Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Những trường hợp được trợ giúp pháp lý miễn phí

16:06 19/06/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - (Tapchinongthonmoi) - Luật Trợ giúp pháp lý được Quốc hội ban hành ngày 20 tháng 6 năm 2017. Từ khi thực hiện Luật này, nhiều hoạt động trợ giúp pháp lý đã góp phần giải quyết được nhiều vướng mắc cho người dân. Tuy nhiên, hoạt động trợ giúp pháp lý phần lớn mới chỉ được thực hiện trong các buổi tư vấn pháp luật, trong khi còn có những hình thức khác chưa nhiều người biết đến.

Nhiều người đã bỏ mất quyền lợi mà lẽ ra mình được thụ hưởng. Không ít người đã phải chi một khoản tiền đáng kể để thuê luật sư bào chữa, mà không hay biết bản thân thuộc diện được trợ giúp pháp lý miễn phí. Để làm rõ hơn, Tiến sĩ Trần Thị Thu Hà (Giảng viên Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) đã có những giải đáp xung quanh vấn đề này.

Trợ giúp pháp lý có phải trả tiền?

Tôi có một số vướng mắc trong việc phân chia tài sản, nay tôi muốn đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý để nhờ tư vấn. Vậy tôi có phải trả tiền?

 (Hồ Thị Nga, Tuyên Quang)

Theo Điều 2 Luật Trợ giúp pháp lý, “trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, …”. Ngoài ra, Khoản 1 Điều 8 Luật Trợ giúp pháp lý quy định: Quyền của người được trợ giúp pháp lý là: “Được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác”.

Như vậy, nếu bạn thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý, bạn sẽ không phải trả bất kỳ khoản tiền nào cho công việc mà mình yêu cầu trợ giúp pháp lý.

Ai được trợ giúp pháp lý?

Tôi là hộ nông dân, được biết  Trung tâm Trợ giúp pháp lý sẽ giúp đỡ miễn phí, nên tôi đến Trung tâm này nhờ tư vấn, hỗ trợ làm sổ đỏ. Tuy nhiên cán bộ ở đây nói rằng tôi không thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý. Như vậy có đúng không?

(Phạm Văn Hai, Vĩnh Long)

Vì bạn không nói cụ thể nên không thể khẳng định rằng người cán bộ đó trả lời bạn như thế là đúng hay sai. Theo quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý thì những người sau đây được trợ giúp pháp lý:

- Người có công với cách mạng.

- Người thuộc hộ nghèo.

- Trẻ em.

- Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

- Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.

- Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính:

+ Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ;

+ Người nhiễm chất độc da cam;

+ Người cao tuổi;

+ Người khuyết tật;

+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự;

+ Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình;

+ Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người;

+ Người nhiễm HIV.

Bạn hãy đối chiếu với quy định trên để biết mình có thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý hay không.

Luật sư có bảo vệ miễn phí không?

Trong một lần xô xát với người hàng xóm, do nóng giận nên sẵn đòn gánh trên tay, tôi đã vụt ông ấy một gậy. Tôi đã bị truy cứu về tội cố ý gây thương tích. Tôi muốn mời luật sư bảo vệ, nhưng hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, không có tiền trả cho luật sư. Vậy tôi có thể nhờ Trung Tâm trợ giúp pháp lý cử luật sư bào chữa miễn phí được không?

( Trần Văn Bé, Đăk Nông)

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 27 Luật Trợ giúp pháp lý thì tham gia tố tụng là một trong 3 hình thức trợ giúp pháp lý (Tham gia tố tụng; Tư vấn pháp luật; Đại diện ngoài tố tụng).

 Bên cạnh đó, Điều 16 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS 2015) quy định: “Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật này”. Có thể nói đây là nguyên tắc quan trọng đối với chế định trợ giúp pháp lý. Để bảo đảm nguyên tắc này, điểm d khoản 2 Điều 72 BLTTHS 2015 đã quy định: Người bào chữa có thể là: Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý. Ngoài ra khoản 1 Điều 31 Luật Trợ giúp pháp lý còn quy định rõ: “Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này và pháp luật về tố tụng.”

Như vậy nếu bạn thuộc một trong các đối tượng được trợ giúp pháp lý (quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý) thì bạn hoàn toàn có thể yêu cầu Trung tâm trợ giúp pháp lý đó cử luật sư tham gia vụ án của bạn với vai trò là người bào chữa.

Tuy nhiên bạn phải có giấy tờ chứng minh bạn thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý như: Chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo...và thực hiện các nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý được quy định tại Điều 9 Luật Trợ giúp pháp lý, như: Hợp tác, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu, chứng cứ đó…

Thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý?

Được biết Nhà nước có dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí cho người nghèo; tôi là người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn. Tôi muốn được tư vấn về chính sách hỗ trợ của nhà nước thì tôi phải đến đâu? Làm thủ tục gì?

 (Hà A Thắng, Lai Châu)

Theo trình bày của bạn thì bạn thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý. Bạn có thể đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý thuộc sở Tư pháp hoặc Chi nhánh của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nơi bạn cư trú để được yêu cầu trợ giúp pháp lý (thông thường tại các huyện ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giao thông không thuận tiện đều có Chi nhánh này).

    * Về thủ tục: Theo quy định tại Điều 29 Luật Trợ giúp pháp lý thì:

- Khi yêu cầu trợ giúp pháp lý, bạn phải nộp hồ sơ cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, gồm có:

+ Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý;

+ Giấy tờ chứng minh bạn là người được trợ giúp pháp lý

+ Các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.

- Việc nộp hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý được thực hiện như sau:

+ Trường hợp nộp trực tiếp tại trụ sở của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, bạn nộp các giấy tờ, nêu trên; xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.

Trường hợp bạn không thể tự mình viết đơn yêu cầu thì người tiếp nhận yêu cầu có trách nhiệm ghi các nội dung vào mẫu đơn để bạn tự đọc hoặc đọc lại cho bạn nghe và yêu cầu bạn ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn;

+ Trường hợp gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, bạn nộp các giấy tờ, tài liệu nêu trên, bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý;

+ Trường hợp gửi hồ sơ qua fax, hình thức điện tử, khi gặp người thực hiện trợ giúp pháp lý, bạn phải xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.

Cảm ơn Tiến sĩ!

Nguyễn Hiếu (ghi)

*THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 81/2014/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ