Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cán bộ Hội cơ sở - những hòa giải viên giúp “ngăn chặn” mâu thuẫn

Bài, ảnh: Hoàng Hằng - 07:14 13/01/2022 GMT+7
Trên địa bàn xã Minh Hải (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) hiện nay đang có 10 doanh nghiệp hoạt động, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động tại địa phương và các vùng lân cận. Tuy nhiên, tốc độ công nghiệp và đô thị hóa trên địa bàn đã làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.
Tổ hòa giải xã Minh Hải họp bàn các nội dung tuyên truyền cho buổi sinh hoạt chi hội.

Sát cơ sở mới có hướng giải quyết hiệu quả

Phát huy vai trò của các tổ hòa giải ở cơ sở, kịp thời hóa giải những mâu thuẫn nảy sinh, giữ gìn tình đoàn kết trong hội viên nông dân; góp phần phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội là những cách làm hay và hiệu quả trong việc thực hiện vai trò của Hội Nông dân trong việc tiếp công dân và tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân.

Ngay từ khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội Nông dân xã  Minh Hải, anh Lê Văn Thành đã chủ động cùng với các đồng chí trong Ban Chấp hành Hội Nông dân xã  luôn bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện  vọng  của hội viên nông dân trong từng chi hội để kịp thời tháo gỡ những mâu thuẫn nhỏ ngay khi còn trong “trứng  nước”, giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết tương thân tương ái trong cán bộ, hội viên; hàn gắn vun đắp sự hòa thuận, hạnh phúc cho từng gia đình, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.  

Khi UBND tỉnh Hưng Yên ban hành quyết định về việc thành lập Cụm công nghiệp Minh Hải 1 thuộc huyện Văn Lâm với diện tích gần 69ha. Làn sóng đô thị ập đến, khiến giá đất tăng cao chóng mặt cũng là một nguyên nhân nảy sinh các sự việc nổi cộm như vụ tranh chấp đất đai tại chi hội Thanh Đặng. Anh em ruột thịt tranh giành đất đai do bố mẹ để lại, anh em từ mặt nhau, không ai chịu nhường ai, vụ việc tưởng chừng rơi vào bế tắc.

Nhưng với  sự kiên trì của tổ hòa giải, sau 3 lần gặp gỡ với những lời lẽ thuyết phục  cuối cùng tổ hòa giải cũng thành công với niềm vui và hạnh phúc khôn tả, đó chính là  động lực của những người làm công tác hòa giải ở Hội Nông dân xã không ngừng cố gắng.

Thực hiện Kế hoạch số 93A/ KH-UBND ngày 31/3 2017 của UBND tỉnh về “xử lý giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi và hoạt động bến bãi, khai thác cát trái phép’”, Hội Nông dân huyện cũng đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã tiến hành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương và tỉnh về công tác quản lý đất đai đến cán bộ, hội viên nông dân trong toàn xã, đã vận động được 3 hộ dân tự tháo dỡ các công trình vi phạm trái phép.

Anh Thành chia sẻ: Đội ngũ cán bộ chi, tổ hội  ở cơ sở chính là đội ngũ hòa giải viên có vai trò quan trọng trong việc “ngăn chặn” những mầm mống mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong các thôn, xóm. Bởi, không có ai có thể thấu hiểu, tường tận mọi “ngóc ngách” của những mâu thuẫn phát sinh trên địa bàn, dù mới chỉ “trong trứng nước” hoặc đang “âm thầm” trong mỗi gia đình bằng chính những người sống trong cộng đồng, nhất là những người được hội viên nông dân tín nhiệm trong công tác hòa giải. Chỉ những việc lớn, phức tạp, vượt quá thẩm quyền giải quyết thì mới chuyển các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết, còn cơ bản việc hòa giải phần lớn là dùng phương pháp phân tích, thuyết phục, trên cơ sở quy định của pháp luật, phong tục, truyền thống, uy tín, nêu gương là chính để “tư vấn”, “hỗ trợ”, “xoa dịu” hai bên khi có tranh chấp, hướng họ giải quyết vấn đề qua phương diện tình cảm không để “chuyện bé xé ra to” gây mất tình hàng xóm láng giềng, là những mầm mống gây mất an ninh trật tự tại nông thôn. 

Bí quyết trong việc hòa giải và tuyên truyền vận động hội viên nông dân đạt hiệu quả tích cực là những buổi đến tận các hộ gia đình, gần dân, sát dân được tổ chức thường xuyên, tần suất nhiều hơn ở mỗi khu vực dân cư. Với những hoàn cảnh gia đình khác nhau, các vụ việc khác nhau thì lại phải có những giải pháp, phương án cụ thể, để “đánh trúng, đúng, kịp thời”thì mới thành công - anh Thành chia sẻ thêm.

 Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân

Song song với đó, Hội Nông dân xã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an xã trong việc đảm bảo công tác giữ gìn ANTT tại địa phương.Trong vòng 3 năm trở lại đây, Hội Nông dân xã đã phối hợp tổ chức được 3 lớp phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho 240 lượt cán bộ hội viên nông dân; Phối hợp với đài truyền thanh xã tuyên truyền đến tận các chi hội; Phối hợp hòa giải thành công 5 vụ việc; 2 vụ việc không thuộc thẩm quyền Hội đã làm thủ tục chuyển cấp có thẩm quyền giải quyết.     

Bà Đào Thị May, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Văn Lâm cho biết: Công tác  tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và hoạt động hoà giải tại xã Minh Hải trong thời gian qua được Hội Nông dân xã triển khai thực hiện rất tốt, tỷ lệ hoà giải thành cao. Công tác hòa giải cơ sở đã thực sự là sức mạnh “vô hình”, hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những việc vi phạm pháp luật, tranh chấp trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp, góp phần quan trọng trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương nhất là trong giai đoạn tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra rất sôi động trên địa bàn như hiện nay.  

“Chỉ những việc lớn, phức tạp, vượt quá thẩm quyền giải quyết thì mới chuyển các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết, còn cơ bản việc hòa giải phần lớn là dùng phương pháp phân tích, thuyết phục, trên cơ sở quy định của pháp luật, phong tục, truyền thống, uy tín, nêu gương là chính để “tư vấn”, “hỗ trợ”, “xoa dịu” hai bên khi có tranh chấp, hướng họ giải quyết vấn đề qua phương diện tình cảm không để “chuyện bé xé ra to” gây mất tình hàng xóm láng giềng, là những mầm mống gây mất an ninh trật tự tại nông thôn.”
Anh Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã  Minh Hải