Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cách mạng công nghiệp 4.0: Tác động thế nào đến lực lượng lao động?

20:56 24/11/2018 GMT+7

Giai đoạn trước, Việt Nam thu hút FDI ở các ngành nghề thâm dụng lao động. Với xu hướng cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 ngày một đến gần, cục diện này sẽ phải thay đổi theo hướng ưu tiên thu hút các ngành dựa trên nền tảng CMCN 4.0. Ước tính trong giai đoạn 2018-2025, sẽ có khoảng 8-16 triệu người lao động bị ảnh hưởng.

TP.HCM với đô thị sáng tạo

Với chủ đề “Kiến tạo đô thị sáng tạo, tương tác-Vai trò động lực của doanh nghiệp “, Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2018 (HEF 2018) diễn ra ngày 23/11/2018 với sự tham gia của hơn 600 học giả, chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, doanh nhân trong nước và quốc tế.  Đây là sự kiện lần đầu tiên được chính quyền TP.HCM tổ chức nhằm giới thiệu về kế hoạch xây dựng khu vực phía Đông thành phố theo xu hướng đô thị sáng tạo.

Ông Nguyễn Thành Phong -Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: TP.HCM đang hướng đến mô hình đô thị thông minh với việc chọn khu Đông để xây dựng đô thị đổi mới sáng tạo. Đề án này kỳ vọng làm nền tảng lan tỏa cho cả vùng, dựa vào các trụ cột quan trọng hiện nay như Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Đại học Quốc gia và Khu công nghệ cao TP.HCM.

Trong Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều lao động sẽ mất việc làm do bị máy móc thay thế. Các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của công việc.

Nội dung HEF 2018: Cuộc CMCN 4.0; Xu hướng các mô hình, vai trò tác động của các đô thị sáng tạo đối với việc tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia, địa phương theo hướng phát triển nhanh và bền vững. Từ đó thu hút đầu tư, định hướng đầu tư, định hướng sự phát triển của doanh nghiệp; Vai trò động lực của doanh nghiệp trong quá trình kiến tạo đô thị sáng tạo, đề xuất giải pháp thúc đẩy, tạo động lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp TP.HCM.

Việc hình thành khu đô thị sáng tạo dựa trên các ý tưởng: Xây dựng một khu vực phát triển đô thị công nghệ cao và thông minh trọng điểm của TP.HCM, toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; Thúc đẩy sự phát triển kinh tế của TP.HCM và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dựa trên mũi nhọn là nền kinh tế tri thức.

Đô thị thông minh Bình Dương

Bình Dương, địa phương đầu tiên ở Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Cộng đồng Thành phố Thông minh Smart 21 (ICF) năm 2019.

ICF lựa chọn 21 thành phố-khu vực có chiến lược phát triển Thành phố Thông minh tiêu biểu của thế giới dựa trên số liệu định lượng và định tính, được đánh giá bởi một nhóm các nhà phân tích.  ICF dựa trên quy chuẩn, khái niệm để tập trung phát triển các yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của cộng đồng về kinh tế, xã hội và văn hóa.

Thành phố thông minh đề ra quy chuẩn về lực lượng lao động tri thức. Ngày nay tất cả các cơ hội việc làm hấp dẫn ở nền kinh tế phát triển đều đòi hỏi lượng kiến thức lớn hơn. Mỗi cá nhân đều không ngừng cải thiện các kỹ năng khác nhau, vì đó là cách duy nhất để khẳng định giá trị bản thân.

Khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ đòi hỏi phải có một lực lượng lao động tri thức cao để có thể sử dụng những thiết bị công nghệ đó phục vụ công việc. Trong tương lai, nếu người lao động không tạo ra được những giá trị gia tăng vượt qua mức chi phí lương của họ, họ sẽ bị thay thế bởi công nghệ (phần mềm, phần cứng).

Nguồn nhân lực bị tác động như thế nào ?

Tại Hội thảo khoa học “Bàn về một số định hướng tái cơ cấu kinh tế Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0” ngày 22/11, TS.Lê Huy Khôi -Viện Nghiên cứu chiến lược-chính sách Công Thương, cho biết: Chúng ta cần phải dự tính kịch bản sắp tới về nguồn nhân lực ở các tập đoàn đa quốc gia hiện diện tại Việt Nam.

Bà Phan Thị Minh Hiền -Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, nêu thông tin: Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đánh giá CMCN 4.0 diễn ra làm cho một số nghề và lĩnh vực có nguy cơ bị robot thay thế, bao gồm công nhân nhà máy, nhân viên thu ngân, lái xe taxi, nhân viên chăm sóc khách hàng, phi công….

Về tỷ lệ lao động trong một số ngành có nguy cơ bị robot thay thế, ILO cung cấp: Việt Nam sẽ có khoảng 20-40% lao động có khả năng bị chuyển đổi sang các nghề khác, thất nghiệp hoặc thiếu việc làm trong tiến trình phát triển của cuộc CMCN 4.0. Ước tính trong giai đoạn 2018-2025, sẽ có khoảng 8-16 triệu người lao động bị ảnh hưởng khi CN 4.0 được thực hiện thành công.

Như vậy, yêu cầu của sự phát triển kinh tế càng đòi hỏi một nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng cao hơn, đây là thách thức lớn nhất của Việt Nam trong thời gian tới. Chúng ta cần có chiến lược bù đắp sự thiếu hụt lao động có trình độ nghề và kỹ năng để đáp ứng được yêu cầu của kinh tế.

Mạnh Hùng