Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Ninh Thuận: Nông dân, ngư dân tiên phong phát triển kinh tế ứng phó với biến đổi khí hậu

Nguyễn Thúy Hoa - 16:14 14/12/2021 GMT+7
Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề đang được quan tâm vì ngày càng có tác động mạnh mẽ tới sản xuất nông nghiệp và đời sống của con người ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng như nắng nóng kéo dài, rét hại, bão lụt, hạn hán, mực nước biển dâng… đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở các vùng ven biển.
Đất đai khô cằn do biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa

Vùng ven biển Ninh Thuận có nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú, thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp song cũng chứa đựng nhiều mối đe dọa, rủi ro do bão, lũ lụt, nước biển dâng… gây thiệt hại lớn tới cơ sở vật chất và tính mạng con người

Các hiện tượng thời tiết cực đoan như: Rét đậm, rét hại, bão, lụt, sương muối, mưa axit... làm cho cây trồng bị chết hàng loạt làm ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập, đời sống của người dân. Để giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, các nhóm hộ nông dân đã có các biện pháp thích ứng trong trồng trọt như thay đổi giống cây trồng, thay đổi biện pháp kỹ thuật canh tác, chuyển sang nuôi trồng thủy sản...

Tác động của biến đổi khí hậu tới hoạt động sản xuất nông nghiệp  là hết sức rõ ràng: Diện tích đất nông nghiệp bị nhiễm mặn tăng, mưa bão gây thiệt hại lớn đến sản lượng và năng suất cây trồng/vật nuôi; Thiên tai làm hư hại cơ sở hạ tầng khu chăn nuôi và trồng trọt của dân cư; Thủy sản bị giảm năng suất, chết hàng loạt do thiên tai; Nguồn lợi hải sản suy giảm, dạt ra xa bờ, thiên tai diễn biến phức tạp gây khó khăn cho các hộ đánh bắt hải sản.

Ninh Thuận đã tích cực trong công tác tuyên truyền và xây dựng các mô hình kiểu mẫu thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Sau một thời gian nghiên cứu và triển khai, người dân đã chủ động phòng tránh và ứng phó theo từng giai đoạn, hoặc có chiến lược chuyển đổi phù hợp với môi trường để đạt được hiệu quả kinh tế tốt nhất, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân như mô hình trồng, phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn, ven biển kết hợp tạo sinh kế bền vững cho người dân như mô hình nuôi tôm quảng canh, mô hình canh tác tiết kiệm nước….

Theo ông A Xá Ngoan, Phó Chủ tịch UBND xã Pa Tâu chia sẻ: “Từ mô hình trồng mía đã mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cây trồng ở vùng đồng bào Ra Glai tại Ninh Thuận. Việc làm này không chỉ thay đổi tập quán canh tác cũ sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, mà đây là định hướng đúng đắn của các cấp ủy, chính quyền trong thực hiện giải pháp phát triển kinh tế, xã hội ở các xã miền núi theo hướng bền vững”.

Nếu trước đây, giống bưởi da xanh thường được trồng ở các tỉnh miền Tây, thì giờ đây, gia đình ông Pi Năng Phiên ở xã Phước Bình, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) đang trồng thử nghiệm 4 sào trên vùng đất đồi dốc. Với đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, vốn đầu tư ít, phù hợp với điều kiện canh tác, nên cây sinh trưởng tốt. Mới đây, vườn bưởi của ông cho thu hoạch lứa đầu tiên, trung bình mỗi quả nặng từ 1,5 đến 2 kg, được thương lái thu mua với giá hơn 30.000đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình lãi hơn 30 triệu đồng. Nhờ tăng thu nhập, ông Pi Năng Phiên có điều kiện lo cho con cái học hành.

Hiện tại, đồng bào Ra Glai ở xã Phước Bình rất chú trọng việc chuyển đổi cây trồng theo hướng phát triển các loại cây đặc thù, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn xã có hơn 800ha cây bắp lai, gần 500 ha cây ăn trái, 100ha điều, 20ha cây cà-phê…

Theo anh Huỳnh Long Nhật, cán bộ Ban Phát triển xã Phước Bình, tuy cây bưởi mới đưa vào mục tiêu chuyển đổi cây trồng trên vùng đồi dốc nhưng mang lại hiệu quả cao. Sau những hộ được chọn trồng thử nghiệm, đến nay có hơn mười hộ trồng và đều tăng thu nhập, cho nên đời sống ngày càng khấm khá./.

TỪ KHÓA #bài tin tức