Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thúc đẩy xuất khẩu khu vực biên giới, nâng cao vị thế hàng Việt

08:45 02/05/2023 GMT+7
Từ những chuyến khảo sát thực địa tại các cửa khẩu, các địa phương biên giới, những cuộc trao đổi với các nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia, cư dân khu vực biên giới, Báo Điện tử Chính phủ thực hiện loạt bài về hoạt động thương mại Việt Nam – Trung Quốc, cung cấp một góc nhìn, nhận diện khó khăn, vướng mắc, đưa ra một số giải pháp, kiến nghị để thúc đẩy sự phát triển của thương mại song phương, trong đó có thương mại biên giới bền vững với thị trường Trung Quốc.
Các container xếp hàng chờ xuất khẩu tại bãi xe dành cho hàng trung chuyển xuất nhập khẩu trên cửa khẩu Tân Thanh - Ảnh: VGP/Tuấn Dũng

Lời toà soạn: Hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước láng giềng có chung đường biên giới đất liền ngày càng được chú trọng, quan tâm phát triển, đặc biệt là với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việc thúc đẩy thương mại biên giới càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội hậu COVID-19.

Mặc dù hoạt động thương mại giữa Việt Nam với các nước láng giềng đã đạt những kết quả ấn tượng và không ngừng có những cải thiện đáng kể thời gian qua, song vẫn còn những vấn đề tồn tại, hạn chế và các khó khăn, vướng mắc, được ví như "tảng đá ngầm" ảnh hưởng dòng chảy thương mại này. Do nhiều yếu tố, cả chủ quan và khách quan, dòng chảy thương mại không phải lúc nào cũng thông suốt. Có thời điểm, "dòng chảy" này gặp ùn tắc, nhất là vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát.

Từ những chuyến khảo sát thực địa tại các cửa khẩu, các địa phương biên giới, những cuộc trao đổi với các nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia, cư dân khu vực biên giới, Báo Điện tử Chính phủ thực hiện loạt bài về hoạt động thương mại Việt Nam – Trung Quốc, cung cấp một góc nhìn, nhận diện khó khăn, vướng mắc, đưa ra một số giải pháp, kiến nghị để thúc đẩy sự phát triển của thương mại song phương, trong đó có thương mại biên giới bền vững với thị trường Trung Quốc.

Điều này có ý nghĩa quan trọng và thiết thực để triển khai những thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc vào cuối năm 2022 vừa qua; đồng thời thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu – một trong 3 động lực tăng trưởng trong bối cảnh tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn thời gian qua. Đây được coi như thời cơ "vàng" để thúc đẩy xuất khẩu hai bên, nhất là khẳng định vị thế hàng Việt, gia tăng xuất khẩu hàng Việt Nam sang nước bạn.

Mở cơ hội, "rộng" đường biên

Việt Nam có biên giới phía bắc giáp Trung Quốc với chiều dài 1.449,566 km. Hoạt động xuất nhập khẩu biên mậu tại 7 tỉnh miền núi biên giới phía bắc - nơi có 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu song phương, 21 cửa khẩu phụ ngày càng nhộn nhịp, tấp nập.

Mặc dù dịch COVID-19 và biến động địa-chính trị trên thế giới đã tác động tới kinh tế, thương mại toàn cầu nhưng quan hệ thương mại Việt Nam-Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển và đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Để những chuyến hàng, việc giao thương hàng hóa của người dân, doanh nghiệp được "xuôi chèo mát mái", lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành đã tích cực chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từ giải pháp ngoại giao đến những giải pháp kỹ thuật.

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 30/10-2/11/2022 đã khơi thông và làm sâu sắc thêm "dòng chảy" thương mại giữa hai quốc gia

Cơ hội quý hiếm, ý nghĩa đặc biệt

Theo Vụ Thị trường châu Á, Bộ Công Thương, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, đối tác nhập khẩu lớn nhất và đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 (chỉ sau Malaysia) trong các nước ASEAN của Trung Quốc.

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 30/10-2/11/2022 đã khơi thông và làm sâu sắc thêm "dòng chảy" thương mại giữa hai quốc gia.

Đây là chuyến thăm song phương chính thức đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước ta tới Trung Quốc kể từ sau khi bùng phát đại dịch COVID-19, là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là nhà lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên thăm Trung Quốc sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nhận định của giới chuyên gia Trung Quốc mà báo chí nước này đăng tải  khẳng định ý nghĩa của chuyến thăm đối với sự phát triển của quan hệ hai nước, nhất là hợp tác thương mại.

Ông Cát Hồng Lượng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu an ninh biển Trung Quốc-ASEAN thuộc Đại học Dân tộc Quảng Tây nhấn mạnh, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất và mục tiêu đầu tư quan trọng của Trung Quốc tại Đông Nam Á. Việc mở cửa hợp tác và tăng cường kết nối năng lực sản xuất giữa hai nước sẽ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ, trước mắt là trong ngắn hạn.               

Chuyên gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải Triệu Can Thành dự báo, hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn nhiều tiềm năng vì hai nước có thể bổ trợ cho nhau rất nhiều.

Những ngọn hải đăng cho dòng chảy hợp tác

Cơ sở của những nhận định lạc quan này, đó là trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 13 văn kiện hợp tác, trong đó có Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc về tăng cường hợp tác, bảo đảm chuỗi cung ứng Việt-Trung; Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về an toàn thực phẩm trong thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc; Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam, Trung Quốc về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại; Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến các văn kiện đã được các bộ, ngành, địa phương hai nước ký kết.

Việc thực hiện các văn kiện này, cùng với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực thi hành từ năm 2022 đã tạo điều kiện thuận lợi và tạo động lực mới cho thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc, đồng thời mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp hai nước tham gia các chuỗi giá trị và sản xuất mới trong khu vực cũng như thâm nhập sâu hơn vào thị trường của nhau.

Không chỉ là bạn hàng lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN, Việt Nam trở thành thị trường bên ngoài hoàn hảo cho hàng hóa Trung Quốc vì điều kiện kinh tế tương đồng, văn hóa tiêu dùng và chi phí vận chuyển thấp. 

Sự phát triển của thương mại biên mậu đã góp phần gia tăng, thúc đẩy kênh giao lưu hàng hóa giữa hai nước. Bộ mặt thị trường miền núi, vùng cao, biên giới nhờ đó cũng khởi sắc.

Thương mại góp phần tạo thêm nhiều công ăn việc làm, thu nhập và sức mua dân cư nhờ đó cũng được nâng lên. Cơ cấu kinh tế-xã hội các tỉnh vùng cao biên giới từng bước có nhiều chuyển dịch theo hướng tích cực, tạo sức hấp dẫn, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).

Cùng xây dựng đường biên giới chất lượng cao, hòa bình, hữu nghị

Đường biên giới đất liền Việt-Trung tiếp giáp với 2 tỉnh của Trung Quốc là Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang – tỉnh Quảng Tây. Những ngày cuối tháng 3/2023, lãnh đạo cao nhất của 2 địa phương này - Bí thư Đảng ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây Lưu Ninh và Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam Vương Ninh - đều có chuyến thăm Việt Nam, mở ra giai đoạn mới trong hợp tác giữa các địa phương biên giới của hai nước.

Tại các buổi tiếp lãnh đạo 2 tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng về những tiến triển mới trong quan hệ hai Đảng, hai nước thời gian vừa qua, trong đó quan hệ giữa Vân Nam, Quảng Tây và các địa phương biên giới của Việt Nam đã có những bước phát triển tốt đẹp sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc tháng 10/2022.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Vân Nam, Quảng Tây và các tỉnh biên giới của Việt Nam đi đầu, phát huy tinh thần xung kích đẩy mạnh hợp tác thực chất, cùng có lợi, nhất là trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, đầu tư, du lịch, giao lưu nhân dân; cùng nhau xây dựng đường biên giới chất lượng cao, hòa bình, hữu nghị.



Về phía Chính phủ, tại các buổi tiếp lãnh đạo 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương hai bên mở rộng hợp tác cùng có lợi với trọng tâm là tạo bước chuyển lớn về hợp tác kinh tế-thương mại, kết nối giao thông đường bộ, đường sắt, du lịch và giáo dục.

Theo đó, các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây phối hợp duy trì ổn định, nâng cao hiệu suất thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới hai nước, nhập khẩu nhiều hơn nữa nông, thủy sản chất lượng cao của Việt Nam. Đẩy mạnh kết nối giao thông cả đường bộ, đường sắt và đường biển phù hợp quy mô hợp tác kinh tế-thương mại hai nước; nâng cao hiệu suất thông quan với việc thí điểm mô hình "cửa khẩu thông minh".

Ngày 4/4 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Tiếp đó, tại cuộc điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ngày 4/4/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tích cực nghiên cứu các biện pháp duy trì giao thương thông suốt, nâng cao năng lực, hiệu suất thông quan; tăng cường kết nối hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường biển và hàng không. Đề nghị Trung Quốc tiếp tục tạo điều kiện về thuận lợi hóa thương mại, mở rộng nhập khẩu hàng hóa, đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam…

Trước đó, trong các chuyến công tác, làm việc tại các tỉnh biên giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển với các nước láng giềng, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh quốc phòng và phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh về phát triển kinh tế; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47% so với năm 2021. Riêng xuất khẩu hoa quả của Việt Nam sang Trung Quốc có tiến triển mới, trong đó sầu riêng chính thức là loại quả thứ 10 được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc từ tháng 7/2022. Bước vào năm 2023, Trung Quốc là đối tác thương mại duy nhất của Việt Nam có kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mốc 10 tỷ USD ngay trong tháng 1.

 

Theo ông Trần Quang Huy – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- châu Phi, Bộ Công Thương - 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 11,9 tỷ USD, tuy có giảm so với cùng kỳ năm 2022 do nhiều lý do khác nhau nhưng tốc độ giảm đã chậm lại so với các tháng trước, cho thấy tín hiệu tích cực trong tình hình xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Dự báo, trong quý II/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ có sự cải thiện nhất định.

Theo Chính phủ 

TỪ KHÓA #đầu tư