Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cán bộ Đoàn 9x vùng biên khởi nghiệp thành công

08:42 26/03/2021 GMT+7

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở xã Phong Châu (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng), từ khi còn nhỏ La Trọng Điệp (SN 1992) đã có suy nghĩ làm giàu trên chính quê hương mình. Đến nay, anh đã khởi nghiệp thành công với mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái.

Anh La Trọng Điệp đang tự tay thiết kế vườn chanh leo với cây dẻ để trở thành điểm du lịch nông nghiệp.

Cơ giới hoá nông nghiệp vùng biên

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường miền Trung, năm 2014, La Trọng Điệp trở về quê hương chờ nộp hồ sơ xin việc. Trong thời gian phụ giúp gia đình làm kinh tế, anh Điệp nhận thấy việc công việc sản xuất nông nghiệp của gia đình đa phần vẫn sử dụng công cụ lao động thô sơ như: Cày bừa bằng trâu, gặt lúa bằng tay… rất vất vả nhưng năng suất lao động không cao.

Từ đó, ý tưởng đưa máy móc về phụ giúp gia đình đã nhanh chóng được hình thành. Ban đầu anh Điệp bàn với gia đình mua một chiếc máy cày để cày ruộng của gia đình. Ngoài ra còn thời gian sẽ đi làm cho các hộ gia đình trong thôn, xóm để kiếm thêm thu nhập. Vì chưa được tiếp cận đến máy móc nông nghiệp hiện đại nên ý tưởng của Điệp đã bị gia đình đã phản đối kịch liệt, coi đây là hoang đường không thể thực hiện được.

Không nản chí sau sự phản đối của gia đình, vụ lúa mùa năm 2014, anh Điệp đã vay mượn tiền của người thân được 10 triệu đồng mua 5 chiếc máy cắt lúa về để phục vụ cho gia đình và phục vụ bà con. Ban đầu Điệp đã phải đi từng đám ruộng, từng làng để hướng dẫn, vận động bà con sử dụng máy gặt lúa thay cho cắt bằng liềm.

Thấy việc đưa máy móc vào sản xuất giúp giảm sức lao động và năng suất cao hơn hẳn, gia đình, người thân và hàng xóm đã bắt đầu tin tưởng, ủng hộ Điệp. Từ đó, một cửa hàng cung cấp máy móc như: Máy kéo, máy cày, máy vun ngô, máy cắt cỏ, cưa máy… đã ra đời và ngày càng phát triển.

Anh La Trọng Điệp cho biết: Để nắm bắt nguyên lý hoạt động của những loại máy móc nông nghiệp, bản thân đã tự mình tìm tòi, học hỏi trên các trang mạng internet, video hướng dẫn…Tất cả các loại máy khi nhập về đích thân phải tự mình vận hành thử. Từ đó mới có được những tư vấn hiệu quả cho bà con khi đến với cửa hàng.

Hiện nay, không chỉ ở địa bàn huyện Trùng Khánh, Điệp còn nhận cung ứng, hướng dẫn và sửa chữa máy móc cho bà con ở các huyện Trà Lĩnh, Quảng Uyên… Từ cửa hàng của anh Điệp, giờ đây người dân đã biết sử dụng các loại máy móc vào để dần thay thế sức người trong sản xuất nông nghiệp.

Anh Đoàn Văn Nghĩa (ở xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh) chia sẻ: Gia đình anh có 8 sào ruộng, trước đây cày bằng trâu phải mất 3-4 ngày. Nhưng từ năm 2018, anh đã mua chiếc máy cày từ cửa hàng anh Điệp về sử dụng. Đến nay, việc cày cấy của gia đình đã rất thuận lợi. Mỗi vụ chỉ mất 1 ngày là cày xong. Anh còn nhận cày thuê cho các hộ gia đình khác, mỗi vụ cũng kiếm thêm 5-7 triệu đồng.

Mỗi khi có máy móc hưng hỏng, dù buổi tối nhưng Điệp và các cộng sự vẫn luôn nhiệt tình sửa chữa.

Bền vững từ nông nghiệp du lịch

Xã Phong Châu nằm trên trục đường đi thác Bản Giốc. Hàng năm có hàng trăm nghìn lượt khách đến thăm quan. Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển các sản phẩm nông nghiệp ở địa phương làm quà kỷ niệm phục vụ cho du khách.
Năm 2019, sau khi dự diễn đàn về khởi nghiệp nông thôn do Tỉnh đoàn Cao Bằng tổ chức, Điệp đã mạnh dạn xây dựng mô hình vườn chanh leo diện tích 3ha kết hợp với chăm sóc và bảo tồn các gốc cây hạt dẻ cổ thụ để thu hút khách du lịch đến thăm quan trải nghiệm tại vườn.

Với bản tính cần cù, thông minh, Điệp đã tự nghiên cứu và thiết kế khu vườn với đường đi, lối vào thuận lợi, hấp dẫn. Giờ đây vườn chanh leo xanh mướt được kết hợp với những cây dẻ cổ thụ cao hàng chục mét, tạo khu vực trải nghiệm đặc biệt cho du khách khi dừng chân.

Đang hái những trái chanh leo chị Nguyễn Thị Thanh (du khách Hà Nội) cho biết: Tranh thủ dịp cuối tuần gia đình lên thác Bản Giốc để du lịch. Thấy điểm dừng chân của bạn Điệp khá đẹp, chúng tôi xuống để thăm quan. Không ngờ vừa được tận tay thu hái trái cây, ngắm cảnh đẹp với bầu không khí trong lành, khi ra vườn lại có thể mua về chanh leo, hạt dẻ về làm quà. Đây đúng là trải nghiệm rất tuyệt vời.

Chia sẻ thêm về những định hướng trong thời gian tới, La Trọng Điệp cho biết thêm: Xã Phong Châu với khí hậu mát mẻ quanh năm nhiệt độ trung bình 18oC, đây là điều kiện rất tốt để phát triển cây dược liệu. Qua tìm hiểu, kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn, tôi sẽ bắt tay thêm vào việc trồng một số cây như: Bạch cập, thạch hộc thiết bì, địa liền… để cung cấp cho các doanh nghiệp và cũng định hướng những vườn dược liệu sẽ là điểm cho du khách đến thăm quan.

Phó Bí thư Đoàn xã Phong Châu – La Trọng Điệp (áo xanh) luôn đi đầu trong các phong trào thi đua của xã.

Ngoài việc mạnh dạn, đi đầu phát triển kinh tế tại địa phương, La Trọng Điệp còn là một Phó bí thư Đoàn xã năng động. Anh luôn chủ động, gương mẫu tuyên truyền vận động bà con thực hiện tốt phát triển kinh tế và tham mưu cho lãnh đạo xóm mở đường giao thông, thủy lợi nhằm phục vụ tưới tiêu cho cây trồng. Đồng thời, tuyên truyền vận động đoàn viên, thanh niên trong đơn vị tham gia các hoạt động tình nguyện, các phong trào hành động cách mạng của thanh niên đặc biệt là tham gia phát triển kinh tế nông nghiệp dựa trên những tiềm lực sẵn có của địa phương.

Với sự nỗ lực của mình, năm 2017, La Trọng Điệp đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Năm 2018 và 2019, anh được Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong Lễ hội du lịch Thác Bản Giốc; Giấy khen của BCH Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Trùng Khánh có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thiếu nhi năm 2019.

Anh Điệp đã tự nghiên cứu và thiết kế khu vườn với đường đi, lối vào thuận lợi, hấp dẫn. Giờ đây vườn chanh leo xanh mướt được kết hợp với những cây dẻ cổ thụ cao hàng chục mét, tạo khu vực trải nghiệm đặc biệt cho du khách khi dừng chân.

Hoàng Tính