Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Triển vọng từ mô hình đặc sản gạo Briêt hữu cơ ở huyện biên giới Ea Súp

07:58 25/02/2024 GMT+7
Nỗ lực đổi mới và kiên trì với hành trình phát triển giống lúa gạo Briêt, HTX Giảm nghèo Ea Súp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đã và đang triển khai nhân rộng mô hình sản xuất theo quy trình hữu cơ mang lại giá trị kinh tế cao.

Gia đình ông Hà Văn Tân, ở thôn 11, xã Ya Tờ Mốt là một trong những hộ dân sản xuất thành công giống lúa Briêt đạt chứng nhận hữu cơ đầu tiên của huyện Ea Súp. Ông Hà Văn Tân chia sẻ, sản xuất lúa hữu cơ kỳ công hơn lúa thông thường, phân bón, thuốc trừ sâu phải hoàn toàn bằng sinh học. Đổi lại sức khoẻ cải thiện do không phải tiếp xúc với các hoá chất. Chi phí đầu vào giảm đến 40%, nhưng đầu ra ổn định và giá bán cao gấp 1,5 lần so với giá lúa thông thường.

“Qua quá trình liên kết với hợp tác xã giảm nghèo Ea Súp tạo điều kiện cho gia đình tôi làm lúa hữu cơ Briêt, thứ nhất là bảo vệ môi trường, thứ hai bảo vệ sức khoẻ và thứ 3 nữa đem lại kinh tế cho gia đình. Đến nay, chúng tôi đã làm từ nhỏ đến lớn. Tới đây chúng tôi động viên các gia đình để làm nhiều hơn nữa” - ông Hà Văn Tân nói.

trien vong tu mo hinh dac san gao briet huu co o huyen bien gioi ea sup hinh anh 1

Lúa gạo đặc sản Briêt hữu cơ của HTX Giảm nghèo Ea Súp được doanh nghiệp đặt hàng thu mua ngay từ khi xuống giống

Briêt là loại lúa gạo đặc sản của Tây Nguyên, còn được gọi là gạo lứt đen Briêt. Loại gạo này, có giá trị dinh dưỡng cao, giàu sắt, xơ, vitamin và các chất chống oxy hóa nên ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc HTX Giảm nghèo Ea Súp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk cho biết: Rút kinh nghiệm từ nhiều vụ trước, HTX tiếp tục phối hợp với người dân, lựa chọn khu vực phù hợp gieo trồng giống lúa Briêt. Trong đó, yếu tố về nguồn nước, đất đai, không khí sạch được ưu tiên hàng đầu. Năm ngoái, HTX đã thực hiện thành công mô hình sản xuất lúa Briêt theo quy trình hữu cơ tiêu chuẩn JAS (Nhật Bản) quy mô 3 ha và sản phẩm gạo Briêt đạt Chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục liên kết người dân tăng diện tích trồng lứa hữu cơ, từng bước thay đổi tư duy, cách làm của người dân, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị lúa, gạo địa phương.

“Thứ nhất là chúng tôi tập trung vào những sản phẩm đã đạt chứng nhận hữu cơ đã có thương hiệu. Thứ 2, chúng tôi mở rộng thêm diện tích theo tiêu chuẩn Global GAP để mở rộng diện tích để nhiều nông dân được hưởng lợi hơn” - ông Nguyễn Việt Đức nói.

Theo ông Nguyễn Bá Bân, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Ea Súp, dù diện tích chưa nhiều nhưng sản phẩm gạo Briêt được trao chứng nhận hữu cơ là minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy sản xuất của người nông dân vùng biên giới Ea Súp, nói không với hoá chất, sản xuất thực phẩm sạch. Đồng thời cho thấy, việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hữu cơ của tỉnh Đắk Lắk đang là hướng đi đúng, đem lại giá trị kinh tế cao góp phần thay đổi cuộc sống của bà con vùng biên giới.

“Việc hợp tác xã Giảm nghèo Ea Súp được cấp chứng nhận sản xuất hữu cơ, đó là bước khởi đầu của hướng đến sản xuất hữu cơ. Trong thời gian tới, sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ ngày càng nhiều hơn đem lại sản phẩm đạt chứng nhận của hàng hoá” - ông Nguyễn Bá Bân nói.

Theo VOV