Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

14:52 29/06/2022 GMT+7
Trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã ban hành Công điện số 16/CĐ-QG chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

CẬP NHẬT: Tin áp thấp nhiệt đới và các chỉ đạo ứng phó - Ảnh 1.

Dự báo vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới.

Trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, Hồi 13 giờ ngày 29/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 116,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 480km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 9 khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Đến 13 giờ ngày 30/6, vị trí tâm bão ở khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 115,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 420km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 15,0 đến 19,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 113,0 đến 117,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.  

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 01/7, vị trí tâm bão ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 410km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24-48 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 16,5 đến 21,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 111,5 đến 116,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.  

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 10km và tiếp tục mạnh thêm.

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, sau có khả năng mạnh lên thành bão nên ở vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 3,0-5,0m, biển động mạnh.

Trên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) gió Tây Nam mạnh dần lên cấp 5, sau tăng lên cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2,0-3,0m, biển động.

CẬP NHẬT: Tin áp thấp nhiệt đới và các chỉ đạo ứng phó - Ảnh 2.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động các biện pháp ứng phó.

Công điện 16 chỉ đạo ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai vừa ban hành Công điện số 16/CĐ-QG chỉ đạo ứng phó áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão.

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố; các Bộ, ngành chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Thứ hai, tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tầu thuyền tại bến.

Thứ ba, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.

Thứ tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến áp thấp nhiệt đới để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Thứ năm, Bộ Ngoại giao liên hệ với các quốc gia trong khu vực đề nghị tạo điều kiện cho ngư dân và tàu cá vào tránh trú và hỗ trợ, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.

Thứ sáu, các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Thứ bẩy, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương tăng cường thông tin, truyền thông về diễn biến áp thấp nhiệt đới và công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả.

Thứ tám, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

CẬP NHẬT: Tin áp thấp nhiệt đới và các chỉ đạo ứng phó - Ảnh 3.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai họp giao ban ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông.

Yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện Công điện 16

Sáng ngày 29/6, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đã họp giao ban ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó trưởng ban, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài yêu cầu các tỉnh, thành phố ven biển Quảng Ninh đến Khánh Hòa tổ chức trực ban nghiệm túc theo Công điện số 16/CĐ-QG ngày 29/6.

Ngoài ra, cần chú ý đến các cảnh báo, dự báo tham khảo các đài dự báo của khu vực vì diễn biến của áp thấp nhiệt đới sẽ còn biến động trong vài ngày tới vì vậy cần quan tâm đến việc thông báo tầu thuyền trên biển, liên tục cập nhật tình hình để có phương án chỉ đạo phù hợp.

Trong một vài ngày tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và ảnh hưởng đến tuyến bờ cũng cần phải chú ý đến khu vực dịch vụ, ngành du lịch đang trong mùa cao điểm, kiểm tra các tuyến đê biển trong trường hợp bão đổ bộ kết hợp với kỳ triều cường cũng sẽ gây mất an toàn công trình.

CẬP NHẬT: Tin áp thấp nhiệt đới và các chỉ đạo ứng phó - Ảnh 4.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu

Ngày 28/6, Văn phòng Bộ Công an có Công điện số 06/CĐ-V01 gửi Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (Ban Chỉ huy ƯPT) các đơn vị: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Cục Truyền thông Công an nhân dân; Cục Trang bị và kho vận; Ban Chỉ huy ƯPT Công an các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do vùng áp thấp có khả năng mạnh lên, Văn phòng Bộ Công an (Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA) đề nghị Ban Chỉ huy ƯPT Công an các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai, trong đó tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công an và chính quyền địa phương về công tác ứng phó thiên tai.

Thứ hai, theo dõi sát diễn biến của vùng áp thấp để triển khai các phương án, kế hoạch, lực lượng, phương tiện và điều kiện ứng phó, bảo đảm phát huy vai trò xung kích, tuyến đầu của lực lượng Công an nhân dân trên mặt trận phòng, chống thiên tai. Đảm bảo an ninh, trật tự tại các địa phương, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra thiên tai.

Thứ ba, sẵn sàng lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu của địa phương.

Thứ tư, chủ động các phương án phòng, chống thiên tai trong cơ quan, đơn vị Công an; bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và an toàn trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc, các cơ sở giam giữ của lực lượng Công an nhân dân.

Thứ năm, kịp thời thông tin về hình ảnh, hoạt động của lực lượng Công an nhân dân trong phòng, chống thiên tai. Tổ chức tốt công tác trực ban, trực chỉ huy, bảo đảm quân số sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống thiên tai. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về Văn phòng Bộ (SĐT: 069.2341042, 0913.555.323; Fax: 069.2341044).

Theo Chinhphu.vn