Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

`Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số”

Bảo Minh - 14:02 02/12/2021 GMT+7
Đó là ý kiến của ông Lương Quốc Đoàn - Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VI với chủ đề: "Nông dân với chuyển đổi số Nông nghiệp" diễn ra vào sáng ngày 2/12 tại Hà Nội.

Việt Nam - một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Lương Quốc Đoàn – Uỷ viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN nhận định: “Hiện nay Kinh tế số đang là xu thế tất yếu của thời đại, được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu, ứng dụng và phát triển. Đặc biệt, dưới tác động của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số đã không còn là giải pháp lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia và từng lĩnh vực, từng người dân. Đại hội XIII của Đảng đề cao ý chí, khát vọng phát triển đất nước, để đến năm 2025 đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, và đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Trong đó chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số là một trong những biểu hiện cụ thể thể hiện ý chí, khát vọng phát triển đất nước”.

Ông Lương Quốc Đoàn – Uỷ viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN phát biểu khai mạc Diễn đàn. 

Thống kê cho thấy, đến tháng 11/2021 đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử và hàng nghìn giao dịch điện tử đã được thực hiện. Điều đó cho thấy hiệu quả bước đầu của công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp. Chuyển đổi số là một tiến trình dài và để có được hiệu quả trên cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, ban ngành ở Trung ương và địa phương.

Hiện, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Tốc độ phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2021 bằng tốc độ của 5-6 năm trở lại đây cộng lại. Tuy nhiên, hiện nay việc chuyển số trong nông nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Mô hình sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam chủ yếu vẫn là mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị. Trình độ sản xuất cơ giới hóa còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp…) chưa tương xứng. Trình độ nhân lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm số lượng lớn là nông dân không được đào tạo chuyên môn bài bản; khó tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật. Sự liên kết với nông dân còn hạn chế, nhiều sản phẩm chưa có chiến lược phát triển rõ ràng ở tầm quốc gia.

"Chính vì vậy, tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VI với chủ đề: Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp, tôi kỳ vọng đây sẽ là cơ hội để các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp phát triển công nghệ, chuyển đổi số hàng đầu cung cấp cho nông dân những kiến thức, hành trang để nông dân tích cực thay đổi tư duy sản xuất, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số; những cơ hội và thách thức của nông dân trong quá trình chuyển đổi số; các chính sách, giải pháp về vốn, đất đai giúp nông dân đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi số nông nghiệp"- ông Lương Quốc Đoàn nói.

Diễn đàn cũng nhằm mục tiêu kết nối giữa các doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực công nghệ và chuyển đổi số với người nông dân để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi trong nông nghiệp, giúp nông dân tiếp cận nhanh và hiệu quả các công nghệ mới tiên tiến và hiện đại trong thực tiễn sản xuất, tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi số đang diễn ra một cách mạnh mẽ, từ đó đẩy mạnh quá trình kết nối, tiêu thụ nông sản trên các sản thương mại điện tử.

“Là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam sẽ có vai trò, trách nhiệm trong việc tuyên truyền, hỗ trợ nông dân chuyển đổi số và tham gia vào nền kinh tế số thông qua việc thúc đẩy nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, thay đổi tư duy sản xuất truyền thống của nông dân sang một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, kết nối giữa người sản xuất với người tiêu dùng, xây dựng và chuyển giao các mô hình hỗ trợ nông dân chuyển đổi số và hướng dẫn người nông dân trực tiếp tham gia xây dựng các dữ liệu lớn về nông nghiệp như: cây trồng, vật nuôi, thủy sản, đất đai; cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân quyết định hướng sản xuất kinh doanh phù hợp. Tôi hy vọng cùng với việc thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia mà Chính phủ đã đề ra, "mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi HTX là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số", một thế hệ "nông dân thông minh" sẽ hình thành từ chính những thay đổi của hôm nay”, Chủ tịch Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.

 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Phùng Đức Tiến thông tin: Tôi thấy chủ đề của Diễn đàn hôm nay rất thú vị, đi đúng vào trọng tâm đó là quá trình chuyển đổi số của người nông dân đối với chuỗi sản xuất nông nghiệp. Như chúng ta đã biết, hiện cả nước có 4,1 triệu héc ta đất sản xuất nông nghiệp nhưng lại được chia nhỏ ra thành 7 triệu mảnh ruộng, trải dài trên 14 vĩ độ của 7 vùng sinh thái khác nhau.

 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Diễn đàn.

Hàng năm, Việt Nam cũng xuất khẩu tới 42-43 tỉ USD các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tới trên 180 nước, vùng lãnh thổ; trong đó có 10 mặt hàng chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỉ USD trở lên như lúa gạo, tôm, cá tra, cao su, hồ tiêu, hạt điều, cà phê, sắn, đồ gỗ… Đây thực sự là một số liệu, dữ liệu khổng lồ đòi hỏi nếu không được "số hóa" hay chuyển đổi số từ các dữ liệu đơn lẻ, từ cách hình thức ghi chép, thống kê khác nhau thành một kho dữ liệu để phục vụ cho chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị của ngành Nông nghiệp.

Tôi được biết, có mặt tại Diễn đàn "Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp" hôm nay là gần 100 nông dân Việt Nam xuất sắc và nông dân chuyển đổi số đại diện cho 12 triệu hội viên nông dân cả nước là những người xuất sắc nhất trong số những người xuất sắc.

Thực tế, thời gian vừa qua Hội Nông dân Việt Nam và Hội ND các cấp đã có nhiều chương trình hành động để hỗ trợ, giúp đỡ, động viên các hội viên nông dân vươn lên làm giàu. Nhiều nông dân đã thu được tiền tỉ trên chính những mảnh vườn, thửa ruộng, vuông tôm, chuồng trại của mình. Nhưng thực tế để hỏi, thế nào là chuyển đổi số, không nhiều người nắm rõ.

Để công cuộc chuyển đổi số của ngành nông nghiệp có thành công hay không phụ thuộc vào các nông dân xuất sắc có mặt tại đây. Chúng ta sẽ là những người đi đầu, những người dẫn dắt để cho hàng triệu hội viên nông dân cùng bước vào công cuộc chuyển đổi số đầy gian nan, thách thức nhưng cũng là cơ hội rất lớn để làm cuộc "đại thay đổi" cho ngành Nông nghiệp.

Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về nông nghiệp

 TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Việt Nam là quốc gia được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong số 6 quốc gia Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa (GMV) của nền kinh tế số Việt nam được dự báo sẽ tăng gấp gần 3 lần trong vòng 4 năm tới. 

 “Trình độ công nghệ của chúng ta ở mức trung bình, hạ tầng số hóa cần phải được qua tâm đầu tư, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa” – TS. Trần Công Thắng nhận định.

Theo ông Thắng, đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, 9,1 triệu hộ nông dân, thiếu vốn và thông tin về công nghệ mới là rào cản lớn nhất trong việc chuyển đổi số. Tuy nhiên, đây sẽ là tiềm năng để thúc đẩy việc ứng dụng chuyển đổi số nông nghiệp trong thời gian tới.

TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) chia sẻ ý kiến tại Diễn đàn.

Để thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, ông Trần Công Thắng đề xuất một số giải pháp quan trọng như: Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về nông nghiệp; xác định các công nghệ số ưu tiên và các lĩnh vực ưu tiên phát triển trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Cùng với đó, cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho nông dân quy mô nhỏ; khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai; thúc đẩy kinh tế tập thể và liên kết theo chuỗi giá trị và triển khai thí điểm các mô hình xã nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025.

Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhận định: Sản lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang mỗi năm đạt khoảng 120 – 200 nghìn tấn, lớn nhất toàn quốc; quy mô tổng đàn lợn gần 1,0 triệu con/năm, quy mô tổng đàn gà gần 17 triệu con/năm thuộc Top 5 tỉnh lớn nhất toàn quốc; sản lượng cam các loại khoảng 48.000 tấn; Bưởi các loại gần 37.000 tấn; vùng trồng rau chế biến, rau an toàn trên 11 nghìn hecta, sản lượng trên 230 nghìn tấn đủ năng lực cung cấp cho các nhà máy chế biến nông sản, các siêu thị trong và ngoài tỉnh và phục vụ xuất khẩu.

Chia sẻ kinh nghiệm của Bắc Giang trong tiêu thụ vải thiều và các nông sản khác năm 2021, ông Tuấn cho biết, nhờ ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý sản xuất, xúc tiến thương mại, tiêu thụ vải thiều của tỉnh đạt được kết quả ấn tượng. Tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ đạt 215.852 tấn (cao nhất từ trước đến nay); thị trường được mở rộng và có dư địa lớn để phát triển. Đặc biệt, hàng nghìn tấn vải được đưa tới tay khách hàng trong và ngoài nước qua hoạt động thương mại điện tử (tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử đạt trên 8.000 tấn). Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.821 tỷ đồng.

Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phát biểu tham luận.

Năm 2021, tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trực tuyến trên nền tảng online. Tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương, Vụ Bưu chính - Bộ Thông tin và Truyền thông rất "tốc độ" triển khai hỗ trợ tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản trên các sàn thương mại điện tử. Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã mở gian hàng trên các sàn thương điện tử (Alibaba.com, San24h.vn, Sendo.vn, Voso.vn, postmart.vn...); thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ vải thiều trên mạng xã hội, các Fanpage trên Facebook, landing, zalo…; giao lãnh đạo Sở Công Thương trực tiếp livetream với một số nghệ sĩ, diễn giả nổi tiếng để quáng bá, tiêu thụ vải thiều và đã đạt được kết quả rất ấn tượng.

Tham luận tại diễn đàn, Đại sứ Israel tại Việt Nam cho biết: Ngày nay, đất nước của chúng tôi đã được phủ xanh. Israel không chỉ có công nghệ tưới nhỏ giọt, mà chúng tôi còn dùng nhiều công nghệ hiện đại khác. Nông dân Israel cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, họ không chỉ gặp khó về nguồn nước mà còn cả kiến thức về cây trồng, và nhiều vấn đề khác nữa. Các nhà khoa học của chúng tôi có nhiệm vụ giúp đỡ họ.

Tham luận tại diễn đàn, Đại sứ Israel tại Việt Nam cho biết: "Ngày nay, đất nước của chúng tôi đã được phủ xanh."

Với nhu cầu của mình, họ sẽ đưa ra các câu hỏi cho nhà khoa học. Sau khi có được giải pháp, giới nghiên cứu sẽ chuyển cho các công ty trong ngành Nông nghiệp. Các công ty sẽ cung cấp giải pháp cho người nông dân, bà con sẽ được hưởng lợi từ việc áp dụng các thành tựu đó. Các công ty sẽ đóng góp ngược lại cho Chính phủ bằng việc trả thuế, sau đó Chính phủ sẽ tiếp tục tài trợ cho các viện nghiên cứu. Vòng tuần hoàn trong nông nghiệp như vậy đem lại lợi nhuận rất cao, vì thế có rất nhiều quỹ muốn đầu tư, nhằm tạo ra lợi nhuận và giá trị cho xã hội.

Tiến sỹ Tan Siang Hee - Giám đốc CropLife châu Á chia sẻ: Việt Nam đang có những bước tiến đầu tiên trong việc thực hiện số hóa nông nghiệp và để làm được điều này cần sự chung sức của tất cả chúng ta – những đơn vị liên quan trong ngành Nông nghiệp. Trong 18 tháng qua với tình hình đại dịch Covid-19, ngành Nông nghiệp đã tự chuyển mình rất nhanh. Trong đó nổi lên sự kết nối giữa nông dân và người tiêu dùng. Trong những năm qua, Hiệp hội CropLife và các công ty thành viên đã phối hợp với Chính phủ và các cơ quan quản lý trong nước giới thiệu và hỗ trợ nông dân ứng dụng các giải pháp khoa học trong nông nghiệp.

Chính phủ Việt Nam cũng có những chiến lược phát triển 500 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với sự hỗ trợ của cơ sở hạ tầng Chính phủ. Đây trở thành cơ hội cho những nông dân sản xuất nhỏ tiếp nhận với công nghệ.

Nông dân và “hành trình chinh phục nông nghiệp số”

Anh Lý Văn Bon ở Cần Thơ chia sẻ, hiện nay, anh đang nuôi hơn 10 loại cá quý hiếm trên dòng sông Mê Kông như là cá hồng vỹ, cá hô, cá trà sóc, cá bảo ngọc (cá mú nước ngọt), cá tra dầu, cá tra cờ, cá heo... Bên cạnh việc nuôi, bảo tồn và nhân giống các loài cá quý hiếm thì anh Bảy Bon còn kết hợp làm du lịch cộng đồng với bà con Cồn Sơn. Khu du lịch của anh được rất nhiều yêu thích và lựa chọn làm điểm đến khi tới Cần Thơ.

Anh Lý Văn Bon ở Cần Thơ chia sẻ tại Diễn đàn.

Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: “Tôi cũng được thăm mô hình sản xuất cá tra của anh Bon ở Cần Thơ. Chúng ta thấy sản phẩm của anh rất là tốt gắn với du lịch. Vậy phải làm sao ứng dụng công nghệ thông tin để khi người dân chưa đến Cần Thơ, đã biết để tìm đến sản phẩm của mình để mua. Rồi, những hình ảnh làm về du lịch của mình ở trên Cồn đó để khách và nhiều người hiểu được cảnh đẹp, mô hình, đấy chính là việc ứng dụng công nghệ như Bộ trưởng Lê Minh Hoan từng nói là tích hợp những giá trị, những vẻ đẹp của Cồn, những sản vật của vùng sông nước đồng bằng Sông Cửu Long, các sản phẩm cá mà anh đang làm du lịch. Chúng tôi sẽ làm việc với Cần Thơ để anh phát triển thêm sản phẩm này”.

Ông Trần Đình Luân- Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy sản trả lời câu hỏi của các đại biểu.

Trả lời nông dân Hoàng Quang Đông ở xã Chí Tân (Khoái Châu, Hưng Yên), nông dân chuyên trồng, chế biến, xuất khẩu nghệ sang Nhật Bản. Anh cũng chính là người đưa củ nghệ Việt Nam sang Nhật Bản và châu Âu. Tổng doanh thu của anh năm vừa qua là 15 tỷ đồng.  

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho hay: Nghệ và các sản phẩm từ nghệ đang có nhiều tiềm năng tại các thị trường xuất khẩu như Nhật Bản, Ấn Độ... Tuy nhiên, để xuất khẩu nhiều và an toàn, hiệu quả, bà con cần lưu ý đến chất lượng và các lô hàng phải đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Tránh tình trạng hàng xuất đi bị trả về vì kém chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn.

Nông dân Hoàng Quang Đông ở xã Chí Tân (Khoái Châu, Hưng Yên).

“Về phía mình, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ và phối hợp với các đại sứ quán, các cơ quan phía đối tác xuất khẩu để kết nối, phục vụ bà con xuất khẩu thuận lợi, hiệu quả. Trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch nên chuỗi logistics đứt gẫy, giá cước vận tải tăng cao và khó dự đoán. Đây là vấn đề lớn rất cần nhiều đơn vị, cơ quan như Bộ GTVT, Bộ Công thương.... vào cuộc để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vào cuộc quyết liệt và phối hợp với các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn và có dự báo về thị trường cũng như giá cả các mặt hàng... giúp bà con cân đối sản xuất và xuất khẩu” - ông Nguyễn Quốc Toản khẳng định.

Nông dân Phạm Văn Lộc - Giám đốc Dự án hệ sinh thái nông nghiệp bền vững UCA: “Từ 2017 tôi đã thực hiện chuyển đổi số, từ năm 2019 dù dịch bệnh Covid-19 bùng phát nhưng đây lại là cơ hội cho những doanh nghiệp chuyển đổi số đẩy mạnh việc xúc tiến bán hàng trên các nền tảng số, các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công và mang lại hiệu quả cao thì cần số vốn rất lớn, nhưng rất ít các doanh nghiệp có thể tiếp cận được. Vậy, làm thế nào có thể tiếp xúc được với nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp để đầu tư chuyển đổi số trong nông nghiệp”?

Về vấn đề này, bà Ngô Hoài Bắc: Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: Từ 2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã trình Chính phủ Nghị định 55 trong đó quy định rõ về các khoản vay dành cho các dự án nông nghiệp, nhấn mạnh các khoản vay không cần tài sản bảo đảm. Cụ thể: với mức vay từ 100 triệu đến 3 tỷ đồng có thể xem xét cho vay 70-80% dự án cho vay mà không cần tài sản bảo đảm. Ngoài ra, NHNN cũng chỉ đạo các Ngân hàng thương mại cho vay thấp với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường từ 0,5-1% để khuyến khích phát triển các dự án nông nghiệp nông thôn. NHNN cũng quy định mức trần lãi suất 4,5% cho các dự án nông nghiệp để ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Một số ngân hàng còn xây dựng riêng những dự án, chương trình cho vay dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp, điển hình là Ngân hàng NN&PTNT có rất nhiều gói ưu đãi lãi suất và các dự án ưu tiên khi đầu tư vào nông nghiệp.

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá Nghị định 55 để bổ sung và điều chỉnh chính sách cho vay sao cho thiết thực, hiệu quả. Bên cạnh đó tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hỗ trợ dự án nông nghiệp phát triển nông thôn theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, các dự án cánh đồng lớn đem lại năng suất, hiệu quả lớn, chú trọng đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tàu, các doanh nghiệp có quy mô lớn. Đồng thời, sẽ tiếp tục đơn giản hóa thủ tục vay vốn, đa dạng hóa các gói vay, giảm lãi suất các gói cho vay nông nghiệp.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó Trưởng ban Ngân hàng số (Agribank): Đúng như chị Ngô Hoài Bắc đã chia sẻ, Agribank trước nay vẫn là đơn vị đồng hành với nền nông nghiệp nói chung và các dự án nông nghiệp công nghệ cao nói riêng. Ngoài những ưu đãi lãi suất thì thời gian dịch bệnh vừa qua chúng tôi cũng đã thực hiện miễn phí toàn bộ phí chuyển tiền, và sẽ tiếp tục thay đổi công nghệ, chuyển từ công nghệ truyền thống sang công nghệ mới để có thể hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng.

Nông dân Nguyễn Thị Trâm (Bắc Ninh): Hiện tôi có 20ha trồng rau, củ VietGAP ở Bắc Ninh và Hà Giang. Hiện Bắc Ninh là 1 trong những thủ phủ trồng cà rốt ở miền Bắc, trong đó trồng tập trung ở Lương Tài quê tôi. Tuy nhiên, nông dân Bắc Ninh chủ yếu xuất bán cà rốt thô, chưa có dây chuyền chế biến sâu, nâng cao giá trị cà rốt. Chúng tôi muốn được đào tạo, nâng cao năng lực chuyển đổi số từ cách chụp ảnh, bán hàng, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử thì sẽ học ở đâu?

Nông dân Nguyễn Thị Trâm (Bắc Ninh) đặt câu hỏi: Nông dân muốn được đào tạo, nâng cao năng lực chuyển đổi số từ cách chụp ảnh, bán hàng, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử thì sẽ học ở đâu?

Ông Chu Quang Hào– Tổng Giám đốc Công ty Bưu điện Việt Nam: Trong bối cảnh dịch Covid-19, việc đưa nông sản lên sàn TMĐT là phương thức hữu hiệu hỗ trợ nông dân kết nối tiêu thụ nông sản. Trong năm 2021 này, chúng tôi đã hỗ trợ 2,5 triệu hộ nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Qua đó, nông sản, đặc sản của bà con nông dân sản xuất ra có cơ hội tiếp cận được đa dạng và đông đảo khách hàng là người tiêu dùng, là các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, là các doanh nghiệp bán buôn, các tập thể, tổ chức chính trị, xã hội ở các địa phương khác. Hiện nay chúng tôi đang tập trung đẩy mạnh triển khai Quyết định 1034/QĐ-TTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Đối với câu hỏi về hỗ trợ nông dân nâng cao năng lực chuyển đổi số, tôi xin trả lời, hiện hệ thống bưu điện Việt Nam đang phối hợp rất chặt chẽ với chính quyền địa phương và các Sở, ngành lập danh sách, lựa chọn những sản phẩm nông sản đặc trưng, chất lương cao của từng hộ sản xuất lên sàn TMĐT Postmart.vn. Song song đó, nhân viên Bưu điện sẽ tư vấn, hướng dẫn từng hộ gia đình không chỉ là cách đăng kí tài khoản, thiết lập gian hàng, đăng bán sản phẩm trên sàn, quy trình vận chuyển, thanh toán… mà còn chia sẻ những kinh nghiệm để tăng tương tác, thu hút sự chú ý khách hàng…

Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Ủy viên Thường vụ BCH Hiệp hội Nông nghiệp số VN cho biết: Câu hỏi đặt ra là chuyển đổi số có mới không, có khó không? Thứ nhất nó không hề mới, tôi khẳng định với nền tảng số như hiện nay thì bất cứ ai cũng có thể ứng dụng chuyển đổi số. Đơn cử thay vì ghi chép các dữ liệu vào sổ tay nông hộ, các bác có thể tải những thông tin này lên mạng, thông qua nhiều ứng dụng đang có sẵn, và chi phí cho việc này chỉ tốn khoảng 500.000 đồng/tháng, con số không hề lớn nhưng lợi ích mà nó mang lại sẽ rất lớn.

Chính nông dân sẽ là người xây dựng, họ sẽ phải cập nhật ngày trồng, ngày phun thuốc, dự kiến ngày thu hoạch… Nếu doanh nghiệp nắm được thông tin này sẽ chủ động trong việc thu mua và nông dân cũng sẽ tiện lợi khi cần truy xuất nguồn gốc.

Đối với chuyển đổi số, khi biết sử dụng điện thoại thông minh nghĩa là chúng ta đã biết chuyển đổi số, không có gì quá mới lạ và quá khó bởi có rất nhiều nền tảng số để nông dân lựa chọn. Hiệp hội nông nghiệp số cũng tôi luôn đồng hành với Hội Nông dân VN, đồng hành cùng người nông dân để giúp đỡ nông dân chuyển đổi số tốt nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Tại diễn đàn, Chương trình ký kết hợp tác hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử giữa T.Ư Hội NDVN và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã được thực hiện trong sự chứng kiến của lãnh đạo T.Ư Hội NDVN và Tổng Công ty Bưu điện Việt nam

Ký kết hợp tác hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử giữa T.Ư Hội NDVN và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.