Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tăng cường kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm 2024

Huyền Minh - 17:06 03/07/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Sáng ngày 3/7, tại Hà Nội, Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024”.
 Toàn cảnh Hội thảo: “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024” nhận diện rõ các nhân tố, sức ép gây lạm phát cuối năm

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Nguyễn Mạnh Thiều, Phó giám đốc Học viện Tài chính chia sẻ: Tình hình kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục gặp nhiều rủi ro, bất ổn, tác động tiêu cực đến tăng trưởng bền vững. Mặc dù vậy, tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng tích cực nhờ nhu cầu hàng hóa tăng trở lại, áp lực lạm phát giảm dần. Tại Việt Nam, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục chuyển biến theo xu hướng tích cực, quý sau tốt hơn quý trước; các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo.

Tại hội thảo các đại biểu đã được nghe số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023; lạm phát cơ bản tăng 2,75%. 

Đánh giá về chỉ số CPI 6 tháng đầu năm 2024, bà Vũ Hương Trà, Phó trưởng phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian gần đây mặt hàng lương thực, lúa gạo giá tăng, mặt hàng thịt lợn cũng tăng do diễn biến về dịch bệnh, tuy nhiên mức tăng không đột biến, nên CPI vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, dự báo cuối năm 2024, một số mặt hàng có thể tăng giá như sau:

Đối với mặt hàng xăng dầu, giá trên thị trường thế giới có xu hướng tăng giảm đan xen nhưng vẫn ở mức cao do vẫn chịu tác động bởi cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine. Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương (chủ trì) có 26 đợt điều hành giá xăng dầu trong nước (tính đến ngày 27.6.2024).

Đối với mặt hàng điện, giá bán lẻ điện bình quân sau khi được điều chỉnh 2 lần trong năm 2023 thì hiện nay ở mức là 2.006,79 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (theo Quyết định số 1416/QĐ-EVN ngày 8.11.2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam). Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố tháng 5.2024 do nhu cầu sử dụng điện tăng trong mùa hè nắng nóng cũng như giá điện sinh hoạt tăng 2,11% tác động tăng đến chỉ số CPI.

Đối với dịch vụ giáo dục, đào tạo, theo chỉ đạo của Chính phủ, học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2023 - 2024 và các năm tiếp giữ ổn định. Học phí cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập năm học 2023 - 2024 thực hiện theo mức trần học phí mới.

Đối năm học 2024 - 2025, mức trần học phí khối giáo dục đại học tăng bình quân 14%, khối giáo dục nghề nghiệp tăng bình quân 6%. Tuy nhiên, mức học phí cụ thể do các cơ sở giáo dục quyết định trong phạm vi giá tối đa do Chính phủ quy định.

Nhìn chung, công tác quản lý điều hành giá một số mặt hàng quan trọng có ảnh hưởng lớn tới mặt bằng giá chung được thực hiện thận trọng ngay từ đầu năm, cùng với đó là nguồn cung nhiều hàng hóa thiết yếu được đảm bảo đã giúp kiểm soát lạm phát trong nửa đầu năm 2024.

Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính lại nhận định, áp lực lạm phát trong năm nay không quá lớn, việc lạm phát so với cùng kỳ và lạm phát trung bình ở mức cao như hiện nay chủ yếu là do tác động từ các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý III-2023. Không có nhiều yếu tố gây tăng giá đột biến trong 6 tháng cuối năm 2024. Vì vậy, có thể kỳ vọng tốc độ tăng giá trong 6 tháng cuối năm sẽ ở mức tương đương so với trong 6 tháng đầu năm 2024. Dự báo lạm phát trung bình cả năm 2024 sẽ xoay quanh mức 3,2 - 3,6%.

Tại hội thảo, các chuyên gia cùng chia sẻ nhận định, dự báo kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2024 sẽ tiếp tục diễn biến tích cực khi đà phục hồi tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì, các nền tảng kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ ban hành các giải pháp, biện pháp ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá.

Phân bón không chịu thuế giá trị gia tăng – Doanh nghiệp và người dân được lợi và bị thiệt khi nào?
(Tapchinongthonmoi.vn) - Theo Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế thì mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT). Hiện Quốc hội đang xem xét đề xuất chuyển phân bón về diện chịu thuế GTGT với thuế suất 5%. Đang có nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất này. Vậy bản chất vấn đề là thế nào?