Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Phân bón Việt Nam bất ngờ tăng mạnh ở thị trường xuất khẩu

Mai Phương - 15:39 17/07/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sau một năm lao dốc, nhiều doanh nghiệp trong ngành Phân bón Việt Nam đã thông báo kết quả kinh doanh với con số ấn tượng.
Xuất khẩu phân bón của Việt Nam ra nước ngoài có tín hiệu khởi sắc trong năm 2024

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6, xuất khẩu phân bón của Việt Nam bất ngờ tăng mạnh. Theo đó, Việt Nam đã xuất gần 173.000 tấn phân bón các loại (tăng 77,8% so với cùng kỳ năm ngoái), đạt 64,26 triệu USD (tăng 55,2%).

Tính chung nửa đầu năm, cả nước xuất khẩu hơn 900.000 tấn phân bón các loại, tương đương hơn 360 triệu USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái; nhiều doanh nghiệp lãi đậm.

Thị trường nhập khẩu phân bón nhiều nhất của Việt Nam là thị trường Campuchia. Riêng thị trường này đã chiếm 27,7% trong tổng khối lượng, tiếp đến là Hàn Quốc chiếm gần 11% và Malaysia chiếm 6,7%.

Sau một năm lao dốc xuất khẩu phân bón nước ta đã có khởi sắc, nhiều doanh nghiệp trong ngành Phân bón vừa công bố kết quả kinh doanh với những con số ấn tượng. Theo báo cáo tổng sản lượng tiêu thụ kinh doanh phân bón và hoá chất của các công ty như: Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem); CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Supe Lâm Thao, mã LAS); CTCP Phân lân Ninh Bình (mã NFC) đều ghi nhận doanh thu đạt và cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, PVFCCo sản xuất khoảng 553.000 tấn phân bón và hóa chất, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. PVFCCo cũng đạt tăng trưởng ấn tượng trong xuất khẩu, với sản lượng xuất khẩu urê đạt gần 100.000 tấn, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023, giá xuất khẩu ure bình quân của PVFCCo cũng tăng hơn 8% so với năm 2023.

Trong 6 tháng cuối năm, PVFCCo sẽ cung ứng khoảng trên 650.000 tấn phân bón và hóa chất các loại. Kế hoạch năm 2024, PVFCCo đặt mục tiêu doanh thu 12.755 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 660 tỷ đồng.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, trong nửa đầu năm nay, doanh thu ước đạt gần 29.600 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận Vinachem ước đạt 815 tỷ đồng. Trong đó, một số đơn vị trong tập đoàn có lãi tăng đột biến như Công ty Cổ phần DAP - Vinachem tăng gấp 46 lần, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền tăng gấp 5 lần, Công ty Cổ phần Phân bón và hóa chất Cần Thơ tăng gấp 4 lần...

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, dự kiến thị trường phân u-rê thế giới sẽ sôi động hơn từ nửa cuối năm nay khi các nhà tiêu thụ lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Brazil và châu Âu đồng loạt quay trở lại đấu thầu.

Năm nay các doanh nghiệp ngành Phân bón, hóa chất có sự bứt phá mạnh khi giá phân u-rê đã tăng trưởng mạnh trong thời gian qua và có thể tiếp tục tăng trong các tháng tới, do tác động từ việc hạn chế nguồn cung của Nga và Trung Quốc.

Thu 51,5 triệu USD từ bán tín chỉ carbon: Cơ hội lớn chuyển đổi sản xuất xanh
Mới đây Việt Nam chính thức thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) bán 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng từ Ngân hàng thế giới (WorldBank). Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản chi trả này, mở ra cơ hội lớn cho các hoạt động chuyển đổi sản xuất xanh.