Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Quy định mới về bảo vệ, khai thác, sử dụng nước

Lê Chiên (ghi) - 07:45 27/07/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nước là nguồn tài nguyên quý giá, liên quan chặt chẽ đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất – đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay do nhu cầu nước sử dụng cho phát triển không ngừng tăng lên khiến nhiều dòng sông bị suy thoái, ô nhiễm, vì vậy việc bảo vệ, khai thác, sử dụng nước hiệu quả càng trở nên cấp thiết, Luật Tài nguyên nước có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 đã quy định rõ về vấn đề này.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mai (giảng viên Học viện Tư pháp) đã có những trao đổi cụ thể như sau:

Ngoài việc khai thác, sử dụng nước của con người phục vụ đời sống, sinh hoạt và sản xuất còn có rất nhiều yếu tố tác động, ảnh hưởng đến nguồn nước như: Chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước, hệ thống thủy điện; hoạt động của các khu công nghiệp; quy hoạch sông ngòi, hồ chứa…Vì thế, để bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, có hiệu quả, Luật Tài nguyên nước đã đưa ra nhiều quy định: Quy hoạch về  tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi tài nguyên nước; điều hòa, phân phối và khai thác, sử dụng tài nguyên nước; những công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước... 

Kiểm soát tốt nguồn nước để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh minh họa

Các hành vi bị nghiêm cấm

 Để bảo vệ nguồn nước không bị ô nhiễm, suy thoái  thì hành vi nào bị nghiêm cấm, thưa Tiến sĩ?

Theo quy định tại Luật Tài nguyên nước 2023 thì các hành vi sau đây bị nghiêm cấm:

- Đổ chất thải, rác thải, đổ hoặc làm rò rỉ các chất độc hại, xả khí thải độc hại vào nguồn nước.

- Xả nước thải vào nguồn nước dưới đất; xả nước thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải vào nguồn nước mặt, nước biển.

- Xả nước thải, đưa các chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.

- Thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất trái phép.

- Lấn, lấp sông, suối, kênh, mương, rạch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đặt vật cản, chướng ngại vật, xây dựng công trình kiến trúc, trồng cây gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ chứa, kênh, mương, rạch nhưng không có biện pháp khắc phục.

- Khai thác trái phép cát, sỏi, bùn, đất và các loại khoáng sản khác trên sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, trong hành lang bảo vệ nguồn nước; khoan, đào, xây dựng nhà cửa, công trình, vật kiến trúc và các hoạt động khác trong hành lang bảo vệ nguồn nước gây sạt lở bờ sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ.

- Phá hoại các công trình bảo vệ, điều tiết, tích trữ nước, khai thác, sử dụng, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra.

- Làm sai lệch thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước.

- Không tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

- Xây dựng đập, hồ chứa, công trình điều tiết, tích trữ nước, phát triển nguồn nước trái quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan.

Bên cạnh quy định về những hành vi bị nghiêm cấm nêu trên, Điều 25, Luật Tài nguyên nước còn quy định việc "Bảo đảm lưu thông của dòng chảy". Theo đó, việc thực hiện các hoạt động Thăm dò, khai thác khoáng sản trên sông, suối, kênh, mương, rạch; xây dựng cầu, bến tàu hoặc công trình khác ngăn, vượt sông, suối, kênh, mương, rạch; đặt đường ống hoặc dây cáp bắc qua sông, suối, kênh, mương, rạch, đặt lồng bè trên sông hoặc các hoạt động khác phải bảo đảm lưu thông của dòng chảy theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Quy định về bảo vệ tài nguyên nước

 Để bảo vệ tài nguyên nước, phải thực hiện những quy định gì?

Bảo vệ tài nguyên nước là vấn đề vô cùng quan trọng. Vì vậy, Luật Tài nguyên nước đã dành hẳn một Chương (Chương III) để quy định việc “Bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước”. Những quy định đó bao gồm:

Bảo vệ nguồn nước mặt; hành lang bảo vệ nguồn nước; dòng chảy tối thiểu; bảo đảm lưu thông của dòng chảy;  bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt; bảo vệ chất lượng nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, khai thác khoáng sản và các hoạt động khác; phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; phòng, chống ô nhiễm nước biển... 

Những quy định về khai thác, sử dụng nước

Còn việc khai thác, sử dụng nước được quy định ra sao?

Luật Tài nguyên nước cũng dành một chương (Chương IV) quy định việc 'Điều hòa, phân phối và khai thác, sử dụng tài nguyên nước". Những quy định đó bao gồm:  

Quy định chung về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước; khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt; khai thác tài nguyên nước cho sản xuất nông nghiệp; khai thác tài nguyên nước cho sản xuất muối và nuôi trồng thủy sản; khai thác tài nguyên nước cho sản xuất công nghiệp, khai thác, chế biến khoáng sản và mục đích khác; đập, hồ chức và việc khai thác, sử dụng nước liên quan đến đập, hồ chức; sử dụng nguồn nước cho giao thông thủy; sử dụng nguồn nước cho các mục đích khác...

Trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước

Nước bị ô nhiễm gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt là các vùng nông thôn gây lo lắng cho người dân. Vậy, Luật tài nguyên nước quy định thế nào về trách nhiệm của người dân và các cơ quan liên quan trong việc bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt?

Điều 26, Luật Tài nguyên nước quy định: Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt. Người phát hiện hành vi gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt có trách nhiệm kịp thời báo cho Ủy ban nhân dân nơi gần nhất.

Bên cạnh đó còn quy định trách nhiệm của UBND các cấp, các bộ, ngành có liên quan trong việc bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt.

Bảo vệ, khai thác nước trong sản xuất nông nghiệp.

Sản xuất nông nghiệp là một trong những yếu tố tác động nhiều nhất đến chất lượng nước. Pháp luật quy định thế nào về việc  bảo vệ, khai thác nước trong sản xuất nông nghiệp?

Việc bảo vệ chất lượng nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, khai thác khoáng sản và các hoạt động khác được quy định tại Điều 27 Luật Tài nguyên nước. Theo đó: Tổ chức, cá nhân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và các loại hóa chất khác trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật, không được gây ô nhiễm nguồn nước.

Đối với việc khai thác tài nguyên nước cho sản xuất nông nghiệp theo quy định tại Điều 44, Luật Tài nguyên nước quy định: Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước cho sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm sau đây:

+ Có biện pháp tiết kiệm nước, phòng, chống chua, mặn, xói mòn đất và bảo đảm không gây ô nhiễm nguồn nước;

+ Tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, vận hành công trình, hệ thống công trình thủy lợi theo quy định tại Điều 38 của Luật này và pháp luật về thủy lợi;

+ Vận hành các hồ chứa, công trình, hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm nhiệm vụ thiết kế, lưu thông của dòng chảy, duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định tại Điều 24 của Luật này, không gây ứ đọng, ô nhiễm nguồn nước; thực hiện quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước theo quy định tại Điều 51 của Luật này; sử dụng tiết kiệm, giảm thiểu thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, kết hợp cải tạo, phục hồi, phát triển nguồn nước.

*THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 81/2014/QĐ-TTG

Hoàn thiện hành lang pháp lý về sử dụng tài nguyên nước
Cần thiết xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.