Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cán bộ Hội “đa di năng”

10:51 21/02/2021 GMT+7

Là kỹ sư thủy lợi, khi tham gia Hội Nông dân (ND) xã Yên Đồng (huyện Yên Mô, Ninh Bình) và được tín nhiệm bầu là Chủ tịch Hội ND xã, ông Phạm Thúc Kinh đã giúp hội viên, nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả nhằm nâng cao đời sống, đổi mới bộ mặt nông thôn.

Đưa cây chuối về đồng trũng kết hợp nuôi cá giúp người dân Yên Đồng nâng cao thu nhập.

Giúp nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật

Với vai trò Chủ tịch Hội ND xã, ông Kinh đã tích cực liên hệ với các phòng, ban chuyên môn của tỉnh và huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, kỹ thuật chăn nuôi… Qua đó giúp cho hội viên, nông dân hiểu được việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, việc xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả, nhằm đổi mới bộ mặt nông thôn, phát triển một cách toàn diện cả về kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường.

“Xây dựng mô hình kinh tế mới là xây dựng cho chính mình, người dân là lực lượng chủ yếu tham gia vào quá trình xây dựng mô hình. Người dân có ý thức, trách nhiệm tham gia ngay từ đầu các bước như: Quy hoạch, phương án xây dựng mô hình, kinh phí khi xây dựng mô hình… rồi đến sự lựa chọn làm việc gì trước, việc gì sau…” ông Kinh nói.
Để lan tỏa kiến thức, kỹ năng cho hội viên, năm 2015, ông Kinh lập trang facebook Hội. Hàng tuần, hàng tháng, Ban Thường vụ trực tiếp đăng tải các mô hình hay, cách làm hiệu quả cũng như các video hướng dẫn hội viên áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất. Lồng ghép với các tin, bài, ảnh các hoạt động thiết thực hoạt động hỗ trợ hội viên của Ban Chấp hành Hội.

“Qua trang facebook Hội, chúng tôi tuyên truyền các Nghị quyết, chính sách mới đến với nông dân. Đặc biệt, qua mạng xã hội, Hội ND xã đã vận động con em địa phương thành đạt đóng góp xây dựng Quỹ HTND. Trong giai đoạn 2015-2020, Quỹ HTND xã tăng 136 triệu đồng” ông Kinh cho hay.

Đưa cây con mới vào sản xuất

Xuất phát từ thực tế địa phương có nhiều diện tích đất sâu trũng, cấy lúa rất kém hiệu quả, một năm chỉ được mùa 1 vụ. Khi xã đưa ra đấu thầu cũng không ai tham gia. Đứng trước thực trạng đó, Ban Thường vụ Đảng ủy xã giao trách nhiệm cho Hội ND xã tuyên truyền, vận động nhân dân đấu thầu để tránh tình trạng “ruộng lâu không cày” và đã có 2 hộ tham gia.

Để giúp người dân chuyển đổi mô hình, Hội ND xã cùng 2 hộ dân sang huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) tham quan một số mô hình về trồng cây, con mới có hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt là đã tìm được mô hình trồng chuối Tây Thái Lan kết hợp nuôi cá là phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại khu vực. Hội ND xã đã đề nghị Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ giống; tham mưu Ban Thường vụ Đảng ủy xã, lãnh đạo UBND xã có cơ chế hỗ trợ cho các hộ tiến hành việc đào đắp xây dựng mô hình.

Những ngày đầu khi mới triển khai mô hình, ông Kinh đã tích cực “bám ruộng” cùng 2 hộ dân để đôn đốc tiến độ thực hiện cũng như kịp thời hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Hội ND xã còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Phòng NN&PTNT huyện tổ chức nhiều buổi tập huấn tại Hội trường cũng như tập huấn tại thực địa cho người dân kỹ thuật trồng chuối, đảm bảo cho người dân nắm chắc kỹ thuật vào sản xuất.

“Do địa hình vùng trũng nên khi học tập mô hình trồng chuối Tây Thái Lan các hộ dân có sự sáng tạo là trồng chuối kết hợp thả các giống cá như: Trắm, chép, trôi…. nhằm tận dụng những rãnh nước ở giữa những dãy chuối (được đào rộng khoảng 8m). Tận dụng lá cây chuối, thân cây chuối là nguồn thức ăn cho cá được nuôi dưới các rãnh. Đó là sự sáng tạo, rất phù hợp với vùng đất chiêm trũng trên và tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích” ông Kinh cho hay.
Đến nay, mô hình trồng chuối Tây Thái Lan kết hợp nuôi cá đã đạt được hiệu quả kinh tế rất cao, doanh thu đạt hơn 300 triệu/ha/năm, lãi ròng mỗi năm đạt hơn 200 triệu/ha. Đây là một trong những mô hình có sức lan tỏa nhanh nhất trên địa bàn xã Yên Đồng nói riêng và trên địa bàn huyện Yên Mô nói chung trong những năm gần đây. Từ chỗ chỉ có 2 hộ với diện tích 2,2ha, đến nay, tổng diện tích trên địa bàn xã hơn 22,3ha với 42 hộ tham gia.

Mô hình nuôi thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao của nông dân xã Yên Đồng.

Hỗ trợ hình thành chuỗi liên kết

Xã Yên Đồng là một trong những xã có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất tỉnh, với tổng diện tích 603ha. Tuy nhiên, việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản tại địa bàn xã còn hạn chế. Đặc biệt, nguồn giống phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, không kiểm soát được chất lượng con giống. Chính những hạn chế trên nên năng suất và hiệu quả kinh tế do nuôi trồng thuỷ sản chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của địa phương.

Nhận thấy khó khăn của bà con, năm 2016, ông Kinh đã đứng ra trực tiếp thành lập Tổ Hợp tác nuôi trồng thủy sản xã liên kết 52 hộ thành viên và ông trực tiếp là tổ trưởng tổ hợp tác. Hội ND xã trực tiếp ký Hợp đồng liên kết sản xuất – tiêu thụ giống thủy sản với Trung tâm Giống thủy sản tỉnh để thực hiện sản xuất- tiêu thụ giống thủy sản. Đồng thời, Hội ND xã còn phối hợp cùng Trung tâm ứng dụng Công nghệ cao (Sở NN&PTNT tỉnh) hướng dẫn các hộ nuôi cá thương phẩm áp dụng theo hướng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đến năm 2018, Tổ hợp tác được nâng thành HTX Chăn nuôi – Thủy sản Sông Đằng. Từ chỗ phụ thuộc hoàn toàn mua cá giống từ nơi khác, đến nay đã đáp ứng được nhu cầu cung cấp giống cá chất lượng, đảm bảo ngay tại chỗ cho các hộ nuôi cá thương phẩm tại địa bàn xã và một số xã lân cận. HTX đạt doanh thu từ 200-250 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận từ 100-130 triệu/ha/năm. Các mô hình ao nổi nuôi cá thâm canh ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả kinh tế cao đang phát triển mạnh tại địa bàn xã.

Bên cạnh các mô hình trên, trong những năm qua, ông Kinh cùng với BCH Hội ND xã trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ các mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao cho hội viên như: Mô hình nuôi thỏ Newzealand, mô hình nuôi cá trắm đen thương phẩm, mô hình nuôi gà VietGAP, mô hình nuôi ếch Thái Lan… Các mô hình góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tập quán canh tác của nhân dân, từng bước sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa… Qua đó, có nhiều cá nhân, hộ gia đình dám nghĩ, dám làm, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế của địa phương.

Tâm Đan