Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Vỡ đập thủy điện ở Lào: Lời cảnh báo cho Việt Nam?

22:30 27/07/2018 GMT+7

Cơ quan chức năng đưa ra nhận định ban đầu là sự cố vỡ đập ở Lào ít tác động đến Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), mực nước dâng ở khu vực này chỉ khoảng 5 – 10cm. Tuy nhiên, sự cố vỡ đập ở Lào là bài học lớn cho Việt Nam, trong đó cần tổng rà soát đánh giá các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trước mùa mưa lũ.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp khẩn liên quan đến vụ việc vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy ở tỉnh Attapeu, Đông Nam Lào và những tác động tới Việt Nam để đưa ra những giải pháp ứng phó.

Có tác động tới Việt Nam?

Trước lo lắng việc vỡ đập thủy điện ở Lào có nguy cơ ảnh hưởng tới Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hải – Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, cho biết ngay sau khi nhận thông tin sự cố ở Lào, các cơ quan đã tính toán và đưa ra nhận định ban đầu là sự cố vỡ đập ở Lào ít tác động đến ĐBSCL. Mực nước dâng ở khu vực này khoảng 5 – 10cm. Theo tính toán, sau 4 – 5 ngày, lượng nước từ đập vỡ ở Lào sẽ về đến các tỉnh ĐBSCL.

“Khi biết đập thủy điện bên Lào bị vỡ, Tổng cục Thủy lợi có giao cho các cơ quan liên quan tính toán mức độ ảnh hưởng của nước lũ bên Lào tới vùng ĐBSCL”, Ông Nguyễn Văn Tỉnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, thông tin thêm.

Theo tính toán ban đầu của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, đến ngày 27/7, khả năng mực nước tại huyện Tân Châu và Châu Đốc (An Giang) sẽ tăng lên so với bình thường là 3 – 5cm.

Vỡ đập thủy điện Lào: Từ vết nứt trên đập đến biển nước nhấn chìm tất cả

“Với thông tin như vậy, có thể nói ảnh hưởng không đáng kể đối với ĐBSCL, đặc biệt tới vụ Hè Thu năm nay. Tuy nhiên, đây mới chỉ là tính toán ban đầu, chúng tôi đang tích cực phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan để có những thông tin chính xác về vấn đề này”, ông Tỉnh cho biết.

Hơn nữa, điều ông Tỉnh lo ngại nhất là vừa qua, những đợt mưa lũ đã ảnh hưởng lớn đến các tỉnh vùng núi phía Bắc, đặc biệt những tỉnh Bắc Trung bộ.

Hiện nay, các hồ chứa thủy lợi nhỏ cơ bản đã đầy nước. Trong khi đó, các hồ này đã được xây dựng cách đây khoảng 30 – 40 năm, công nghệ lạc hậu, năng lực quản lý yếu kém… đang là nguy cơ dẫn tới mất an toàn hồ đập.

Theo thống kê, có tổng số trên 1.200 hồ chứa nước xung yếu, nhưng hiện nay có gần 700 hồ chưa được bố trí vốn để sửa chữa, nâng cấp.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá thiên tai hiện nay đang rất cực đoan, thường sau các đợt nắng nóng là mưa lớn. Chúng ta có thể khẳng định mưa lớn trên toàn vùng, khiến 110 người chết. Nguy hiểm hơn, tất cả rừng và đất rừng ở nước ta đã no nước, bất kỳ chỗ nào có mưa 100 – 150mm đều gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Đặc biệt, hiện nay nhiều thiết chế hạ tầng quá tải, nhất là hơn 1.000 hồ chứa thủy lợi xuống cấp nghiêm trọng chưa được sửa chữa. Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến một loạt đê cấp 1, 2, 3 tổn thương ghê gớm như vậy, ẩn họa khôn lường.

Tổng rà soát hồ thủy điện, thủy lợi

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo, nếu không khẩn trương củng cố lại hạ tầng và các giải pháp thì sẽ dẫn tới hậu quả nặng nề. Cụ thể, hiện cả nước có 6.648 hồ chứa thủy lợi các loại, trong đó 366 hồ xung yếu cần quan tâm trong mùa mưa, lũ năm 2018. Cần đẩy nhanh tiến độ khắc phục sự cố hồ chứa xung yếu. Đồng thời, kiểm tra, đánh giá phương án bảo đảm vận hành và an toàn hệ thống hồ chứa thủy điện.

Trong thời gian vừa qua, hai hồ chứa lớn đã phải vận hành xả đáy để điều tiết lũ là hồ Sơn La, Hòa Bình (Hòa Bình thời điểm mở lớn nhất 4 cửa, hiện vẫn duy trì mở một cửa). Hiện trên cả nước có khoảng 485 hồ chứa khai thác thủy điện đang vận hành, trong đó có 38 hồ chứa do EVN quản lý. Liên quan tới hồ thủy điện, đại diện Bộ Công Thương vừa cho biết đang thành lập đoàn đi kiểm tra các hồ chứa thủy điện trên cả nước.

Thủy điện Hòa Bình xã lũ

Ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, khuyến nghị trước tình hình mưa lũ kéo dài, cơ quan chức năng cần phải kiểm tra và đánh giá mức an toàn của tất cả các đập thủy điện trên toàn vùng, từ đó đề ra các giải pháp phù hợp bảo đảm an toàn cho từng hồ đập.

“Việc kiểm tra, đánh giá an toàn hồ đập thủy điện cần xem xét ở tất cả các khâu từ quy hoạch, thiết kế, thi công, hiện trạng công trình và quy trình vận hành của công trình, nhất là với hệ thống thủy điện bậc thang”, ông Ngãi nhấn mạnh.

“Sự cố vỡ đập ở Lào là bài học lớn cho Việt Nam. Chúng ta cần tổng rà soát đánh giá các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trước mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, tính toán quan trắc để có thông tin chính xác về lượng mưa, lượng nước. Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai sẽ cùng các địa phương tiếp tục rà soát một lần nữa toàn bộ hệ thống hồ chứa thủy điện, thủy lợi để đánh giá kỹ lưỡng an toàn hồ chứa, đập thủy điện để có giải pháp ứng phó kịp thời”, Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai Nguyễn Văn Hải nhấn mạnh.

Thy Lê