Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bảo vệ người tố cáo thế nào?

16:00 24/05/2018 GMT+7

Việc mở rộng hình thức tố cáo qua điện thoại, email vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau khi Quốc hội thảo luận về Luật tố cáo (sửa đổi) vào sáng nay 24/5.

Cần mở rộng

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, qua thảo luận, kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, có 2 loại ý kiến về hình thức tố cáo như sau:

Thứ nhất, nhiều ý kiến đề nghị mở rộng hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại… Bởi vì, hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin đã trở nên phổ biến trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và trong quản lý nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) sáng 24/5. Ảnh: Quochoi.vn.

Mặt khác, nhiều nội dung tố cáo, phản ánh sai phạm của cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước thông qua các phương tiện điện tử hay mạng xã hội tuy chưa được thừa nhận chính thức nhưng đã góp phần tích cực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Vì vậy, quan điểm đưa ra không nên giới hạn hình thức thể hiện của đơn chỉ là văn bản giấy, hình thức thể hiện của tố cáo trực tiếp chỉ là gặp mặt trình bày bằng lời nói.

Đồng thời, từ thực tiễn cho thấy, dù tố cáo được thể hiện dưới hình thức nào thì trong giai đoạn xử lý ban đầu thông tin tố cáo, cơ quan có thẩm quyền giải quyết cũng đều phải xác định rõ được họ tên, địa chỉ của người tố cáo, nội dung tố cáo phải có cơ sở để xác minh, kết luận thì mới có căn cứ để quyết định thụ lý giải quyết tố cáo.

“Do đó, đề nghị bổ sung hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại. Đồng thời, bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về quy trình tiếp nhận tố cáo để bảo đảm tính khả thi”- ông Nguyễn Khắc Định nói.

Tuy nhiên, cũng có nhóm ý kiến đề nghị chỉ quy định 2 hình thức tố cáo như Luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp hoặc chỉ nên bổ sung hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử.

Theo lý giải, nếu mở rộng hình thức tố cáo có thể dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết và việc xác định trách nhiệm những người tố cáo sai sự thật. Hơn nữa, việc mở rộng hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, nhất là tố cáo qua điện thoại là phức tạp, có thể gây quá tải cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo.

“Dự thảo Luật đang được thể hiện theo loại ý kiến thứ nhất”- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật báo cáo Quốc hội.

Bảo vệ người tố cáo thế nào?

Một nội dung nhận được sự quan tâm là bảo vệ người tố cáo. Theo dự thảo (trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4) đối tượng được bảo vệ là người tố cáo; nội dung bảo vệ bao gồm bảo vệ bí mật thông tin, bảo vệ vị trí việc làm, bảo vệ các quyền công dân tại nơi cư trú của người tố cáo. Như vậy, quy định về đối tượng và lĩnh vực được bảo vệ thu hẹp hơn so với quy định của Luật hiện hành.Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua thảo luận, một số ý kiến nhất trí quy định nêu trên nhằm bảo đảm tính khả thi; nhưng nhiều ý kiến cho rằng, cần mở rộng hơn nữa về đối tượng được bảo vệ và nội dung bảo vệ nhằm động viên người dân tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, nhất là trong việc phòng, chống tham nhũng.

Theo ông Nguyễn Khắc Định, tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không nên thu hẹp đối tượng bảo vệ và nội dung bảo vệ nhằm khuyến khích người dân thực hiện quyền tố cáo và thể chế hóa chủ trương của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ người tố cáo.

Trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Tố cáo hiện hành, đối tượng được bảo vệ tại khoản 1 Điều 48 của dự thảo Luật được quy định rõ, chặt chẽ hơn như sau: Người được bảo vệ bao gồm người tố cáo; vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo.

Đối với nội dung bảo vệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các quyền, lợi ích hợp pháp của người tố cáo đều được bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật như đối với mọi công dân khác, nên việc bảo vệ trong quá trình giải quyết tố cáo cần tập trung vào các biện pháp mang tính tức thời, khẩn cấp, có cơ sở cụ thể để tránh việc bảo vệ tràn lan, thiếu căn cứ. Do đó, nội dung bảo vệ tại khoản 2 và khoản 3 Điều 48 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý lại trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Tố cáo hiện hành và tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội như sau:

“Thông tin cá nhân của người tố cáo được bảo vệ bí mật, trừ trường hợp người tố cáo tự tiết lộ. Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người quy định tại khoản 1 Điều này đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử tại nơi công tác, nơi làm việc do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.”…

T.B