Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bí quyết để người chăn nuôi “vượt bão”

Hoàng Bắc - 07:11 02/12/2021 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Do ảnh hưởng của Covid-19 cộng với giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khiến cho người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tại tỉnh Tây Ninh vẫn có không ít trang trại vững vàng giữa “bão dịch”, thậm chí thu lợi hàng tỷ đồng. Bí quyết vượt qua giai đoạn khó khăn của các trang trại chính là chủ động liên kết, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Trang trại gà của gia đình anh Phạm Lê Tâm vẫn đảm bảo có lãi nhờ liên kết với doanh nghiệp.

Treo chuồng vì thua lỗ

Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao khiến cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh rơi vào tình trạng khó khăn. Nhiều hộ phải chấp nhận “treo chuồng”, hạn chế tái đàn vì lo ngại càng nuôi càng lỗ.

Theo Sở NN&PTNT, trong những tháng vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên khâu tiêu thụ gặp khó khăn, giá gà xuống thấp. Toàn tỉnh còn tồn khoảng 1 triệu con gà lông trắng, tương đương 2.500 tấn thịt và hàng ngàn con vịt. Trước tình hình đó, Sở NN&PTNT đã kiến nghị Bộ NN&PTNT có giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ, kết nối, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nông dân tiêu thụ gia cầm, hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân.

Theo một số đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện Dương Minh Châu, nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã đồng loạt tăng giá sản phẩm từ 300 - 2.000 đồng/kg. Các loại thức ăn thuộc nhóm nguyên liệu ngũ cốc tăng mạnh, từ 1.000 - 2.500 đồng/kg so với đầu năm, như giá lúa, bắp chăn nuôi là 9.000 đồng/kg, vỏ đậu nành khoảng 7.000 đồng/kg…

Anh Đặng Đình Đông, ngụ ấp Bình Linh (xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu) cho biết: “Lứa vịt này tôi thả 1.000 con. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vịt quá lứa mà không bán được, giá thì xuống thấp nhưng cũng không ai mua do khó khăn trong vận chuyển. Trong khi đó, thức ăn mỗi ngày cho đàn vịt tốn khoảng 2 triệu đồng. Chỉ tính riêng lứa vịt này, gia đình tôi đã lỗ hàng chục triệu đồng”.

Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh theo Chỉ thị 16, người dân chỉ ở nhà tránh dịch, nhu cầu mua sắm không nhiều; nhiều nhà máy, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Đồng thời, một số chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động, công tác vận chuyển hàng hoá gặp khó khăn đã tác động không ít đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp toàn tỉnh.

Để tháo gỡ khó khăn, Sở NN&PTNT tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh tạo thuận lợi từ khâu vận chuyển và hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân dưới nhiều hình thức nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc 5K. Sở cũng chỉ đạo các phòng chuyên môn và phòng Nông nghiệp các huyện thường xuyên cập nhật thông tin những nông sản tồn đọng, không tiêu thụ được trên địa bàn tỉnh để kịp thời hỗ trợ tiêu thụ. Đồng thời, phối hợp với Sở Công thương, tỉnh đoàn, bưu điện tỉnh, hiệp hội doanh nghiệp, hội doanh nhân trẻ, Hội Nông dân và các tổ chức thiện nguyện để kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Nhà máy ấp trứng gia cầm công nghệ cao của Công ty CP Bel Gà Việt Nam tại Tây Ninh.

Vững vàng nhờ liên kết

Trong khi nhiều trang trại chăn nuôi gặp khó khăn, cũng có nhiều trang trại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh vẫn duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi. Điểm chung của các mô hình này là có sự liên kết với doanh nghiệp để ổn định thị trường và nguyên liệu đầu vào. Bên cạnh đó, các trang trại cũng thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh.

Từ năm 2018, trang trại gà của anh Phạm Lê Tâm (xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên) nuôi gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam. Trang trại được xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, quản lý nghiêm ngặt trong việc phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm môi trường sống cho đàn vật nuôi. Ngoài ra, anh Tâm còn xây dựng thêm một trang trại tại huyện Bến Cầu với tổng diện tích 40.000m2, mỗi năm nuôi hàng chục ngàn con gà.

“Việc nuôi gia công cho Công ty C.P giúp người chăn nuôi có thu nhập ổn định. Sau khi trừ chi phí, thu nhập của gia đình tôi vào khoảng 500 triệu đồng/năm, đồng thời còn tạo việc làm cho một số lao động nông thôn” anh Tâm cho biết.

Còn tại xã Phước Minh (huyện Dương Minh Châu), nhiều năm nay, anh Trần Mạnh Hùng có trang trại heo (lợn) cũng theo phương thức nuôi gia công cho Công ty TNHH CJ Vina Agri. Mỗi năm, anh Hùng nuôi được 2 đợt, mỗi đợt hàng ngàn con heo, trung bình từ 5-6 tháng sẽ xuất chuồng.

Với việc liên kết chăn nuôi gia công cho doanh nghiệp, các chủ trang trại vẫn đảm bảo lợi nhuận do được cung cấp con giống chất lượng, không phải lo đầu ra và giá cả; đồng thời được học hỏi và tiếp cận với kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến. Với hình thức liên kết này, doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, bảo đảm thị trường tiêu thụ, cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Người chăn nuôi xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu của doanh nghiệp, chăn nuôi theo hợp đồng ký kết.

Theo ông Nguyễn Thành Thúc - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y cho biết, các trang trại có sự liên kết trong chăn nuôi cơ bản không bị ảnh hưởng quá nhiều. Thời gian tới, Chi cục sẽ tập trung hướng dẫn người dân phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại quy mô lớn, thực hiện liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong chăn nuôi để tăng hiệu quả sản xuất, bảo đảm môi trường, phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững.

Thu hút đầu tư vào chăn nuôi công nghệ cao

Để ngành Chăn nuôi phát triển bền vững, tỉnh Tây Ninh đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm kêu gọi thu hút các dự án (DA) đầu tư quy mô lớn vào ngành Chăn nuôi. Đồng thời tỉnh cũng khuyến khích ứng dụng công nghệ cao để phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. 

Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Tây Ninh đã thu hút 46 DA chăn nuôi. Trong đó đáng chú ý, tỉnh có nhiều DA đầu tư quy mô lớn như DA chăn nuôi 1 triệu con gà thịt/lứa, 1 triệu trứng/ngày (vốn 794 tỷ đồng); DA nuôi 400.000 gà đẻ trứng thương phẩm trên 29,5ha (vốn 261 tỷ đồng)… đang tạo ra xung lực mới góp phần đưa ngành Nông nghiệp tỉnh phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết, tỉnh xác định nông nghiệp công nghệ cao là một trong bốn đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, tỉnh đang quan tâm mời gọi, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, triển khai các DA trong đó có các dự án đầu tư vào chăn nuôi qui mô lớn, công nghệ cao để đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt nền nông nghiệp địa phương phát triển hiệu quả và bền vững.