Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cán bộ Hội tâm huyết, gắn bó với nông dân

09:41 16/02/2021 GMT+7

Gần chục năm gắn bó với “tam nông”, nhưng đó là khoảng thời gian mà người đàn ông cầm tinh con Trâu (sinh năm 1961) cảm thấy hạnh phúc nhất, luôn tâm niệm cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, làm nhiều hơn nữa cho nông dân. Đó là ông Nguyễn Khắc Văn – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ.

Ông Nguyễn Khắc Văn (người mặc áo trắng), Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ trong những chuyến công tác về với nông dân.

Ám ảnh bởi mớ bắp cải ế

Sau nhiều lần hẹn gặp, hết giờ làm việc ông Văn mới đồng ý tiếp chuyện tôi. Trái với hình dung của tôi về một người lãnh đạo sang trọng, ông Văn xuất hiện với dáng vẻ đúng chất “cán bộ Hội Nông dân”. Gương mặt hiền, phúc hậu, giọng nói ấm ông kể cho tôi về cơ duyên đến với cương vị này.

Ông Văn cho biết, trước đây ông từng trải qua nhiều cương vị. Có lúc làm Phó chủ tịch UBND huyện cho đến năm 2013, ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ.

Sau 8 năm gắn bó với hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân, là cán bộ Hội điều làm ông trăn trở nhiều nhất là làm thế nào để nông dân bớt khổ, có thể sống tốt bằng chính sức lao động của mình trên cánh đồng, nơi làng quê.

Ông Văn tâm sự, hoạt động Hội là hoạt động của đoàn thể chính trị xã hội, tương đối rộng, vừa có kinh tế, vừa hoạt động chính trị – xã hội, quốc phòng – an ninh… nhưng đây cũng là lĩnh vực giúp ông có cơ hội tiếp xúc nhiều với bà con nông dân.

“Trong suốt thời gian làm việc tại Hội, tôi cũng được đi nhiều, hiểu nhiều hơn về đời sống, sinh hoạt của người nông dân. Từ đó thấy rằng đời sống của người nông dân nước mình còn vất vả lắm, vì thế cần phải cố gắng hơn để giúp đỡ, mang lại nhiều hơn lợi ích cho bà con”, ông Văn chia sẻ.

Nhiều chuyến đi xuống dân đã để lại cho ông rất nhiều những tình cảm sâu sắc, ấn tượng. Có những lần về với nông dân khiến mắt ông phải cay xè vì chứng kiến cảnh bà con sản xuất ra rau củ quả, mất bao tiền của, công sức nhưng lại không bán được.

Ấn tượng, ám ảnh nhất với ông vẫn là câu chuyện mớ bắp cải và 200 nghìn đồng. “Có lần tôi về với nông dân huyện Thanh Thủy, thấy bà con sản xuất ra rau bắp cải bán rất rẻ, chỉ có 2 nghìn đồng một mớ có khi còn không bán được. Tôi có hỏi thăm thì bà con nói rẻ quá muốn bán rẻ mà còn không được. Bắp cải để lâu già bị nứt ra càng không bán được. Lúc bây giờ trong túi tôi cũng chỉ có vài trăm nghìn, tôi rút tiền mừng tuổi chị ấy 200 nghìn đồng, chị ấy cảm động và bật khóc. Chị nói, 200 nghìn đồng này bằng cả một sào cải bắp của chị ấy”, ông Văn kể lại giọng đầy xúc động.

Ông chia sẻ thêm, với cán bộ công chức có thể 200 nghìn chưa đáng bao nhiêu, nhưng với người nông dân nó cực kỳ quý. Sự chia sẻ dù ít ỏi nhưng với người nông dân quen lam lũ, vất vả thì người ta rất nhớ. Chính bởi vậy mà lúc nào ông Văn cũng tâm niệm phải cố gắng để có thể hỗ trợ, ngoài việc khuyến khích nông dân sản xuất thì cũng cần phải tăng cường hỗ trợ thông tin, phối hợp tiêu thụ được nhiều nông sản cho nông dân.

Trăn trở, mong có thể hỗ trợ nông dân nhiều hơn nữa

Trong thực tế, theo ông Văn phụ trách lĩnh vực công tác Hội thì phải luôn gần dân, sát dân bám vào hoạt động sản xuất của người dân để tư vấn, hỗ trợ giúp đỡ người nông dân. Dù luôn cố gắng nhưng ông vẫn luôn trăn trở, nghĩ cách để có thể giúp nông dân.

“Nông dân hiện nay còn thiếu thốn rất nhiều, thiếu vốn, thiếu phương tiện sản xuất. Thiếu cả khoa học kỹ thuật. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, nông dân bây giờ chuyển dịch cả sang lao động khu công nghiệp, dịch vụ. Công việc lại không đều, lúc làm trong xí nghiệp, lúc lại làm nông nghiệp. Vì thế việc tiếp thu khoa học kỹ thuật, sự đầu tư cho đồng ruộng cũng không được chú trọng”, ông Văn nói.

Ông Văn mong muốn Đảng, Nhà nước, các cấp lãnh đạo, các nhà khoa học… có chính sách tham vấn và ban hành nhiều chính sách phát triển “tam nông” một cách bền vững giúp người dân yên tâm, gắn bó với mảnh đất đồng ruộng. Từ đó tạo sinh kế bền vững, đảm bảo thu nhập, đời sống.

Ông Văn cho rằng để có thể phát triển ngành Nông nghiệp, Nhà nước cần phải có nhiều hơn những chính sách tốt để thu hút doanh nghiệp vào làm nông nghiệp. Muốn vậy, cần phải thực hiện quy hoạch ruộng đất, tạo ra những cánh đồng sản xuất mẫu, gia tăng hợp tác xã, thúc đẩy liên kết các nhà trong sản xuất nông nghiệp để gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, ông Văn cũng cho rằng Đảng, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa tới các chính sách hỗ trợ đảm bảo, duy trì phát huy về đời sống văn hóa cho người dân và bà con nông dân ở nông thôn. Hiện nay, nhiều nhóm thiết chế ở cơ sở cũng được hoàn thiện, duy trì và bảo tồn, tuy nhiên số lượng vẫn còn hạn chế.

Lễ hội phong tục, tập quán được duy trì, nhiều phong tục tốt đẹp của người dân như: Điệu múa điệu nhảy của người Dao, điệu dân ca của người Mường, làn điệu dân ca, hát cổ, hát xoan… của Phú Thọ được khôi phục. “Nhìn chung phong trào văn hóa văn nghệ của cơ sở cũng rất phát triển. Đời sống vật chất – tinh thần của nông dân nâng lên, cũng là điều kiện cổ động nông dân hăng say sản xuất”, ông Văn nói.

Bằng tình yêu, sự gắn bó với người nông dân, ông Văn luôn mong muốn và cũng luôn tin tưởng rằng trong thời gian tới ngành Nông nghiệp sẽ có nhiều khởi sắc. Đời sống của người nông dân sẽ được cải thiện, nông dân sẽ trở thành những ông chủ trên chính mảnh ruộng, làng quê của mình.

“Trong những năm tháng tới, ngày nào còn gắn bó với công tác Hội ngày đó tôi sẽ còn cố gắng để đem chút sức lực của mình giúp nông dân bớt vất vả. Đó là tâm niệm, nhưng cũng là sự cam kết của tôi”.
Ông Nguyễn Khắc Văn – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ.

Minh Anh