Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Các địa phương khẩn trương chuẩn bị ứng phó với bão số 9

14:16 18/12/2021 GMT+7
Nhiều tỉnh miền Trung và ĐBSCL đã khẩn trương đôn đốc thực hiện các biện pháp chuẩn bị để ứng phó với bão số 9.

Các tỉnh miền Trung ứng phó với bão số 9

Sáng nay (18/12), tại các tỉnh miền Trung có mưa nhỏ, gió nhẹ. Chủ động ứng phó với bão số 9, các địa phương huy động lực lượng hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền, lồng bè tránh va đập. Lãnh đạo các địa phương cũng yêu cầu chủ đầu tư các công trình, đặc biệt là công trình ven biển tạm dừng thi công, có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị. Các tỉnh ven biển cũng rà soát tình hình dân cư, sẵn sàng phương án sơ tán dân vùng xung yếu, tiếp tục liên lạc với tàu thuyền còn trên biển.

Tàu cá của ngư dân miền Trung neo đậu tránh trú tại đảo Song Tử Tây, tỉnh Khánh Hòa.

Trong sáng cùng ngày tại khu vực quần đảo Trường Sa bắt đầu có gió to, sóng biển dữ dội, quân dân trên các đảo khẩn trương ứng phó với bão số 9. Đã có 73 tàu với hơn 700 ngư dân vào tránh trú tại đảo Sinh Tồn, Song Tử Tây. Đây là tàu cá của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa…đang đánh bắt tại khu vực quần đảo Trường Sa.

Thượng tá Hoàng Thanh Tú, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây, Lữ đoàn 146 cho biết, mấy ngày qua, các lực lượng đã chủ động chằng buộc, gia cố nhà cửa, công trình, bảo vệ cây di sản, cắt tỉa cây xanh, chủ động triển khai phương án phòng tránh bão.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định kêu gọi tàu thuyến neo an toàn để tránh bão.

“Trên quần đảo Trường Sa nói chung, đảo Song Tử Tây nói riêng gió cấp 11 giật cấp 12, biển động dữ dội và sóng biển cao từ 4-6m. Với sự quyết liệt của Đảng ủy, Chỉ huy các cấp, Đảng ủy, Chỉ huy đảo, UBND xã Song Tử Tây đảm bảo an toàn cho ngư dân lên tránh trú bão, ăn ở tại đảo. Quân và dân trên đảo đang an toàn và yên tâm tư tưởng. Hỗ trợ ngư dân về chỗ nghỉ, ăn ngày 3 bữa theo tiêu chuẩn của Bộ đội”, Thượng tá Hoàng Thanh Tú cho hay.

Tỉnh Phú Yên cũng đã lên phương án sơ tán các hộ dân tại các địa phương ven biển đến nơi an toàn. Dự kiến, tỉnh này sẽ di dời, sơ tán đến các điểm tập trung khoảng 850 hộ với 2.300 khẩu tại những khu dân cư ven biển thuộc thị xã Sông Cầu, thị xã Đông Hòa, huyện Tuy An. Ngoài ra, tỉnh Phú Yên sẵn sàng sơ tán khoảng 6.500 người nuôi cá trên các lồng bè ở những địa phương này trước khi bão gây ảnh hưởng. Sáng nay (18/12) chính quyền các xã An Chấn, An Mỹ, An Hòa Hải, An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên huy động lực lượng xuống giúp người dân chằng chống nhà cửa.

Tàu cá tỉnh Phú Yên vào khu vực an toàn tránh bão.

Ông Huỳnh Văn Khoa, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên cho biết: “Hiện nay tàu bè đã vào cập bến Tiên Châu, hiện chỉ còn một số ghe nhỏ, từ giờ đến chiều nay bà con sẽ vào hết. Trong sáng nay, bà con sẽ thực hiện việc chằng chống nhà cửa. Huyện Tuy An cũng chỉ đạo các xã cử lực lượng hỗ trợ cho bà con. Địa phương cũng đã chuẩn bị các vật tư, thiết bị ứng phó”.

Đến sáng nay, tất cả tàu thuyền của tỉnh Bình Định đã vào khu vực tránh trú an toàn. Bộ Đội Biên phòng tỉnh Bình Định phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra việc neo tàu thuyền ở các cảng cá và khu neo đậu, yêu cầu người dân không ở lại các lồng bè. Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương rà soát lại tất cả các phương án ứng phó với bão số 9 và cảnh giác với tình huống mưa lũ gây sạt lở.

“Các địa phương phải rà soát tất cả phương án, di dời dân nếu tình hình bão lũ xảy ra. Những nhà nào yếu khả năng bão vào sẽ tốc mái, di dời tại chỗ gắn với công tác phòng chống dịch, chia nhỏ ra chứ không tập trung. Còn lại các hồ chứa thì đề nghị là căn cứ vào lượng mưa sẽ có điều tiết xả lũ, làm sao vừa đảm bảo an toàn hồ chứa, vừa cắt lũ cho vùng hạ du”, ông Nguyễn Tuấn Thanh thông tin.

Tuyến kè biển dang dở, khiến nhiều nhà dân ở làng biển Xuân Hải, xã xuân Hải, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên nguy cơ sạt lở và hư hỏng khi mưa bão đến.

Sáng nay, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cử nhiều đoàn xuống các địa phương kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó mưa bão; kiểm tra tình hình ứng phó tại các công trình xung yếu ở thành phố Quảng Ngãi, thị xã Đức Phổ, cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hoà, Cảng cá Sa Huỳnh… Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thuỷ sản tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục kiểm tra, kêu gọi tàu thuyền tìm nơi trú tránh bão.

Đại uý Huỳnh Trọng Sinh, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lý Sơn cho biết, Đồn Biên phòng Lý Sơn và Ban Quản lý cảng neo trú tàu thuyền Lý Sơn đã tuần tra khu vực nuôi trồng thuỷ sản kêu gọi ngư dân đưa lồng bè vào bên trong cảng neo đậu trú bão.

“Lý Sơn hiện còn 7 phương tiện và 85 lao động đang ở các vùng biển xa. Đối với các phương tiện này, qua hệ thống liên lạc của đơn vị cũng như phối hợp với Nghiệp đoàn Nghề cá chúng tôi đã liên lạc được với các chủ phương tiện này và hướng dẫn chủ phương tiện tìm nơi tránh trú an toàn. Đối với phương tiện tàu các ngoài địa bàn trú bão tại đảo, chúng tôi cũng sẵn sàng phương án đảm bảo nơi ăn nghỉ kiên cố cho số ngư dân này khi thời tiết xấu không thể ở lại tàu”, Đại uý Huỳnh Trọng Sinh chia sẻ.

Miền núi Quảng Nam chủ động ứng phó với nguy cơ sạt lở.

Triển khai công tác ứng phó với bão số 9, từ ngày 17/12, tỉnh Quảng Nam đã nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, thông báo cho tàu thuyền đang đánh bắt trên biển tìm nơi trú ẩn an toàn. Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố khu vực đồng bằng khẩn trương triển khai phương án ứng phó với bão; các địa phương miền núi sẵn sàng ứng phó với nguy cơ sạt lở núi.

 “Chúng tôi đã cảnh báo và yêu cầu chính quyền địa phương tuyên truyền người dân chủ động phòng tránh nhất là những khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Chỉ đạo những chủ hồ thủy điện, thủy lợi thường xuyên theo dõi mực nước để chúng ta sẽ phối hợp xả liên hồ phù hợp”, ông Hồ Quang Bửu cho hay.

Quảng Nam yêu cầu các chủ hồ chứa thủy điện, thủy lợi thường xuyên theo dõi mực nước để có phương án phối hợp điều tiết phù hợp...

Hiện nay, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các địa phương khẩn trương triển khai phương án gia cố đảm bảo an toàn cho các lồng, bè trên sông, đầm phá và các ao, hồ nuôi thủy sản cao triều, hạ triều ven biển, ven sông, suối. Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, lệnh đóng cửa biển, cấm tàu thuyền ra khơi cũng được tỉnh thực hiện từ hôm nay.

 “Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh cũng có chỉ đạo về các địa phương, kêu gọi tàu thuyền vào và neo đậu đúng vị trí tránh sự va đập. Dọc tuyến biển đề nghị các thuyền đánh bắt gần bờ, thuyền bãi ngang tuyệt đối không cho bà con ra khai thác trong lúc mưa bão. Chằng chống nhà cửa cắt tỉa cành cây để chống bão...”, ông Nguyễn Đình Đức thông tin.

Tiền Giang, Bến Tre thành lập nhiều Đoàn đi kiểm tra công tác ứng phó với bão

ĐBSCL thông tin, để chủ động ứng phó với bão số 9 (RAI) đang đổ bộ vào vùng biển nước ta, ngày 18/12, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đã tổ chức nhiều đoàn đến kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại các địa phương ven biển.  

Các tàu cá ở tỉnh Bến Tre vào nơi neo đậu an toàn

Tỉnh Bến Tre tổ chức 3 đoàn do 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT và Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh làm Trưởng các đoàn đến kiểm tra  công tác phòng chống bão RAI tại 3 huyện ven biển là: Bình Đại, Thạnh Phú và huyện Ba Tri.

Tại các nơi, các Đoàn công tác đã yêu cầu chính quyền địa phương không được chủ quan, lơ là sẵn sàng ứng phó khi có bão đổ bộ vào; chủ động các phương án “ 4 tại chỗ’, không để bị động. Các ngành chức năng tiếp tục thông tin diễn biến bão RAI để các chủ phương tiện và thuyền trưởng các tàu thuyền trên biển biết và tìm nơi trú tránh.

Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN&PTNT kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó với bão RAI tại một địa phương ven biển.

Theo ông Đoàn Văn Đảnh, Phó trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tỉnh Bến Tre, đến sáng nay, hầu hết các tàu cá đã liên lạc được với đất liền. Các phương tiện ở vùng nguy hiểm đã vào bờ, các tàu cá còn hoạt động trên biển đã ra khỏi vùng nguy hiểm. Các địa phương ven biển đã chuẩn bị phương án ứng phó với bão RAI khá tốt, đặc biệt chuẩn bị việc sơ tán dân khi cần thiết, đảm bảo nguyên tắc 5K.

Bến Tre bố trí nơi tàu cá về trú bão an toàn

Tại tỉnh Tiền Giang sáng nay cũng tổ chức Đoàn  công tác đến kiểm tra công tác phòng chống bão RAI tại huyện Gò Công Đông.

Đến thời điểm này, công tác thông tin liên lạc, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển chủ động phòng tránh thiên tai thực hiện rất tích cực.

Toàn tỉnh chỉ còn 230 phương tiện đang hoạt động xa bờ với hơn 1.700 ngư dân; 462 phương tiện đã vào bờ neo đậu an toàn và 299 phương tiện đánh bắt gần bờ với gần 900 ngư dân.  Đa số các chủ phương tiện và thuyền trưởng đều đảm bảo thông tin liên lạc với chính quyền và  các ngành chức năng địa phương, biết rõ hướng đi của bão và  có kế hoạch trú tránh an toàn. Các phương án ứng phó với bão RAI được các cấp chính quyền và người dân chuẩn bị khẩn trương./.

Theo VOV

TỪ KHÓA #tin bão rai