Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thúc đẩy giao thương nông sản và thực phẩm giữa Việt Nam và Thụy Sĩ

07:22 01/08/2022 GMT+7
Theo Đại sứ Phùng Thế Long, Thụy Sĩ "rất mạnh" về kỹ thuật nông nghiệp và chế biến thực phẩm và Việt Nam có thể học hỏi, ứng dụng nhằm nâng cấp sản phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vào châu Âu.

Thuc day giao thuong nong san va thuc pham giua Viet Nam va Thuy Si hinh anh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 30/7, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ đã tổ chức chuyến thăm và làm việc tại thị trấn Vevey (Thụy Sĩ), nhằm thúc đẩy giao thương giữa các địa phương của hai nước, chú trọng hợp tác cải thiện chất lượng nông sản, thực phẩm chế biến để tăng cường xuất khẩu.

Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Phùng Thế Long cùng Phu nhân, Tham tán Thương mại Nguyễn Đức Thương, Chủ tịch Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam-Thụy Sĩ (SVBG) Nguyễn Thị Thục và các cán bộ của sứ quán cùng tham dự.

Trong chuyến thăm làm việc tại Vevey, đoàn do Đại sứ Phùng Thế Long dẫn đầu đã tham quan phiên chợ dân gian truyền thống vào cuối tuần của thị trấn. Tại đây, các sản phẩm “nhà trồng” như rau củ, các loại bánh nướng, rượu, thức ăn tại chỗ... được người dân địa phương rất ưa chuộng.

Nhà hàng Maison Việt của doanh nhân Nguyễn Đức Tiến cũng góp một gian hàng với các món cơm chiên, bún xào, thịt kho, rau củ xào... thu hút được nhiều sự chú ý.

Đoàn cũng thăm cửa hàng thực phẩm Lý Thanh. Tại đây, nhiều sản phẩm của Việt Nam như mỳ gói, bún khô, bánh đa, các loại bột làm bánh chiếm ưu thế. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm Việt Nam có năng lực sản xuất lớn như gạo, nước mắm, trái cây tươi chế biến còn hạn chế.

Ông Lý Hữu Bảo, chủ cửa hàng, chia sẻ với đoàn nhiều thông tin hữu ích về tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt và mong muốn ngày càng có nhiều hàng Việt Nam chất lượng cao trong cửa hàng của mình.

Tham quan bảo tàng thực phẩm đầu tiên trên thế giới Alimentarium của tập đoàn Nestlé tại Vevey, Đại sứ Phùng Thế Long và các thành viên trong đoàn thực sự ấn tượng với sự dày công sưu tập các vật dụng, các loại thực phẩm và quy trình chế biến đồ ăn cùng sự phát triển trong lịch sử ẩm thực của loài người.

Một bộ tách trà bằng gốm sứ Bát Tràng cũng được lựa chọn trưng bày thường trực tại Alimentarium trong hơn 10.000 vật phẩm mà bảo tàng sưu tập được.

Ấn tượng hơn, người hướng dẫn đoàn tham quan là bà Lynda Pasmore, một giáo viên kỳ cựu của Trường César Ritz nổi tiếng về đào tạo ngành nhà hàng khách sạn tại Thụy Sĩ, đã giới thiệu với đoàn một bộ phin cà phê mà bà mang theo trong túi xách để minh họa cho sự độc đáo của người Việt Nam trong cách chế biến loại thức uống mà hàng tỷ người dân trên thế giới ưa chuộng.

Đại sứ Phùng Thế Long đã trao đổi với Chủ tịch sáng lập SVBG Nguyễn Thị Thục và các thành viên ban điều hành về khả năng và cách thức phối hợp nhằm đẩy mạnh các hoạt động giao thương, trao đổi thông tin về tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong lĩnh vực nông-lâm-nghiệp, thu hoạch, bảo quản, chế biến nông lâm sản... giữa Thụy Sĩ và các tỉnh, thành của Việt Nam.

Theo Đại sứ Phùng Thế Long, Thụy Sĩ tuy là thị trường nhỏ nhưng rất mạnh về kỹ thuật nông nghiệp và chế biến thực phẩm mà Việt Nam có thể học hỏi, ứng dụng nhằm nâng cấp sản phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vào châu Âu.

Đại sứ cũng đề xuất thành lập hiệp hội doanh nghiệp của người Việt tại Thụy Sĩ với sự bảo trợ của các doanh nhân Việt thành đạt tại đây và SVBG đóng vai trò thư ký điều hành.

Nhấn mạnh đến vai trò của hiệp hội doanh nghiệp, Đại sứ Phùng Thế Long cho rằng việc gặp gỡ, chia sẻ thông tin, sẽ giúp tạo ra những cơ hội, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh.

Theo Vietnam+

Liên kết tiêu thụ nông sản chủ lực của Cần Thơ
Chiều 29/7, tại Cần Thơ, Văn phòng điều phối nông thôn vùng ĐBSCL phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ tổ chức diễn đàn thúc đẩy kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản và phát triển du lịch sinh thái tại TP. Cần Thơ.