Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tinh gọn bộ máy: Sự hy sinh phải đi kèm với công bằng, hợp lý

09:20 10/12/2024 GMT+7
Theo ý kiến chuyên gia, nếu sự hi sinh quyền lợi cá nhân là điều cần thiết để cải cách bộ máy hành chính, thì điều quan trọng là phải có chính sách hỗ trợ hợp lý. Cán bộ, công chức, viên chức không chỉ hy sinh vì lợi ích của tập thể mà phải cảm nhận được sự công bằng và sự chăm lo từ phía Nhà nước.

Tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là chủ trương được đa phần dư luận ủng hộ nhưng tinh gọn thế nào, tinh giản những ai?... đang là câu chuyện được rất nhiều người quan tâm.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, ĐBQH Đoàn Hà Nội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, trong mọi cải cách lớn, sự hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích chung luôn là một yếu tố quan trọng. Nhưng chỉ khi sự hy sinh đó đi kèm với sự công bằng, minh bạch và hỗ trợ thiết thực, thì mới có thể thu hút được sự đồng thuận và cam kết từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

tinh gon bo may su hy sinh phai di kem voi cong bang, hop ly hinh anh 1
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, ĐBQH Đoàn Hà Nội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Sự hy sinh phải đi kèm với công bằng, hợp lý

PV: Trước đây, khi nói đến câu chuyện tinh giản biên chế người ta thường nghĩ đến việc tinh giản những người không đủ năng lực. Nhưng lần này khi sáp nhập các cơ quan, thì không thể khẳng định tất cả cán bộ, công chức, viên chức dôi dư là người không đủ năng lực. Như vậy, theo ông, cần có các biện pháp về chính sách, chế độ phù hợp cho những người này như thế nào?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi cho rằng, việc sáp nhập bộ máy hành chính chắc chắn sẽ tạo ra tâm tư, lo ngại đối với không ít cán bộ, công chức, viên chức, bởi đây là một sự thay đổi lớn, liên quan trực tiếp đến công việc, quyền lợi và môi trường làm việc của họ. Đặc biệt, khi việc sáp nhập có thể dẫn đến việc điều chỉnh, giảm biên chế hoặc thay đổi cơ cấu tổ chức, cảm giác lo lắng và bất an là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, trong bối cảnh cải cách hành chính và phát triển đất nước, một phần của quá trình này chính là sự hi sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung.

Việc đặt lợi ích chung lên hàng đầu, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân để mang lại hiệu quả tổng thể cho bộ máy nhà nước và phục vụ người dân tốt hơn, là một thái độ cần thiết và đáng trân trọng trong công cuộc xây dựng đất nước. Cũng giống như trong một đội ngũ, mỗi thành viên cần phải hy sinh một chút vì sự tiến bộ và thành công chung của tập thể. Trong trường hợp này, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần nhìn nhận sự thay đổi này không phải là một mất mát, mà là một cơ hội để hệ thống hành chính trở nên tinh gọn, hiệu quả hơn, từ đó giúp cho đất nước phát triển nhanh chóng và bền vững hơn.

Tôi cũng cho rằng, nếu sự hi sinh quyền lợi cá nhân là điều cần thiết để cải cách bộ máy hành chính, thì điều quan trọng là phải có chính sách hỗ trợ hợp lý. Cán bộ, công chức, viên chức không chỉ hy sinh vì lợi ích của tập thể mà phải cảm nhận được sự công bằng và sự chăm lo từ phía Nhà nước. Chính sách chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo lại, tạo cơ hội việc làm mới cho những người bị ảnh hưởng là một phần quan trọng của quá trình này. Khi họ cảm thấy mình không bị bỏ lại phía sau, mà thực sự có sự hỗ trợ để thích ứng với môi trường mới, họ sẽ dễ dàng chấp nhận và tham gia vào quá trình này với tâm lý tích cực hơn.

Cuối cùng, tôi nghĩ rằng, trong mọi cải cách lớn, sự hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích chung luôn là một yếu tố quan trọng, nhưng chỉ khi sự hy sinh đó đi kèm với sự công bằng, minh bạch và hỗ trợ thiết thực, thì mới có thể thu hút được sự đồng thuận và cam kết từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

PV: Ông đánh giá như tế nào về vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu, trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng về sáp nhập, tinh gọn bộ máy lần này?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi nghĩ, việc lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhấn mạnh vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu và mỗi Ủy viên Trung ương trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này là điều rất cần thiết. Đặc biệt trong một cuộc cải cách lớn như việc tinh gọn bộ máy, sự lãnh đạo gương mẫu từ cấp cao sẽ tạo ra sức mạnh lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ trong Đảng mà còn trong toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội.

Khi người đứng đầu thể hiện được tầm gương mẫu, tiên phong trong hành động, họ không chỉ tạo dựng lòng tin mà còn truyền cảm hứng cho các cấp dưới, giúp mọi người nhận thức được tầm quan trọng của công việc và sự quyết tâm trong quá trình thực hiện. Tôi cho rằng, sự lãnh đạo này không chỉ nằm ở việc đưa ra quyết định mà còn ở khả năng thể hiện cam kết, tự giác làm gương, vượt qua những khó khăn, thách thức. Nhất là trong bối cảnh cải cách bộ máy hành chính, nếu lãnh đạo không đi đầu, không "làm trước", rất dễ tạo ra sự trì trệ và thiếu niềm tin từ phía các cơ quan, tổ chức khác.

Thực tế, vai trò của người đứng đầu cũng đóng góp vào việc xây dựng một nền văn hóa chính trị mạnh mẽ, nơi mà sự liêm chính, trách nhiệm và cam kết được thể hiện rõ nét. Khi mỗi Ủy viên Trung ương đều ý thức được trách nhiệm của mình, không chỉ trong việc lãnh đạo mà còn trong việc thực thi các nhiệm vụ cụ thể, thì thành công của cuộc cải cách sẽ có nền tảng vững chắc hơn rất nhiều.

Ngoài ra, tôi cũng cho rằng, yếu tố gương mẫu không chỉ là lời nói mà phải đi đôi với hành động cụ thể. Cụ thể, việc giảm biên chế, cải tiến công tác tổ chức, nâng cao hiệu quả công việc phải bắt đầu từ chính những người lãnh đạo cao nhất. Khi họ làm gương, các cấp dưới sẽ dễ dàng nhận thức được rằng cải cách không phải là "chỉ trên giấy" mà là một phần của công việc thực tế hàng ngày.

Loại bỏ những chồng chéo, bất cập đã tồn tại nhiều năm

PV: Một trong những nội dung quan trọng Nghị quyết 18 là nghiên cứu, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối. Theo ông, đây có phải thời điểm chín muồi để thực hiện sáp nhập bộ, ngành có chức năng tương đồng? 

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi cho rằng, việc sáp nhập các bộ, ngành có chức năng tương đồng là một giải pháp quan trọng nhằm tối ưu hóa hiệu quả quản lý nhà nước, tiết kiệm nguồn lực và hiện đại hóa bộ máy hành chính. Nghị quyết 18 đã đặt nền tảng cho sự thay đổi này khi nhấn mạnh đến việc nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn về quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đồng thời đề ra giải pháp kiện toàn tổ chức và thu gọn đầu mối. Điều này cho thấy tầm nhìn dài hạn và quyết tâm cải cách để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Hiện nay, bối cảnh kinh tế - xã hội cùng sự phát triển về cơ sở pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin đã tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quá trình này. Bộ máy hành chính hiện tại vẫn còn tồn tại những điểm bất cập, với tình trạng chồng chéo chức năng giữa các cơ quan và sự lãng phí nguồn lực. Sáp nhập các bộ, ngành có chức năng tương đồng không chỉ giúp khắc phục những hạn chế này mà còn tạo ra sự phối hợp hiệu quả hơn, đảm bảo tính đồng bộ trong quản lý.

Bên cạnh đó, xu hướng quốc tế cũng cho thấy nhiều quốc gia đã thành công trong việc tinh gọn bộ máy, tập trung quản lý đa ngành để nâng cao hiệu quả hoạt động. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình này, đồng thời điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với thực tiễn trong nước.

Tuy nhiên, đây là một quá trình phức tạp, đòi hỏi phải tiếp cận với sự cẩn trọng và bài bản. Việc sáp nhập không nên chỉ dừng lại ở cắt giảm cơ học mà cần bắt đầu từ đánh giá cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, xây dựng khung pháp lý chặt chẽ để tránh chồng chéo hoặc bỏ sót. Thực hiện thí điểm, rút kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch chuyển đổi nhân lực cũng là những bước cần thiết để đảm bảo sự ổn định và hiệu quả sau sáp nhập.

Nhìn chung, tôi cho rằng, thời điểm hiện tại có thể xem là một cơ hội chín muồi để hiện thực hóa mục tiêu này. Sự quyết tâm chính trị từ cấp lãnh đạo cao nhất cùng đồng thuận xã hội sẽ là động lực quan trọng giúp Việt Nam tạo ra một bộ máy hành chính hiện đại, tinh gọn và hiệu quả hơn, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

PV: Ông đánh giá như thế nào về "cuộc cách mạng" sáp nhập, tinh gọn bộ máy này và đâu là yếu tố quan trọng để thực hiện thành công?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Việc Tổng Bí thư Tô Lâm gọi sắp xếp tinh gọn bộ máy là "cuộc cách mạng" không chỉ thể hiện tầm quan trọng mà còn nhấn mạnh sự quyết liệt cần có để thực hiện nhiệm vụ này. Đây thực sự là một thay đổi mang tính đột phá, không chỉ nhằm cải thiện hiệu quả quản lý nhà nước mà còn để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.

Tinh gọn bộ máy không đơn thuần là việc cắt giảm cơ học số lượng cơ quan hay nhân sự mà là tái cấu trúc toàn diện, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, loại bỏ những chồng chéo, bất cập đã tồn tại nhiều năm. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách, tạo ra sự phối hợp nhịp nhàng hơn giữa các cơ quan, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đây là yếu tố sống còn để đáp ứng kỳ vọng của xã hội trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng và chịu áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, để thực hiện thành công "cuộc cách mạng" này, cần tập trung vào một số yếu tố cốt lõi. Trước hết là sự quyết tâm chính trị ở cấp cao nhất. Khi lãnh đạo dám đối diện với thách thức, không ngại thay đổi, thì đó sẽ là động lực lớn nhất để thúc đẩy cải cách. Bên cạnh đó, việc xây dựng một kế hoạch rõ ràng, có lộ trình cụ thể và dựa trên nghiên cứu khoa học là điều không thể thiếu.

Thứ hai, yếu tố nhân sự đóng vai trò quyết định. Đào tạo, chuyển đổi năng lực cho cán bộ để họ thích ứng với cơ cấu mới là một nhiệm vụ quan trọng. Không thể chỉ sáp nhập hay tinh gọn trên danh nghĩa mà bỏ qua vấn đề con người - lực lượng thực thi chính sách.

Thứ ba, sự đồng thuận từ xã hội là điều không thể thiếu. Tôi nghĩ, bất kỳ cuộc cải cách nào cũng cần sự ủng hộ của người dân, bởi đây là đối tượng hưởng lợi cuối cùng từ một bộ máy hành chính hiệu quả. Để làm được điều đó, cần minh bạch hóa thông tin, truyền thông hiệu quả và giải quyết các lo ngại phát sinh.

Cuối cùng, sự thận trọng nhưng quyết liệt trong thực hiện là yếu tố then chốt. Đây là một quá trình phức tạp và dài hạn, cần thử nghiệm, điều chỉnh linh hoạt nhưng không để mất đi mục tiêu lớn. Tôi tin rằng, với tầm nhìn chiến lược và sự lãnh đạo sáng suốt, Việt Nam hoàn toàn có thể biến "cuộc cách mạng" này thành hiện thực, mở ra một chương mới cho quản trị quốc gia.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo VOV

Phân cấp, phân quyền tốt giúp tinh giản biên chế, tinh gọn tổ chức bộ máy 
Nhiều câu chuyện vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước, những bất cập trong việc phân cấp, phân quyền cho thấy cần phải đẩy mạnh cơ chế phân cấp, phân quyền, đi liền với đó là kiểm soát quyền lực.