Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

47 năm giải phóng Trường Sa: Tình quân dân ấm áp nơi "đầu sóng ngọn gió"

08:11 30/04/2022 GMT+7
Trường Sa hôm nay không chỉ là pháo đài quân sự của Tổ quốc, nơi cửa ngõ biển Đông mà còn là một đại gia đình của những người lính đảo, của những ngư dân can trường ngày đêm bám biển.

Tháng 4 ở Trường Sa thật đặc biệt, bởi nơi đây 47 năm về trước, ngày 29/4/1975, lực lượng của Đội 1 đặc công Hải quân cùng một bộ phận lực lượng đặc công Quân khu 5 chỉ trong thời gian ngắn đã tiến công thần tốc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng - giải phóng quần đảo Trường Sa với hiệu suất chiến đấu cao nhất, tổn thất ít nhất, lập nên chiến công có ý nghĩa chiến lược, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn, vĩ đại của dân tộc.

47 năm trôi qua, quân dân Trường Sa chung sức đồng lòng, cùng nhau xây dựng huyện đảo ngày càng giàu đẹp, lớp lớp cán bộ chiến sĩ Hải quân thay nhau gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc nơi đầu sóng.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa canh gác.

Giữa mênh mông sóng nước, dưới cờ đỏ sao vàng tung bay trước cột mốc chủ quyền trên đảo Song Tử Tây, quân dân hát vang bài quốc ca với niềm tự hào của những người con đất Việt. 10 lời thề danh dự của quân nhân trong quân đội nhân dân Việt Nam được chiến sĩ đảo Song Tử Tây đọc dõng dạc, vang xa thể hiện tinh thần quyết tâm vượt mọi thử thách nơi đầu sóng, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. 

Song Tử Tây là đảo đầu tiên được giải phóng trong những ngày tháng 4/1975 lịch sử. Phát huy truyền thống của bộ đội Hải quân, những năm qua, quân dân trên đảo Song Tử Tây luôn đoàn kết, gắn bó, cùng nhau xây dựng, bảo vệ đảo.

Lễ chào cờ trang trọng trên đảo Trường Sa. (Ảnh Bảo Duy)

Trung tá Phạm Quốc Hùng, Chính trị viên cụm chiến đấu 2 đảo Song Tử Tây cho biết, anh luôn xác định dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng hết sức phụng sự Tổ quốc và nhân dân, giữ vững vùng biển hòa bình và phát triển…

47 năm đã trôi qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân nối tiếp nhau bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Trường Sa luôn khắc ghi chiến thắng thần tốc giải phóng Trường Sa của thế hệ cha anh đi trước đã không tiếc máu xương để gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Đó không chỉ thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường anh dũng, mà còn là khát vọng hòa bình của bộ đội Hải quân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Chiến sĩ canh gác trên đảo Song Tử Tây. (Ảnh Tống Tùng)

Trung tá Ngô Văn Hưng, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa cho biết, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của đơn vị. Đơn vị đã tăng cường quán triệt cho cán bộ chiến sĩ nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, xây dựng kế hoạch duy trì lực lượng và phương tiện luyện tập, xử lý thành thạo các phương án bảo đảm các phương án luôn luôn sẵn sàng, con người sẵn sàng, vũ khí trang bị sẵn sàng khi cô lệnh chiến đấu là có thể thực hiện nhiệm vụ chiến đấu thắng lợi, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Trường Sa - nơi phên giậu Tổ quốc, không chỉ có cán bộ, chiến sĩ ngày đêm canh giữ, bảo vệ biển đảo, mà ở đó còn có những tổ ấm tràn đầy niềm vui và lạc quan. Với mỗi người dân, họ rất tự hào vì đang ngày đêm góp phần gìn giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, người dân đảo Trường Sa chia sẻ, nơi đầu sóng ngọn gió, cuộc sống giản dị và thắm tình quân dân đã phần nào giúp bà con vơi đi khó khăn. Quân dân một lòng cùng chung tay, chung sức đồng lòng để xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

"Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân chủng Hải quân, tình cảm của cả nước hướng về Trường Sa, cuộc sống trên đảo thay đổi nhiều về văn hóa, tinh thần, cảnh quan môi trường, điều kiện sinh hoạt tốt hơn, các con được đến trường. Mặc dù thời tiết khắc nghiệt, khó khăn nhưng quân dân trên đảo đồng lòng, đoàn kết vượt qua khó khăn thử thách, đương đầu với sóng gió, xây dựng Trường Sa ngày càng giàu đẹp hơn" - chị Mỹ Dung chia sẻ.

Những công dân nhí trên đảo Song Tử Tây. (Ảnh Tống Tùng)

Từ một quần đảo thừa nắng gió, thiếu nước ngọt thì nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân cả nước, Trường Sa đã thay da đổi thịt, ngày càng hiện đại, đủ đầy hơn, khang trang hơn. Tất cả các công trình hạ tầng trên đảo được xây dựng khoa học, đường đi, lối lại đều được bê tông hoá 100%, sạch sẽ. Trên nền cát trắng và san hô đã được phủ một màu xanh mướt của những tán cây bàng vuông, phong ba, dừa, nhàu, đu đủ… Đột phá về rau xanh, điện sinh hoạt, sóng điện thoại di động đã kéo gần khoảng cách Trường Sa với đất liền.

Ông Lương Xuân Giáp, Chủ tịch HĐND huyện Trường Sa cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, song mỗi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo đều ý thức rất rõ trách nhiệm của mình. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, quân dân Trường Sa cũng tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân và XHCN, đoàn kết, sắt son một lòng, tích cực khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, là chỗ dựa cho ngư dân vươn khơi bám biển, luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu hy sinh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Duyệt đội ngũ trên đảo Song Tử Tây. (Ảnh Thu Lan)

Trải qua bao mùa mưa nắng, vượt qua khắc nghiệt của thiên nhiên, Trường Sa vẫn hiển hiện giữa trùng khơi như một biểu tượng về ý chí kiên cường và sức sống mãnh liệt của quân và dân Trường Sa giữa biển khơi đầy bão tố. Vượt lên muôn vàn khó khăn, gian khổ, quân và dân huyện đảo Trường Sa vẫn bền bỉ từng ngày cho mục tiêu xây dựng huyện đảo giàu mạnh.

Trường Sa hôm nay không chỉ là pháo đài quân sự của Tổ quốc nơi cửa ngõ biển Đông mà còn là một đại gia đình của những người lính đảo, của những ngư dân can trường ngày đêm bám biển. Huyện đảo Trường Sa đang phát triển theo hướng kinh tế dân sinh, từng ngày, từng giờ hòa nhịp cùng sự phát triển của đất nước. Những mái ấm giữa trùng khơi tô điểm thêm cho bức tranh Trường Sa ngày càng đẹp và sống động, bức tranh khởi đầu của một vùng kinh tế mới. Đó cũng chính là phên dậu vững chắc giữa biển khơi. 

Theo VOV