh doanh.
Về kiến nghị, đề xuất, ông Nguyễn Chí Dũng nêu rõ 6 kiến nghị, đặc biệt trong đó đã đề xuất các địa phương: Khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phục hồi kinh tế/kế hoạch mở cửa trong tình hình mới. Đồng thời, cùng với doanh nghiệp, chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp; hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy.
Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, bảo đảm triển khai các giải pháp thích ứng với lộ trình kiểm soát dịch bệnh, trong đó tập trung phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của địa phương, gắn với đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời người lao động và các đối tượng chính sách bị tác động bởi dịch bệnh, đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế công cộng.
Tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đánh giá thực chất quá trình xử lý các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội: Càng khó khăn càng phải nêu cao tinh thần dân tộc, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, tương thân tương ái, hợp tác chia sẻ (ví dụ như chia sẻ đơn hàng, hàng đổi hàng, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của nhau, mua hàng trả chậm…);
Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp trên nền tảng số, thông qua chuyển đổi số; nâng cao năng suất, sức cạnh tranh; quan tâm đến việc giữ chân người lao động, sắp xếp, cơ cấu lại lao động hợp lý; đầu tư hơn nữa cho công nghệ, đổi mới thiết bị, mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới, giải pháp mới trong sản xuất kinh doanh; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, chúng ta cần lưu ý, trong khủng hoảng, công nghệ, thiết bị thường rẻ hơn rất nhiều so với thời điểm thông thường, đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.
Giúp Chính phủ giữ được ổn định kinh tế, xã hội, môi trường đầu tư hấp dẫn, tích cực hiến kế cho chính quyền các cấp để xây dựng kế hoạch mở cửa của từng địa phương; đóng góp sáng kiến cho Chương trình phục hồi kinh tế, trong đó có các nội dung liên quan đến phục hồi cho khu vực doanh nghiệp, phát huy sức mạnh toàn dân tộc vượt qua giai đoạn khó khăn, thách thức hiện nay.
Chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực, kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp hội viên và ngành hàng; tăng cường tính liên kết giữa các doanh nghiệp hội viên, hợp tác cùng phát triển./.