Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Vấn nạn ‘tin giả’ và nguy cơ từ mạng xã hội

21:09 26/12/2017 GMT+7

Năm 2017 có số lượng phóng viên báo chí bị xử lý hình sự, bị bắt quả tang khi đang nhận tiền, khi vòi vĩnh… nhiều hơn mọi năm. Điều này làm cho những người làm báo chân chính rất đau lòng và cũng đặt ra đòi hỏi trong làng báo phải đấu tranh với nhau, không để những “con sâu làm rầu nồi canh”, không để điều này làm cho hình ảnh báo chí xấu đi trong mắt xã hội. 

Quang cảnh hội nghị.

Đó là nhận định của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 tổ chức tại TP.HCM ngày 26/12.

Đồng chí Võ Văn Thưởng đánh giá: Trong năm 2017, hoạt động báo chí trong nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là việc thông tin, phản ánh toàn diện và kịp thời các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội; tham gia tích cực vào các hoạt động đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; đấu tranh bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia.

“Có những Nhà báo đã phải hy sinh cả mạng sống của mình, vượt qua sự đe dọa của các thế lực xấu, vượt qua sự đối xử không công bằng của các cơ quan chức năng, thậm chí là cả sự đố kỵ của chính tập thể mà mình công tác… để hoàn thành sứ mệnh của người cầm bút chân chính”, đồng chí Võ Văn Thưởng nhận xét.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, hoạt động báo chí vẫn còn những tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục. Biểu hiện rõ nhất là xa rời tôn chỉ mục đích, vi phạm giấy phép hoạt động, nhất là ở một số báo, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử. Khuynh hướng giật gân câu khách, thông tin thiếu nhạy cảm chính trị, dễ dãi trong trích nguồn, hiện tượng xào lại tin, bài của báo khác… tương đối phổ biến. Điển hình là sự việc 59 tờ báo mới đây đã thông tin sai sự thật về việc khởi tố nguyên lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Báo cáo trước hội nghị, đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ ra rằng, còn nhiều mặt hạn chế trong hoạt động báo chí năm 2017. Đó là tình trạng đăng tải quá nhiều thông tin về mặt trái của xã hội; tác nghiệp còn sơ suất, thiếu sót, lỏng lẻo, chưa kiểm soát được hoàn toàn nội dung bình luận. Một số người làm báo lợi dụng mạng xã hội bày tỏ quan điểm đi ngược với quan điểm của báo, ảnh hưởng đến hình ảnh của cơ quan báo chí.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, thông tin trên báo chí chậm hơn mạng xã hội trong nhiều vấn đề quan trọng của đất nước và xã hội. Tình trạng “đánh hội đồng”, kết án vụ việc, hiện tượng mà không suy xét đến các quy định của pháp luật, tình trạng “suy đoán có tội” gây thiệt hại lớn cho cá nhân, tổ chức.

Bên cạnh đó, xu hướng gia tăng tình trạng “báo hóa” các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử. Nhiều trang thông tin điện tử còn tự sản xuất, cập nhật tin, bài như báo điện tử; cố tình mập mờ giữa trang thông tin điện tử tổng hợp – báo điện tử – tạp chí điện tử bằng cách sử dụng những từ ngữ dễ gây hiểu nhầm cho độc giả trên tiêu đề trang chủ như News, Tin tức… Trang thông tin điện tử của doanh nghiệp nhưng có tên miền dễ gây hiểu nhầm là trang tin của cơ quan báo chí, cơ quan nhà nước.

Trình bày tham luận trước hội nghị, ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cũng nêu lên những nguy cơ to lớn từ vấn nạn “tin giả”. Trong bối cảnh “tin giả” xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, việc kiểm chứng thông tin trên báo chí lại đang trở nên lỏng lẻo. Thậm chí một số tòa soạn còn áp dụng cách làm nguy hiểm là “đăng tải trước, chỉnh sửa sau nếu cần thiết”. Điều này đã làm giảm sút sự tín nhiệm của công chúng đối với báo chí.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Trong năm 2018, với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội, các thế lực thù địch luôn tận dụng tối đa các mặt công tác còn yếu kém, hạn chế để xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá. Do đó, người làm báo cần có sự tự tin rất lớn, tự tin về đường lối, tự tin về lý tưởng, tự tin với sự chỉ đạo trong thực hiện các Nghị quyết Trung ương.

“Thông tin tốt sẽ mang tới nhận thức tốt cho người đọc”, đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu. Theo đó, người làm báo cần tỉnh táo, xác minh thông tin để tránh “tin giả”, qua đó giúp công chúng báo chí có nhận thức tốt.

Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng chỉ đạo các cơ quan quản lý báo chí cần phát hiện, kiên quyết xử lý xu hướng báo hóa của các tạp chí điện tử, thu hồi giấy phép hoạt động của các cơ quan báo chí vi phạm, thu hồi thẻ nhà báo đối với các nhà báo có hành vi, biểu hiện tha hóa, biến chất. Rà soát, thu hồi và cấp phát lại tên miền đối với những tên miền không phù hợp.

Hiện cả nước có 849 cơ quan báo, tạp chí in, trong đó có 185 báo, 664 tạp chí. Có 195 cơ quan báo chí điện tử đã được cấp phép. Có 178 giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp. Cả nước còn có 67 đài phát thanh, truyền hình. Tính đến tháng 11-2017, cả nước có hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ.

PV