Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bạc Liêu: Chú trọng phát triển mạng lưới tuyên truyền viên cơ sở

08:48 18/02/2021 GMT+7

Phát huy vai trò tổ chức đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, 5 năm qua, Hội ND tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện hiệu quả Quyết định 81 của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp giữa các bộ, ngành, UBND các cấp với các cấp Hội NDVN trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.

Lãnh đạo Hội ND nắm tình hình ở cơ sở kết hợp tuyên truyền các quy định về sản xuất an toàn cho hội viên nông dân trên địa bàn huyện Phước Long, Bạc Liêu. Ảnh P.V.

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Ông Phạm Tấn Tài – Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Thời gian qua, Hội đã phối hợp với các ban ngành thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tư vấn pháp luật; góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến khiếu nại, tố cáo như: Luật Đất đai, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Hòa giải ở cơ sở…

Hội ND các cấp cũng đẩy mạnh thực hiện các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tư vấn, trợ giúp pháp lý cho cán bộ, hội viên, nông dân phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Hàng năm, Hội ND tỉnh đều phối hợp với các ngành: Tư pháp, Thanh tra, Tài nguyên – Môi trường tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý và kỹ năng công tác hòa giải cho cán bộ và đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên của Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”; từ đó làm chuyển biến nhận thức pháp luật của cán bộ, hội viên, nông dân.

Sau 5 năm thực hiện Quyết định 81 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho 83.520 cán bộ, hội viên, nông dân.

Đáng chú ý, để đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển mạng lưới cán bộ Hội làm công tác tuyên truyên pháp luật cho hội viên, nông dân, các cấp Hội ND tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng được 546 tuyên truyền viên cấp cơ sở và xây dựng được 18.239 hội viên nòng cốt phụ trách công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến 47.071 hộ dân.

Hàng năm, đội ngũ này đều được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền. Trong 2 năm qua, Hội ND tỉnh phối hợp với các ban, ngành tổ chức được 235 lớp tập huấn có 8.969 cán bộ Hội các huyện, thành phố, cơ sở, chi hội, tổ Hội. Nội dung chủ yếu phổ biến về Chỉ thị số 26 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 13 của UBND tỉnh, Luật Đất đai sửa đổi, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Pháp lệnh Quy chế dân chủ ở cơ sở và hướng dẫn quy trình xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, công tác hòa giải ở cơ sở… Qua đó nâng cao năng lực cho cán bộ Hội các cấp, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật của Hội ngày càng tăng về số lượng, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

Đi đôi với công tác xây dựng lực lượng tuyên truyền viên pháp luật, hàng năm, trên cơ sở Kế hoạch phối hợp giữa Hội ND với các ngành chức năng, các cấp Hội trong toàn tỉnh đã chủ động tham mưu thành lập được 29 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” với 365 thành viên tham gia. Hiện nay, mỗi câu lạc bộ đều được trang bị 1 tủ sách pháp luật với nhiều đầu sách.

Hội ND tỉnh Bạc Liêu đã phát hành 10.000 cuốn sổ tay pháp luật, 15.000 tờ bướm tờ gấp, tài liệu cho cán bộ, hội viên nông dân để phục vụ cho công tác tuyên truyền,tài liệu sinh hoạt cho các câu lạc bộ. Đây là địa điểm giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cùng như tư vấn, giải đáp các vướng mắc về pháp luật của hội viên, nông dân ngay tại cơ sở.

Chú trọng công tác hoà giải, trợ giúp pháp lý

Bên cạnh đó, công tác hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nông dân đã được các cấp Hội ND trong tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả hơn. Cụ thể như, Hội ND các cấp đã phối hợp với ngành Tư pháp thường xuyên kiểm tra việc hoạt động của tổ hòa giải. Qua đó cho thấy, các tổ hòa giải được cơ cấu đầy đủ các thành phần như: Bí thư Chi bộ khóm – ấp, Trưởng ban Mặt trận, Hội ND, Phụ nữ, Cựu chiến binh và những người có uy tín ở cộng đồng dân cư. Ngoài ra, thành viên tổ hòa giải còn có đại diện người dân tộc thiểu số.

Công tác bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở luôn được các cấp Hội quan tâm. Đặc biệt, Hội ND tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh tổ chức trên 100 lớp tập huấn nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, qua đó có trên 3.300 lượt cán bộ Hội ND là báo cáo viên, hòa giải viên các cấp, trong đó chủ yếu là cơ sở tham gia…

Trợ giúp pháp lý là 1 trong những nội dung các cấp Hội ND tỉnh Bạc Liêu phối hợp với ngành Tư pháp thực hiện hiệu quả, trong 3 năm qua các cấp Hội đã tổ chức được 345 cuộc trợ giúp pháp lý tại 63 xã, phường, thị trấn cho 8.125 lượt hội viên, nông dân.

Hội đã gắn trợ giúp pháp lý với hoạt động tuyên truyền, vận động nông dân, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các cấp Hội để tiến hành xác minh, làm rõ những vụ khiếu nại, tố cáo có liên quan đến nông dân và những vụ tranh chấp đất đai trong nội bộ nông dân có tính chất bức xúc, phức tạp; những vụ việc khiếu nại còn tồn đọng, kéo dài.

Hội ND phối hợp cùng chính quyền các cấp bàn biện pháp để chính quyền công khai cho dân biết các vấn đề có liên quan tại địa phương như: Các khoản đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương; dự toán và quyết toán ngân sách hàng năm; các vấn đề về phát triển kinh tế – xã hội…

Qua đó, Hội ND các cấp đã tham gia tích cực vào quá trình giải quyết nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nông dân, tạo niềm tin và sự đồng tình hưởng ứng của người dân, góp phần cùng các cơ quan hành chính Nhà nước giải quyết ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

Từ năm 2013, thực hiện Kế hoạch của Trung ương Hội, của UBND tỉnh, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tổ chức tuyên truyền “Ngày Pháp luật”, chủ yếu sử dụng hình thức hội nghị tuyên truyền. Cụ thể, Hội đã tổ chức được 391 cuộc hội nghị với 12.671 lượt cán bộ, hội viên nông dân tham dự.

Bên cạnh đó các cấp Hội phát động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Cuộc thi viết đã tạo nên một đợt sinh hoạt pháp luật có ý nghĩa rất lớn cho công tác tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, hội viên nông dân nâng cao ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật, góp phần tạo chuyển biến mới trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hơn nữa hiệu quả thực thi pháp luật trong nông dân.

Thanh Nga