Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

T.Ư Hội NDVN tổng kết 3 năm thực hiện Đề án 24: Đa dạng hóa mô hình tập hợp nông dân

21:00 20/06/2019 GMT+7
Trong 2 ngày 19 và 20.6.2019, tại Hưng Yên, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (T.Ư Hội NDVN) đã tổ chức Hội nghị “Tổng kết 3 năm thực hiện Đề án số 24-ĐA/HNDTW ngày 23/6/2016 của Ban Thường vụ Trung ương Hội về xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp”. Đồng

Trong 2 ngày 19 và 20.6.2019, tại Hưng Yên, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (T.Ư Hội NDVN) đã tổ chức Hội nghị “Tổng kết 3 năm thực hiện Đề án số 24-ĐA/HNDTW ngày 23/6/2016 của Ban Thường vụ Trung ương Hội về xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp”.

Đồng chí Thào Xuân  Sùng, Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN chủ trì hội nghị. Đến dự khai mạc hội nghị có đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, đại biểu đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo của các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh Hưng Yên. Tham dự hội nghị có các đồng chí Thường trực T.Ư Hội NDVN, các đồng chí lãnh đạo các ban, đơn vị thuộc T.Ư Hội, các đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch HND các tỉnh, thành phố, các đồng chí trưởng ban Xây dựng Hội hoặc Ban Tổ chức Kiểm tra của các tỉnh, thành Hội trong cả nước, một số chi hội trưởng chi hội nghề nghiệp tiêu biểu.

 

 

Đồng chí Thào Xuân Sùng, Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN phát biểu tại Hội nghị. 

Thảo luận 6 nội dung quan trọng

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Thào Xuân Sùng Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN khẳng định: Tiếp tục thực hiện Kết luận số 62-KL/TW, ngày 08/12/2009 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội; ngày 23/6/2016 Ban Thường vụ Trung ương Hội đã ban hành Đề án số 24-ĐA/HNDTW về xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp nhằm đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động của Hội NDVN, nâng cao vai trò là trung tâm nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, tạo động lực để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của mỗi địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông nghiệp, nông thôn.

“Để có cơ sở lý luận và thực tiễn giúp Ban Chấp hành T.Ư Hội khóa VII ban hành Nghị quyết về xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp vì mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại, tôi đề nghị các đồng chí tập trung thảo luận, phân tích làm rõ những nội dung sau:

Thứ nhất, những kết quả đạt được, những hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm qua ba năm thực hiện Đề án 24 nêu trong báo cáo đã đầy đủ chưa? Cần bổ sung làm rõ những nội dung nào?.

Thứ hai, với 5 nhóm chỉ tiêu cụ thể như vậy đã phù hợp, sát với thực tế chưa? Cao hay thấp? Cần bổ sung thêm, bớt hoặc sửa chi tiêu nào? Phân tích làm rõ lý do?

Thứ ba, với 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp như vậy đã được chưa? Trong từng nhiệm vụ, giải pháp cần bổ sung thêm, bớt hoặc sửa nội dung nào? Tại sao?.

Thứ tư, những vấn đề đặt ra trong thời gian tới mà các cấp Hội cần phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để nhân rộng mô hình chi hội, tổ hợp nghề nghiệp?

Thứ năm, làm thế nào để duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các chi hội, tổ hội nghề nghiệp thiết thực, hiệu quả?

Thứ sáu, làm thế nào để hỗ trợ cho hội viên nông dân nông tham gia chi hội, tổ hội nghề nghiệp về vốn, khoa học kĩ thuật, dạy nghề, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản để nông dân tham gia vào chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản cho hội viên nông dân?” Chủ tịch Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.

Có 683 chi hội và 14.812 tổ hội nghề nghiệp được thành lập

Theo dự thảo Báo cáo trình tại Hội nghị, trong 3 năm (2016-2019) thực hiện Đề án số 24-ĐA/HNDTW các cấp Hội ND đã tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập được 683 chi hội nghề nghiệp và 14.812 tổ hội nghề nghiệp với 195.455 hội viên nông dân tham gia, các chi, tổ hội nghề nghiệp đã kết nạp mới được 25.263 hội viên;  xây dựng được 206 hợp tác xã, 1.690 tổ hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn.

Kết quả xây dựng các chi hội, tổ hội nghề nghiệp góp phần đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động của Hội NDVN, đa dạng hóa mô hình tập hợp nông dân, tạo sự gắn kết giữa các hội viên nông dân với nhau, tăng cường mối liên kết giữa Hội ND với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển theo hướng ra trại, trang trại có quy mô phù hợp, sản xuất hàng hóa lớn; tập trung được nguồn lực đầu tư, tiếp cận được khoa học kĩ thuật mới, tiết kiệm chi phí đầu vào và kiểm soát chất lượng, giá cả đầu vào đầu ra cho các hội viên nông dân; thực hiện liên kết 6 nhà (Nhà nước, Nhà doanh nghiệp, Nhà ngân hàng, Nhà khoa học, Nhà phân phối, Nhà nông ) giúp cho hội viên liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản… góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, giúp hội viên nông dân chủ động hơn trong môi trường cạnh tranh; thúc đẩy việc xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn.

Các đại biểu thăm Mô hình “Chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp góp phần tham gia xây dựng kinh tế tập thể và liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại xã Phạm Ngũ Lão (Kim Động).

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt, Báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế đó là: Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, chưa làm cho cán bộ, hội viên hiểu đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, tác dụng của xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp. Một số nơi lãnh đạo Hội thiếu tâm huyết, trách nhiệm, ngại khó, làm việc thụ động, hành chính, khả năng cụ thể hóa, triển khai thực hiện Đề án hiệu quả chưa cao, chưa quyết liệt, chưa sâu sát trong tổ chức thực hiện, còn trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước và Hội cấp trên. Tính liên kết, phối hợp giữa các chi hội, tổ hội với các doanh nghiệp, nhà khoa học, giữa hội viên trong chi hội, tổ hội nghề nghiệp còn hạn chế nhất là việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, việc tiêu thụ nông sản còn khó khăn. Việc huy động các nguồn lực, kinh phí hỗ trợ cho các chi hội, tổ hội còn hạn chế. Công tác hướng dẫn, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, khen thưởng, nhân rộng mô hình về chi hội, tổ hội hoạt động hiệu quả chưa kịp thời…

4 nhiệm vụ các cấp Hội cần tập trung thực hiện

Trên cơ sở dự thảo Báo cáo, các đại biểu đã tập trung thảo luận dân chủ, tâm huyết tại 5 tổ và những ý kiến tham luận phát biểu tại Hội trường, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, thiết thực, qua đó làm rõ thêm những kết quả đã đạt được, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan trong việc triển khai thực hiện Đề án của các cấp Hội, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp để triển khai có hiệu quả trong thời gian tới.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch Thào Xuân Sùng chỉ đạo: Những kết quả đạt được về xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp của 3 năm qua là quan trọng, phấn khởi, tuy nhiên, mục tiêu, yêu cầu còn lại trong những năm tiếp theo của Đề án còn rất nặng nề; khó khăn, thách thức còn nhiều, vì vậy, đòi hỏi công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp Hội, cần phải được tăng cường quyết liệt và phối hợp đồng bộ hơn nữa; cán bộ, hội viên, nông dân cần tích cực, chủ động chung tay góp sức để Đề án thực hiện hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VII.

“Bên cạnh những nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo và các ý kiến tham gia đóng góp được Hội nghị thảo luận, trên cơ sở các ý kiến tham gia đóng góp của các đại biểu, Ban Thường vụ T.Ư Hội tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện văn bản để ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án. Tôi xin nhấn mạnh một số nhiệm vụ đề nghị các cấp Hội tập trung thực hiện trong thời gian tới:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền mô hình chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp trong toàn hệ thống Hội, trọng tâm là mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp theo hướng giải quyết tốt lợi ích thiết thực của hội viên, nông dân nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác nông vận, vận động hội viên, nông dân phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

Tiến hành sơ, tổng kết hằng năm để đánh giá sâu sắc, toàn diện thực trạng triển khai Đề án, rút ra những bài học kinh nghiệm để từ đó xác định nhiệm vụ và giải pháp cơ bản cho thời gian tới.

Hai là, các cấp Hội tích cực, chủ động tham mưu, bám sát, tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy, sự tạo điều kiện của các cấp chính quyền, sự phối hợp của các sở, ngành để tạo cơ chế, chính sách, tạo điều kiện, nguồn lực để các chi, tổ hội nghề nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Ba là, lấy hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có uy tín làm nòng cốt để xây dựng các chi hội, tổ hội nghề nghiệp và thúc đẩy xây dựng các mô hình kinh tế tập thể như tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng trong việc đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Duy trì và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, thông tin thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các chi hội, tổ hội nghề nghiệp.

Bốn là, phát triển và nâng cao chất lượng cán bộ, hội viên cơ sở, trọng tâm là các chi hội, tổ hội trưởng nghề nghiệp, để các chi, tổ hội trưởng có năng lực quản lý và kỹ năng sản xuất chuyên nghiệp trong quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”.

Trước đó, ngày 19/6, đồng chí Thào Xuân  Sùng, Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN cùng các đại biểu đã đến dâng hương tại Đền thờ Danh nhân Hoàng Hoa Thám người anh hùng áo vải, lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Đến thăm Mô hình “Chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp góp phần tham gia xây dựng kinh tế tập thể và liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại xã Phạm Ngũ Lão (Kim Động).

Hải Quỳnh