Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Vay tiền rồi trốn liệu có bị khởi tố?

07:39 24/04/2023 GMT+7
Pháp luật xử lý hành vi vay tiền rồi bỏ trốn như thế nào? Người có hành vi trốn nợ có bị xử lý hình sự không?
Ảnh minh họa.

Vay tiền là giao dịch dân sự phổ biến diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, không ít trường hợp xảy ra tình trạng người có nghĩa vụ trả tiền đã có hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ của mình.

Dấu hiệu của hành vi trốn nợ là gì?

Hành vi trốn nợ là một bên chủ thể thực hiện hành vi vay tiền của tổ chức, cá nhân khác nhưng đã gặp một số yếu tố tác động tới tình hình tài chính của bên chủ thể đi vay (như làm ăn thua lỗ, phá sản hoặc do người vay cố tình không trả) khiến cho bên có nghĩa vụ trả nợ mất khả năng thanh toán hoặc trốn tránh thực hiện nghĩa vụ trả nợ với bên cho vay.

Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi trốn nợ là gì?

Luật sư trả lời: Vay tiền là giao dịch dân sự bình thường được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, đối với hành vi trốn nợ thì tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi mà có thể chịu trách nhiệm dân sự hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Trường hợp giải quyết tranh chấp dân sự:

Bên vay không trả nợ do không có khả năng chi trả, không có dấu hiệu bỏ trốn hay dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản thì đây sẽ là tranh chấp thuộc lĩnh vực dân sự. Cụ thể là tranh chấp giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự theo khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Để đòi lại được tiền, bên cho vay có thể khởi kiện tại Tòa án dân sự để yêu cầu Toà án buộc bên vay phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

- Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

Sau khi được vay (có được tài sản) thì người vay nảy sinh ý thức chiếm đoạt tài sản. Điều này có thể biểu hiện qua việc: bên vay có khả năng trả nợ nhưng cố tình không trả, dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Đối với người thực hiện hành vi như trên có thể bị xử lý về “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Tùy thuộc vào giá trị tài sản, các tình tiết tăng nặng mà người phạm tội trên có thể bị phạt tù lên đến 20 năm.

Tùy vào tính chất, mức độ hành vi của người vay tiền rồi bỏ trốn để có hình thức xử lý phù hợp theo pháp luật dân sự hay pháp luật hình sự đối với người có hành vi vi phạm.

Theo VOV

TỪ KHÓA #trốn nợ #vay nợ