Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cuộc chiến cam go để bảo vệ và xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cây sâm

19:17 28/12/2017 GMT+7

Một cuộc tranh giành thương hiệu cam go, kiên trì giữa hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam diễn ra rất khốc liệt trong suốt gần 10 năm. Cho đến khi Bộ Khoa học & Công nghệ đứng ra chủ trì thì sự việc mới đi đến hồi kết. Ngày 26/8/2016, Cục Sở hữu Trí tuệ – Bộ KH&CN đã trao Bản chính giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý sâm củ Ngọc Linh cho tỉnh Kon Tum và Bản phó giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý sâm củ Ngọc Linh cho tỉnh Quảng Nam.

Nan giải trong việc bảo quản vườn sâm

Để có được diện tích sâm Ngọc Linh như hiện nay, ngoài những khó khăn, chi phí rất lớn trong việc thu gom giống, việc bảo quản vườn sâm dưới tán rừng nguyên sinh cũng là khâu cực kỳ nan giải. Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô cho biết: Mặc dù đã được bố trí người trông coi cẩn thận, nhưng năm 2010, vườn sâm của Công ty hai lần bị trộm xâm nhập làm mất 1.700 cây sâm 4-5 năm tuổi. Năm 2014, 500 gốc sâm thuộc Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum cũng đã biến mất sau một đêm.

Để ngăn chặn việc mất trộm sâm, các danh nghiệp chỉ còn cách chấp nhận trả mức lương cao để thuê nhân công là người dân bản địa có sức khỏe tốt, am hiểu địa hình rừng núi để bảo vệ vườn sâm. Đồng thời cài đặt nhiều cặm bẫy và gắn bảng tuyên truyền để cảnh báo người dân không xâm phạm vườn sâm.

Hiện mỗi năm, tỉnh Kon Tum có thể thu giống trồng mới trên 20ha.

Theo ông Thảo Phó Giám đốc Công ty CP Sâm Ngọc linh Kon Tum cho biết: Việc mất trộm sâm còn dễ xử lý, nhưng việc vườn sâm bị thiệt hại do các loài gậm nhấm và đặc biệt là chuột đồng thì càng rất khó ngăn chặn. Loài chuột này rất thích ăn hạt sâm. Khoảng từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm, khi cây sâm ra hoa bắt đầu có hạt thì chuột xuất hiện trong vườn sâm nhiều vô kể. Loài chuột đã ăn “sạch sành sanh” cả hoa và hạt sâm, thậm chí là gậm nhấm cả củ sâm khiến cho hai công ty trồng sâm gặp nhiều khó khăn trong việc nhân giống.

Đã mất gần 10 năm, hai công ty loay hoay tìm nhiều biện pháp để diệt chuột. Và biện pháp lúc này chỉ có cách bố trí công nhân rọi đèn pin thâu đêm đi diệt chuột bằng súng bi, nỏ hoặc gậy gộc… nhưng vẫn không mấy hiệu quả. Năm 2012, nghe tin ông Trần Quang Thiều (ở Thường Tín, Hà Nội) có sáng kiến diệt chuột, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô đã tìm đến tận nơi mời ông Thiều lên tận “Lương Sơn” Ngọc Linh để nhờ hiến kế. Từ đây, kế diệt chuột bằng bẫy của ông Thiều đã được áp dụng một cách hiệu quả và được nhân rộng tại Kon Tum.

Cuộc chiến cam go để xây dựng thương hiệu

Lợi ích kinh tế to lớn mà cây sâm Ngọc Linh mang lại đã được khẳng định, nhưng để tăng chuỗi giá trị cho những sản phẩm tinh chế từ loại biệt dược quí giá này trong tương lai thì cần phải xây dựng thương hiệu cho sâm Ngọc Linh. Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu tính đến việc bảo tồn, phát triển nguồn giống, các nhà khoa học, nhà quản lý và nhà sản xuất trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tính ngay đến việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm Ngọc Linh.

Theo ông Lê Đức Thảo Cho biết: Khoảng từ năm 2006, trên địa bàn tỉnh Kon Tum xuất hiện một loài sâm Ngọc Linh giả được rao bán tràn lan với giá ngang bằng sâm Ngọc Linh thật. Loại sâm giả này cũng là loài dược liệu có tên Tam thất hay còn gọi là cây Tam thất hoang có củ trông rất giống sâm Ngọc Linh, nhưng về giá trị không thể sánh được với sâm Ngọc Linh. Với những người chưa tiếp xúc nhiều về sâm Ngọc Linh thì không thể phân biệt được đâu là sâm thật, sâm giả.

Chính vì vậy mà việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sâm Ngọc Linh lúc này là việc làm rất cần thiết nhằm khẳng định thương hiệu cho sâm Ngọc Linh, bảo hộ quyền lợi cho nhà sản xuất và người tiêu dung. Từ đây, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo Sở KH&CN cùng các cơ quan chức năng tỉnh gấp rút làm hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho loài dược liệu quý này. Một việc làm thiết thực tưởng dễ nhưng không hề đơn giản cho các cơ quan chuyên trách tỉnh Kon Tum. Bởi, cùng thời gian này, UBND tỉnh Quảng Nam cũng gửi hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sâm Ngọc Linh Quảng Nam. Một cuộc tranh giành thương hiệu cho cùng một sản phẩm sâm Ngọc Linh đã diễn ra.

Cục sở hữu trí tuệ trao Bản chính giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho tỉnh Kon Tum.

Trong suốt 10 năm từ 2006, cơ quan chuyên trách của hai tỉnh này liên tục gặp nhau để đàm phán nhưng rồi tất cả đều không đi đến thống nhất. Một cuộc tranh giành thương hiệu cam go, kiên trì giữa hai tỉnh rất khốc liệt. Cho đến khi Bộ Khoa học & Công nghệ đứng ra chủ trì thì sự việc mới đi đến hồi kết. Ngày 26/8/2016, Cục Sở hữu Trí tuệ – Bộ KH&CN đã trao Bản chính giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý sâm củ Ngọc Linh cho tỉnh Kon Tum và Bản phó giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý sâm củ Ngọc Linh cho tỉnh Quảng Nam.

Theo ông Thảo: Sau khi có được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý với lợi thế bản chính, Sở KH&CN tỉnh Kon Tum đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thành lập Hội sản xuất, chế biến và kinh doanh sâm Ngọc Linh, nhằm tạo thành sức mạnh liên kết, giúp các hội viên nâng cao khả năng sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh; bảo vệ các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính, nâng cao uy tín sản phẩm, bảo vệ quyền độc quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý sản phẩm.

Ngày 10/7/2017, UBND tỉnh Kon Tum đã ký quyết định cho phép thành lập Hội sản xuất, chế biến và kinh doanh sâm Ngọc Linh. Trước đó, ngày 5/6/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định số 787/QĐ-TTg phê duyệt sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm quốc gia.

Tiến Thành