Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Vun đắp đạo lý “thương người như thể thương thân” của người Việt tại Đức

16:49 03/05/2020 GMT+7
Dù đã chuẩn bị khá chu đáo trong phòng chống dịch Covid – 19, nhưng nước Đức vẫn gặp phải những tình huống phát sinh không lường trước như thiếu khẩu trang. Vì thế nhiều bệnh viện, nhà điều dưỡng, các trung tâm y tế… tại Đức đã kêu gọi cộng đồng hỗ trợ khẩu

Dù đã chuẩn bị khá chu đáo trong phòng chống dịch Covid – 19, nhưng nước Đức vẫn gặp phải những tình huống phát sinh không lường trước như thiếu khẩu trang. Vì thế nhiều bệnh viện, nhà điều dưỡng, các trung tâm y tế… tại Đức đã kêu gọi cộng đồng hỗ trợ khẩu trang. Phong trào may tặng khẩu trang phòng dịch Covid-19 là hoạt động ý nghĩa và nhân văn được cộng đồng người Việt tại Đức thực hiện.

Chung tay đẩy lùi dịch Covid -19 và tri ân quê hương thứ 2
Một trong những hoạt động đang được triển khai rất tích cực, thu hút sự quan tâm và chung tay của đông đảo người Việt ở Đức hiện nay là phong trào quyên góp, mua, may khẩu trang (cả khẩu trang y tế và khẩu trang thường) để cung cấp cho cộng đồng người Việt, và trao tặng cho các bệnh viện, cơ sở y tế, nhà dưỡng lão… ở Đức.
Việc may khẩu trang chống dịch ban đầu xuất hiện lẻ tẻ trong cộng đồng người Việt nhưng sau đó đã được một số cá nhân và tổ chức đứng lên kêu gọi và trở thành phong trào tương đối rầm rộ, đặc biệt tại một số tỉnh và thành phố phía Đông nước Đức.
Thủ đô Berlin là nơi phong trào may khẩu trang và quyên góp các thiết bị y tế của cộng đồng người Việt nhằm ủng hộ các bệnh viện, nhà dưỡng lão, trung tâm y tế diễn ra rầm rộ nhất, phong phú nhất cả về số lượng và hình thức.
Gia đình ông Phúc Hải cùng nhóm Phật tử chùa Phổ Đà (TP. Berlin) gồm các cô, các chị Chu Thị Bích Ngọc, Vũ Thúy Hiền, Phạm Thị Thanh Hiền, Hoàng Văn Tĩnh, Trần Hảo, Ngọc Thiện… đã bắt đầu may khẩu trang từ ngày 23.3 đến nay. Liên tục từ thứ 2 đến thứ 7, bắt đầu từ 9 giờ sáng đến 18 giờ hàng ngày, nhóm phật tử may khẩu trang làm từ thiện tại địa chỉ Änderungschneiderei, Mainzer Straße 01, 10247 Berlin.

Cô Phạm Thị Thanh Hiền (bên trái) cùng các thành viên của nhóm Phật tử chùa Phổ Đà may khẩu trang giúp đỡ cộng đồng tại Đức phòng chống dịch Covid -19. 

Bằng sự cố gắng hết mình để tri ân đến nước Đức quê hương thứ 2 , nhóm phải cố gắng đi mua vải và phụ liệu dù nước Đức đã bắt đóng cửa gần hết các cửa hàng. Đồng thời kêu gọi cộng đồng người Việt Nam và Đức hỗ trợ thêm vải nếu họ có mà chưa dùng tới.
Tính đến nay nhóm đã may được hơn 5.000 chiếc khẩu trang vải và đã bàn giao cho bệnh viện Charite – là bệnh viện lớn nhất của TP. Berlin, hay bệnh viện KEH, CPC và Công ty Combe Anlagenbau, Bệnh viện Elisabeth.. và giao rất nhiều cho Trung tâm AWO là tổ chức từ thiện của TP. Berlin, từ đây các khẩu trang đã được gửi đến cho các viện dưỡng lão.
Cô Phạm Thị Thanh Hiền – một thành viên của nhóm may khẩu trang từ thiện chùa Phổ Đà chia sẻ: “Tôi cùng với các anh, các chị Phật tử trong chùa Phổ Đà nghĩ rằng trong mùa dịch này mỗi người chỉ cần chung tay một chút, tranh thủ những ngày nghỉ đến đây cùng may khẩu trang tặng cho mọi người trong bệnh viện, các trại dưỡng lão và bà con Việt Nam sinh sống tại Berlin cũng như ở các khu vực khác trên nước Đức – những người gặp khó khăn khi mua khẩu trang phòng dịch”.

Ông Phúc Hải và nhóm Phật tử chùa Phổ Đà (Berlin) đang khẩn trương may nhiều khẩu trang để giúp đỡ cộng đồng.

Nêu cao tinh thần “Tương thân tương ái” của người Việt
Phong trào may khẩu trang từ thiện còn có sự tham gia của các doanh nghiệp của Trung tâm Thương mại Đồng Xuân và Hội Phụ nữ Đồng Xuân tại Đức với số người tham gia đông đảo. Ngay từ những ngày đầu dịch khởi phát, 1.000 chiếc khẩu trang y tế và 30 hộp thuốc khử trùng đã được trao tặng cho Quận Lichtenberg. Bà Emmrich – nguyên Chủ tịch Quận Lichtenberg đã tiếp nhận và gửi lời cảm ơn món quà vừa tình nghĩa, vừa rất thiết thực này. Theo bà, số khẩu trang và thuốc khử trùng sẽ được Quận gửi tới bệnh viện, cùng các đội cứu thương, cứu hỏa và cảnh sát đang làm nhiệm vụ.
Nơi khởi phát đầu tiên của phong trào may khẩu trang phòng dịch Covid-19 là ở vùng Dresden. Riêng Hội Văn hoá Việt Nam đã mở đầu phong trào bằng việc tặng 2.000 khẩu trang cho bệnh viện Vincentius.
CLB Phụ nữ thành phố Dresden và vùng lân cận đã có những hành động chia sẻ vô cùng thiết thực và ý nghĩa. Các hoạt động của CLB đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, cùng chung tay đóng góp của đông đảo người Việt tại thành phố Dresden và vùng lân cận. Trong những ngày đầu tiên khi chưa quyên góp được tiền mua vải may khẩu trang, CLB đã kêu gọi các thành viên và nhà hảo tâm đóng góp các vật dụng chưa dùng đến như vỏ chăn ga giường, vải cotton… từ bà con cộng đồng người Việt. Các thành viên trong CLB, người góp máy móc, người bỏ công sức, thời gian… Dưới bàn tay khéo kéo của những thành viên, những vật dụng hàng ngày đó đã được “biến hoá” thành những chiếc khẩu trang đa dạng mẫu mã nhưng vẫn đảm bảo đúng về chất lượng, kích cỡ. Công việc sản xuất diễn ra rất khẩn trương, trong bầu không khí thân thiện vui vẻ. Sau mỗi ngày, các sản phẩm khẩu trang được gửi tới bà con trong cộng đồng, đồng thời chuyển đến các bệnh viện, nhà dưỡng lão, trung tâm điều dưỡng, các cơ quan và người dân Đức…
Tại thành phố biển Rostock, Ban liên lạc lớp Doanh nghiệp Rostock kêu gọi quyên góp và may khẩu trang từ thiện. Từ đầu tháng 4.2020, Ban liên lạc cùng với đại diện các cơ sở may, các nhà tài trợ đã trao 2.500 chiếc khẩu trang đầu tiên cho bệnh viện Klinikum Südstadt. Ông Steffen Vollrath, Giám đốc bệnh viện rất xúc động trước món quà ý nghĩa này và đánh giá cao tấm lòng đầy sẻ chia của cộng đồng người Việt.

Ông Phúc Hải – Trưởng nhóm Phật tử chùa Phổ Đà tâm sự: “Chúng tôi bày tỏ lòng tri ân tới nước Đức – quê hương thứ hai của chúng tôi – bằng những việc làm thiết thực. Tuy mệt nhọc, nhưng với tất cả từ trái tim, chúng tôi làm việc thiện nguyện để cho ra nhiều sản phẩm nhất có thể. Thật vui khi chúng tôi được góp phần cùng toàn xã hội đẩy lùi dịch bệnh. Nhóm may đã nhận rất nhiều lời cảm ơn của các đơn vị, cá nhân được hỗ trợ, họ rất xúc động khi không thể mua được khẩu trang vì không có nơi nào bán”.

Hưng Nguyễn (từ Berlin, CHLB Đức)