Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

UNFPA trao 3.700 bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp cho phụ nữ Việt Nam có nguy cơ bị bạo lực trong bối cảnh COVID-19

17:04 02/11/2020 GMT+7
Ngày 2.11.2020, tại Trụ sở Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN), Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã trao 3.700 bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp và tài liệu truyền thông nhằm hỗ trợ Việt Nam phòng, chống bạo lực giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Bộ

Ngày 2.11.2020, tại Trụ sở Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN), Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã trao 3.700 bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp và tài liệu truyền thông nhằm hỗ trợ Việt Nam phòng, chống bạo lực giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp sẽ được phân phát tới những phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực cao, cụ thể trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thông qua các cơ quan trung ương và địa phương trong khuôn khổ hoạt động hỗ trợ nhân đạo.

Đồng chí Thào Xuân Sùng – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn,Chủ tịch Trung ương Hội NDVN trao đổi với bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam.

Buổi lễ có sự tham dự của đồng chí Thào Xuân Sùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cùng các đồng chí Phó Chủ tịch, lãnh đạo một số ban, đơn vị của Trung ương Hội NDVN; bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam và các thành viên đoàn công tác của UNFPA.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Thào Xuân Sùng – Chủ tịch Trung ương Hội NDVN bày tỏ sự cảm ơn đối với những đóng góp, hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam từ năm 1993 đến nay, đặc biệt là sự trợ giúp cho phụ nữ nông dân, trẻ em gái vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương trước dịch bệnh, thiên tai.

“Trong những đợt trực tiếp đi cứu trợ cho đồng bào mới đây, tôi vô cùng xúc động khi chứng kiến những người mẹ đã không còn nước mắt khóc cho người thân bị thiệt mạng, nhà cửa, tài sản bị mất trong đợt bão lũ lịch sử tại miền Trung vừa qua, trong khi họ đang gặp những khó khăn nhất định trong cuộc sống do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19. Tôi bày tỏ sự cảm ơn trước những chia sẻ, hỗ trợ kịp thời của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam và mong muốn tới đây, Hội NDVN, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và UNFPA bằng kinh nghiệm của mình tiếp tục có những hoạt động thiết thực để bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái Việt Nam trước những thách thức của dịch bệnh, thiên tai”, đồng chí Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.

Đồng chí Thào Xuân Sùng – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn,Chủ tịch Trung ương Hội NDVN phát biểu tại buổi lễ.

UNFPA là một cơ quan của Liên Hợp quốc hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản. Sứ mệnh của chúng tôi là vì một thế giới không còn trường hợp mang thai ngoài ý muốn, nơi mọi ca sinh nở đều được an toàn và mọi thanh thiếu niên đều được phát triển hết tiềm năng của mình.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ các can thiệp nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam trong bối cảnh khẩn cấp của đại dịch COVID-19” do Chính phủ Australia (Bộ Ngoại giao và Thương mại – DFAT) tài trợ.

Tại lễ tiếp nhận, 2.800 bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp đã được bàn giao cho Hội Nông dân Việt Nam. Những bộ đồ dùng này sẽ được chuyển đến những phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực tại Đà Nẵng. Còn lại 900 bộ đồ dùng đã được chuyển đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để bàn giao cho 17 trung tâm công tác xã hội trên khắp cả nước và Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) để chuyển đến cộng đồng và Ngôi nhà Ánh Dương cho nạn nhân bị bạo lực giới tại tỉnh Quảng Ninh.

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là một trong những hành vi vi phạm nhân quyền phổ biến nhất trên thế giới hiện nay, gây ra hậu quả lớn đối với nạn nhân, gia đình và cộng đồng. Theo Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, cứ 3 phụ nữ đã kết hôn thì có gần 2 người (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra, và gần 32% bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua). Khoảng 48% phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai và 90,4% không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền. Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gây ra cho nền kinh tế Việt Nam tương đương với 1,8% GDP vào năm 2018.

Khủng hoảng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đã tồn tại từ trước, song càng diễn biến nghiêm trọng hơn trong bối cảnh COVID-19. Các báo cáo gần đây cho thấy hạn chế đi lại, cách ly xã hội và các biện pháp kiểm soát dịch khác, cùng với những áp lực, căng thẳng kinh tế – xã hội vốn có hoặc gia tăng trong gia đình, đã khiến bạo lực gia tăng, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Theo ước tính, bạo lực gia đình đã gia tăng ít nhất 30% tại nhiều quốc gia.

Bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp là nét đặc trưng trong gói hỗ trợ nhân đạo toàn diện của UNFPA nhằm bảo vệ sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản cũng như quyền của phụ nữ và trẻ em gái, giảm thiểu rủi ro bạo lực giới, đồng thời ứng phó và bảo vệ nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng tiêu cực do khủng hoảng. Bao gồm những vật dụng cơ bản mà phụ nữ và trẻ em gái cần dùng để bảo vệ bản thân và giữ gìn vệ sinh cá nhân, lòng tự trọng và nhân phẩm trong khủng hoảng.

Bà Naomi Kitahara,Trưởng đại diện của UNFPA tại Việt Nam trao phần quà tượng trưng cho Hội NDVN.

Cũng tại buổi lễ, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện của UNFPA tại Việt Nam cho biết: “UNFPA kêu gọi Chính phủ và các đối tác coi vấn đề sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản của phụ nữ và trẻ em gái là ưu tiên, giải quyết nguy cơ cao về bạo lực giới, đáp ứng kịp thời nhu cầu đặc thù của phụ nữ và trẻ em gái. Chúng tôi đã kêu gọi khoản tài trợ trị giá 150.000 Euro để hỗ trợ cho người dân đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và thiên tai tại Việt Nam và tiếp tục kêu gọi tài trợ thêm trong thời gian tới”.

Đồng chí Thào Xuân Sùng – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn,Chủ tịch Trung ương Hội NDVN trao quà kỷ niệm cho bà Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện của UNFPA tại Việt Nam.

Bà Naomi Kitahara cũng chia sẻ thêm: “Hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng nhân đạo là hành động không chỉ đúng đắn, mà còn sáng suốt, giúp cứu sống mạng người và xây dựng sức chống chịu để COVID-19 không tái ảnh hưởng đến nhóm dân số và cộng đồng dễ bị tổn thương trên toàn cầu. Các nhân viên y tế tuyến đầu cũng phải được bảo vệ trước COVID-19 và trang bị bảo hộ cá nhân để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 và tiếp tục cung cấp các dịch vụ thiết yếu”.

Tin, ảnh: Chu Hồng Châu