Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Các khoản phí lao động đi xuất khẩu cần biết

07:04 09/04/2022 GMT+7
Ngay sau khi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2022), Tạp chí Nông thôn mới nhận được nhiều câu hỏi của bạn đọc, đề nghị giải đáp một số vấn đề liên quan đến những quy định của luật này.

Bên cạnh những câu hỏi về điều kiện để được đi làm việc ở nước ngoài (xuất khẩu lao động), trách nhiệm đối với người lao động của đơn vị đưa người ra nước ngoài làm việc… thì vấn đề mà bạn đọc quan tâm nhất là nghĩa vụ tài chính để được đi xuất khẩu lao động?… Tạp chí Nông thôn mới xin trích đăng một số câu hỏi và giải đáp của Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Công ty Luật SBLAW). 

LS. Nguyễn Thanh Hà.

Bạn đọc Nguyễn Văn Tài (Nam Định): Để được đi xuất khẩu lao động thì phải nộp những khoản tiền gì?

Điểm d, khoản 2, Điều 6, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài quy định: Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có nghĩa vụ: “d) Nộp tiền dịch vụ, thực hiện ký quỹ theo quy định của Luật này”. Như vậy để được đi xuất khẩu lao động, bạn phải nộp hai khoản tiền: Tiền dịch vụ và tiền ký quỹ.

Bạn đọc Trần Thị Thêu (Hà Tĩnh): Tôi được một bạn ở Công ty Xuất khẩu lao động tư vấn rằng: Để được đi xuất khẩu lao động thì phải nộp tiền dịch vụ. Vậy khoản tiền đó là gì? Nếu phải nộp thì nộp bao nhiêu?

 * Theo Khoản 1, Điều 23, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thì: Khái niệm “Tiền dịch vụ” được hiểu như sau: Tiền dịch vụ là khoản thu của doanh nghiệp dịch vụ nhận được từ bên nước ngoài tiếp nhận lao động và người lao động để bù đắp chi phí, tìm kiếm, phát triển thị trường, đàm phán, ký kết hợp đồng cung ứng lao động, quản lý người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật này.

 * Tiền dịch vụ mà doanh nghiệp dịch vụ thu từ người lao động phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

- Theo thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ;

- Không vượt quá mức trần quy định tại khoản 4 Điều 23;

- Chỉ được thu sau khi hợp đồng cung ứng lao động đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chấp thuận và hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã được ký kết;

- Trong trường hợp bên nước ngoài tiếp nhận lao động đã trả tiền dịch vụ thì chỉ được thu từ người lao động số tiền còn thiếu so với mức tiền dịch vụ đã thỏa thuận.

* Mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động được quy định như sau:

- Không quá 1 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng cho mỗi 12 tháng làm việc; đối với sĩ quan và thuyền viên làm việc trên tàu vận tải biển không quá 1,5 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng cho mỗi 12 tháng làm việc. Trường hợp thỏa thuận trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài từ 36 tháng trở lên thì tiền dịch vụ không được quá 3 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng;

- Trường hợp có thỏa thuận về việc thu tiền dịch vụ cho thời gian gia hạn hợp đồng lao động trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thì mức tiền dịch vụ tối đa cho mỗi 12 tháng gia hạn làm việc không quá 0,5 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng;

- Đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết mức trần tiền dịch vụ thấp hơn quy định trên.

Bạn đọc Phạm Văn Mạnh (Đăk Lăk): Tôi đã nộp toàn bộ tiền dịch vụ trong thời gian 3 năm cho doanh nghiệp dịch vụ đã đưa tôi đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên vì doanh nghiệp nước ngoài nơi tôi làm việc gặp sự cố, không bố trí được việc làm nữa, nên tôi mới làm việc được 1 năm phải về nước. Vậy tôi có được hoàn trả lại tiền dịch vụ đã nộp không?

Khoản 3, Điều 23, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài quy định: Trường hợp doanh nghiệp dịch vụ đã thu tiền dịch vụ từ người lao động cho toàn bộ thời gian làm việc thỏa thuận trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mà người lao động phải về nước trước thời hạn và không do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp dịch vụ phải hoàn trả cho người lao động số tiền dịch vụ và tiền lãi theo tỷ lệ tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Người lao động học kỹ năng và ngôn ngữ trước khi xuất khẩu lao động. Ảnh: G. Nam

Bạn đọc Bùi Văn Đoàn (Cà Mau): Khi tôi làm thủ tục để đi xuất khẩu lao động, thì Công ty dịch vụ yêu cầu tôi phải nộp tiền ký quỹ. Yêu cầu này có đúng không? Tại sao phải nộp tiền ký quỹ?

Một trong những nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quy định tại khoản 2, Điều 6, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài quy định: “thực hiện ký quỹ theo quy định của Luật này”. Do vậy việc Công ty dịch vụ yêu cầu bạn nộp tiền ký quỹ là có cơ sở.

Khoản 1, Điều 330, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc các giấy tờ trị giá được bằng tiền vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ”.

Còn tại Điều 25, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài quy định “Tiền ký quỹ của người lao động” như sau:

“1. Doanh nghiệp dịch vụ thỏa thuận với người lao động về việc ký quỹ để bảo đảm người lao động thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo thỏa thuận với bên nước ngoài tiếp nhận lao động.

2. Người lao động thỏa thuận với doanh nghiệp dịch vụ về việc gửi tiền ký quỹ vào tài khoản phong tỏa của người lao động tại ngân hàng.

3. Người lao động được nhận lại cả gốc và lãi tiền ký quỹ khi thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Trường hợp người lao động vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tiền ký quỹ của người lao động được doanh nghiệp dịch vụ sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra; nếu tiền ký quỹ còn thừa thì phải trả lại cho người lao động, nếu không đủ thì người lao động phải nộp bổ sung.

4. Trường hợp có tranh chấp phát sinh về việc doanh nghiệp dịch vụ không trả tiền ký quỹ, người lao động có quyền kiến nghị đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật…”

Bạn đọc Lò Thị Tươi (Sơn La): Theo quy định thì tiền ký quỹ để đi xuất khẩu lao động phải nộp bao nhiêu?

Khoản 5, Điều 25. Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài quy định: “Chính phủ quy định mức trần tiền ký quỹ của người lao động phù hợp với từng thị trường, ngành, nghề...”. Điều 29, nghị định số 112/2021/NĐ-CP, ngày 10/12/2021 của Chính phủ quy định “mức trần tiền ký quỹ của người lao động” như sau: Doanh nghiệp dịch vụ và người lao động thỏa thuận về ngân hàng nhận ký quỹ, việc ký quỹ, trong đó tiền ký quỹ không vượt quá mức trần quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này và phải được ghi rõ trong Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Để biết thông tin chi tiết, các bạn tham chiếu Nghị định trên.

Lê Chiên (tổng hợp)